Theo báo cáo tại hội thảo, khu vực nông thôn Hải Phòng hiện có 39 làng nghề, trong đó có 23 làng nghề truyền thống và 16 làng nghề mới, chia làm 10 nhóm ngành nghề khác nhau. Căn cứ vào nguồn phát sinh chủ yếu, chất thải làng nghề Hải Phòng được chia thành 4 nhóm chính: (1) Bụi, khí thải phát sinh từ các làng nghề: khai thác vật liệu xây dựng và chế biến đá; tạc tượng, sơn mài, đồ mộc; gốm, sứ; (2) Nước thải phát sinh từ các làng nghề: sản xuất bún, bánh đa; sản xuất cá giống; nuôi trồng và dịch vụ thủy sản; (3) Bụi, khí thải, chất thải rắn, nước thải (tính cả nước mưa tràn mặt) phát sinh từ các làng nghề: đúc, gia công kim loại; tái chế chất thải; (4) Chất thải rắn và nuớc thải phát sinh từ các tàu cá xả ra tại các cảng cá, bến cá, khu neo đậu tàu cá.
Kết quả đo đạc, quan trắc, đánh giá sơ bộ qua các năm cho thấy tình trạng ô nhiễm không khí tại các làng nghề tiếp tục gia tăng, đặc biệt tại các làng nghề tái chế phế liệu Tràng Minh, đúc - cơ khí Mỹ Đồng, chế biến vật liệu xây dựng Lại Xuân, An Sơn,... Ô nhiễm không khí, bụi, tiếng ồn tại các làng nghề này do khai thác, chế biến đá, đốt than, đúc kim loại, gia công nhựa phế liệu,... thể hiện qua các thông số SO2, CO, NO2, bụi, tiếng ồn đều vượt quy chuẩn cho phép. Bên cạnh ô nhiễm khí thải, ô nhiễm do nước thải tại một số làng nghề cũng đang có xu hướng tăng, làm gia tăng tình trạng ô nhiễm các nguồn nước mặt của thành phố.
Xuất phát từ thực tế đó, hội thảo đã giới thiệu một số công nghệ xử lý bụi, khí thải, như: Hệ thống xyclon tách bụi, tháp hấp thụ lắp đặt tại các làng nghề cơ khí, tái chế kim loại; Thiết bị cyclone ướt, thiết bị keo tụ lắng tại các làng nghề chế tác đá; Công nghệ tái chế mùn cưa thành than cacbon hóa cho các làng nghề chế biến gỗ… Bên cạnh đó, hội thảo cũng giới thiệu các thiết bị lọc bụi phổ biến hiện nay: Thiết bị lọc bụi trọng lực, thiết bị lọc bụi ly tâm, thiết bị lọc bụi túi vải, màng vải, thiết bị lọc bụi kiểu ướt, thiết bị lọc bụi tĩnh điện và phương pháp hấp phụ, hấp thụ xử lý khí thải… Đây là những giải pháp công nghệ xử lý bụi, khí thải phù hợp với thực tế làng nghề tại các địa phương.
Bảo vệ môi trường làng nghề là trách nhiệm chung của chính quyền các cấp và cộng đồng dân cư làng nghề. Bên cạnh giải pháp về công nghệ, xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề cũng cần có sự phối hợp các giải pháp đồng bộ khác như quy hoạch không gian làng nghề gắn liền với bảo vệ môi trường, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho cộng đồng, quản lý môi trường gắn với các chương trình quan trắc giám sát… hướng tới phát triển bền vững làng nghề./.