Thứ sáu, 01/07/2016 19:10 GMT+7

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh: Các nhà khoa học đã vào cuộc với những nỗ lực, cố gắng cao nhất

Chiều 30/6/2016, Chính phủ đã có phiên họp báo chuyên đề, trong đó có nội dung công bố nguyên nhân sự cố môi trường làm hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh ven biển miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế) tháng 4/2016. Phóng viên...

Thưa ông, xin ông cho biết quá trình xác định nguyên nhân hải sản chết tại các tỉnh miền Trung? Các nhà khoa học trong và ngoài nước đã “vào cuộc” như thế nào?

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh: Ngay khi có thông tin và báo cáo về hiện tượng hải sản chết bất thường tại một số tỉnh miền Trung, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là đảm bảo khẩn trương, nhanh chóng làm rõ nguyên nhân, có kết luận độc lập, khách quan với đầy đủ căn cứ khoa học thuyết phục, không bao che cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào nếu vi phạm, các đoàn công tác liên ngành đã được thành lập, đi khảo sát thực địa tại vùng biển 4 tỉnh miền Trung để tổng hợp thông tin, lấy mẫu, tiến hành phân tích mẫu để đánh giá hiện tượng và tìm hiểu nguyên nhân. Sở KH&CN của các tỉnh miền Trung đã phối hợp chặt chẽ với các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi diễn biến, lấy mẫu hiện trường để phục vụ công tác phân tích, xác định nguyên nhân và đề xuất biện pháp giải quyết; báo cáo nhanh kết quả và các đề xuất, kiến nghị về Bộ KH&CN.

Bộ KH&CN đã chủ trì, phối hợp với Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam và các Bộ, ngành thành lập Hội đồng chuyên gia KH&CN quốc gia, huy động hơn 100 nhà khoa học trong nước với những chuyên ngành có liên quan từ 30 đơn vị khác nhau. Thêm vào đó, Hội đồng cũng đã hợp tác chặt chẽ với các nhà khoa học nước ngoài (Australia, Nhật Bản, Đức, Pháp, Mỹ, Israel) để bổ sung dữ liệu đánh giá, tăng cường độ tin cậy, tính chính xác, khách quan.

Dựa trên ghi nhận các sự kiện sinh vật biển chết hàng loạt trên thế giới và ở Việt Nam cùng với các kết luận nguyên nhân gây ra sự cố kèm theo, phương pháp tiếp cận của Hội đồng là theo từng nhóm vấn đề trên nguyên tắc loại trừ dần nhưng không bỏ sót bất cứ nguyên nhân nào. Kết quả phân tích ảnh vệ tinh cho thấy nguyên nhân do tràn dầu được loại trừ. Từ kết quả tổng hợp, phân tích các số liệu động đất ở Việt Nam và khu vực, nguyên nhân do tai biến địa chất được loại trừ. Dựa trên kết quả phân tích tác nhân gây bệnh thường gặp trên cá biển, kết quả phân tích sự biến đổi mô bệnh học của cá, cho phép kết luận nguyên nhân không phải do dịch bệnh. Các giải đoán ảnh viễn thám cùng với các kết quả nghiên cứu về điều kiện nền cho hiện tượng bùng phát tảo gây hại cho thấy tảo nở hoa được ghi nhận tại một số thời điểm trong phạm vi hẹp có thể gây cá chết nhưng không phải là nguyên nhân gây cá chết hàng loạt. Qua phân tích trong các mẫu cá chết, thử nghiệm, phân tích các mẫu nước dị thường thu được, phân tích ảnh vệ tinh, cùng với kết quả mô phỏng lan truyền ô nhiễm đã chứng minh có một nguồn thải từ khu vực Vũng Áng (Hà Tĩnh), được kết hợp với Hydroxit Sắt, tạo thành một dạng phức sắt dạng keo chứa độc tố như Phenol, Xyanua,… có tỉ trọng lớn hơn nước biển di chuyển theo dòng hải lưu từ Bắc vào Nam và gây ra hải sản chết hàng loạt bởi độc tố và thiếu ô-xy, nhất là các loài cá tầng đáy.


Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh (ở giữa) trả lời câu hỏi của phóng viên
tại buổi Họp báo Chính phủ chuyên đề chiều 30/6 (Ảnh: Hạnh Nguyên)

Theo như ông vừa đề cập, có thể nói việc lấy mẫu để phân tích, xác định nguyên nhân của hiện tượng hải sản chết hàng loạt cần sự phối hợp của rất nhiều cơ quan, đơn vị. Xin ông cho biết rõ hơn về điều này?

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh: Có thể khẳng định việc cập nhật liên tục diễn biến hiện trường và phối hợp tổ chức lấy các mẫu vật, kết hợp với phân tích hồi tố về điều kiện thực địa lúc xảy ra sự cố môi trường, đã đáp ứng cho yêu cầu nghiên cứu, phân tích để xác định nguyên nhân một cách khoa học. Các đối tượng lấy mẫu như cá, nước (tầng mặt và tầng đáy), trầm tích, san hô, sinh vật phù du, hệ sinh thái biển, động vật đáy, các dữ liệu ảnh viễn thám,… là cơ sở phân tích đánh giá đầy đủ để có kết luận khoa học.

