Nguồn thải lớn nhất xuất phát từ khu vực Vũng Áng (Hà
Tĩnh), chứa độc tố như phenol, Xyanua, hydoxit sắt 2, tạo thành một dạng phức
hợp, hỗn hợp có tỉ trọng lớn hơn nước biển, theo dòng hải lưu di chuyển theo
hướng Bắc-Nam từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế là nguyên nhân làm hải sản và sinh
vật biển chết hàng loạt, nhất là ở tầng đáy biển.
Thông tin này được đưa ra tại buổi họp báo Chính phủ chuyên đề chiều 30/6. Buổi
họp báo có sự tham gia của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Mai Tiến
Dũng; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh; Bộ trưởng Bộ Thông tin và
Truyền thông Trương Minh Tuấn; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà;
GS.VS Châu Văn Minh và đại diện nhiều bộ, ngành.
Tại buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã
công bố kết luận về nguyên nhân dẫn đến hiện tượng hải sản chết tại 4 tỉnh ven
biển miền Trung trong thời gian vừa qua.
Theo ông Mai Tiến
Dũng, sự cố môi trường nghiêm trọng trên đã làm hải sản chết bất thường, gây
thiệt hại lớn về kinh tế - xã hội, hủy hoại môi trường biển, ảnh hưởng đến đời
sống người dân, ảnh hưởng tới an ninh, trật tự xã hội. Vì thế, lãnh đạo Đảng,
Nhà nước, đã quyết liệt chỉ đạo triển khai kịp thời các biện pháp hỗ trợ ổn
định cuộc sống của người dân vùng bị thiệt hại và tập trung chỉ đạo giữ vững an
ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; bước đầu đánh giá thiệt hại về kinh
tế, xã hội, môi trường. Đồng thời, cũng chỉ đạo các bộ ngành, các cơ quan khoa
học, trên tinh thần thận trọng, khoa học, chính xác, khách quan và đúng pháp
luật, xác định, làm rõ nguyên nhân và đối tượng gây ra sự cố để có giải pháp xử
lý.
Ông Mai Tiến Dũng cho
biết, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì, phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học
và Công nghệ Việt Nam, các bộ, ngành liên quan, huy động trên 100 chuyên gia,
các nhà khoa học đầu ngành của 30 cơ quan trong và ngoài nước, tổ chức thu thập
dữ liệu, có sự phản biện độc lập của các chuyên gia quốc tế đã xác định nguồn
thải lớn nhất xuất phát từ khu vực Vũng Áng (Hà Tĩnh), có chứa độc tố như
phenol, xyanual, hydoxit sắt 2, tạo thành một dạng phức hợp theo dòng hải lưu
di chuyển theo hướng Bắc - Nam từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế là nguyên nhân làm
hải sản và sinh vật biển chết hàng loạt, nhất là ở tầng đáy biển.
Bộ Tài nguyên và Môi trường
Việt Nam đã chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, địa phương liên quan tổ chức rà
soát nguồn thải; thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành về bảo vệ môi trường và
tài nguyên nước với sự tham gia của cán bộ, chuyên gia, các nhà khoa học đầu
ngành và đã phát hiện Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh có một
số hành vi vi phạm; và xác định được sự cố xảy ra trong quá trình vận hành thử
nghiệm của Formosa xả thải ra biển có chứa các độc tố