Phạm vi lấy mẫu được thực hiện từ Vũng Áng tỉnh Hà Tĩnh đến Lăng Cô tỉnh Thừa Thiên Huế với 7 mặt cắt, riêng tại khu vực vịnh Vũng Áng và Sơn Dương thuộc Hà Tĩnh là nơi đầu tiên phát hiện hải sản chết bất thường được lấy mẫu tại 27 vị trí theo các mặt quan trắc. Các mẫu nước, mẫu trầm tích và mẫu cá được lấy và bảo quản theo tiêu chuẩn của Việt Nam và quốc tế. Các vệt nước có màu bất thường, các lớp màng dịch phủ trong rạn san hô và đặc biệt dấu vết còn lại trên đáy biển phải thực hiện kỹ thuật lấy mẫu bằng phương pháp lặn biển và tuân thủ theo quy trình lấy mẫu của quốc tế.

Để đảm bảo tính minh bạch và thuyết phục, Việt Nam có mời các tổ chức điều tra độc lập trong và ngoài nước không thưa ông?

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh: Trong quá trình điều tra nguyên nhân, Việt Nam không mời các tổ chức điều tra độc lập trong và ngoài nước. Tuy nhiên, chúng tôi đã mời các nhà khoa học quốc tế đến từ Hoa Kỳ, Pháp, Israel, Đức, Nhật Bản và Australia tham gia trong quá trình thu thập, phân tích mẫu và xử lý kết quả, biện luận kết quả. Các kết quả phân tích độc chất đều được kiểm chứng giữa các phòng thí nghiệm của Việt Nam và quốc tế.

Mặt khác, chúng tôi đã mời các chuyên gia phản biện độc lập trong và ngoài nước đánh giá báo cáo tổng kết công trình nghiên cứu này. Cụ thể, 3 chuyên gia phản biện độc lập trong nước đến từ Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện KH&CN Quân sự thuộc Bộ Quốc phòng, Viện Công nghệ sinh học thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam và 3 chuyên gia phản biện độc lập quốc tế là GS. Maeda, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực Môi trường của Đại học vùng Osaka, Nhật Bản; GS. Berna Legube, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực xử lý nước thải của Đại học Poitier, Cộng hòa Pháp và TS. Schroeder của Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu và Bờ biển, CHLB Đức, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực Môi trường Biển. Các chuyên gia phản biện trong và ngoài nước đều đánh giá rất cao kết quả nghiên cứu, đồng thời cho rằng các nghiên cứu đã được thực hiện một cách hệ thống, bài bản, nghiêm túc và khẩn trương. Các phương pháp nghiên cứu, phân tích đều phù hợp nên cho các kết quả đáng tin cậy và hoàn toàn đồng tình với các kết luận liên quan đến nguyên nhân gây ra cá chết hàng loạt tại các tỉnh miền Trung trong thời gian qua.

Từ khi xảy ra sự cố môi trường nói trên đến nay đã hơn 2 tháng. Ngày 23/4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định cá chết do độc tố của môi trường, sau đó Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố do thuỷ triều đỏ. Vậy tại sao cho đến nay nguyên nhân của hiện tượng hải sản chết bất thường mới được công bố chính thức, thưa ông?

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh: Ngay từ đầu xác định đây là sự cố môi trường lớn, nghiêm trọng, lần đầu tiên xảy ra ở Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo và phân công các bộ ngành, địa phương có liên quan, trong đó phân công Bộ KH&CN phối hợp với Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam khẩn trương, nhanh chóng bằng những căn cứ khoa học khách quan, chặt chẽ sớm nhất tìm ra nguyên nhân.

Về phía nhà khoa học, các nhà khoa học đã vào cuộc với những nỗ lực và cố gắng cao nhất, không kể ngày đêm trong suốt thời gian qua. Quá trình tiếp cận bằng nhiều phương pháp khoa học khác nhau, huy động tất cả các lực lượng trong đó có nhiều chuyên gia khoa học nước ngoài. Trong khi xử lý, có những khó khăn trong việc xác định nguyên nhân là chúng ta phải thực sự tìm kiếm các dấu vết ngay tại thực địa, dưới đáy biển và đồng thời phân tích, hồi tố những điều kiện thực địa ban đầu. Có thể nói, kết quả khoa học với sự bổ trợ hết sức quý báu của các nhà khoa học, chuyên gia quốc tế như Nhật, Pháp, Đức, Israel, Mỹ,… đã bổ sung các dữ liệu, cùng các nhà khoa học Việt Nam đối chứng, phân tích so sánh, đánh giá chỉ tiêu, từ đó đã có những căn cứ khoa học với đầy đủ sự tin cậy, khách quan, tính thuyết phục cao nhất được các nhà khoa học trong nước và quốc tế thừa nhận.

Kết quả và bằng chứng công bố hôm nay thể hiện nỗ lực, cố gắng của các nhà khoa học trong nước, đồng thời là minh chứng về trình độ, năng lực của nhà khoa học trong việc tiếp cận và xử lý những vấn đề khoa học hết sức phức tạp như diễn biến của sự cố này.

Có thể dẫn chứng một trường hợp tương tự, tháng 12/2004, tỉnh Chi Ba (Nhật Bản) đã có sự cố môi trường nghiêm trọng xảy ra. Hơn 1 năm sau, ngày 27/12/2005, Hội đồng đánh giá của Nhật Bản với những chuyên gia hàng đầu về môi trường biển mới có thể kết luận nguyên nhân từ vi phạm môi trường xử lý chất thải, do Công ty gang thép JFE (Nhật Bản) đã thải khí độc vào không khí và xả nước thải chứa xyanua vào Vịnh Tokyo. Đây là minh chứng sinh động để thấy với toàn bộ nỗ lực chúng ta đã có được kết luận hết sức khách quan được quốc tế thừa nhận trong hơn 2 tháng qua.

Vâng, xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Lượt xem: 1926

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)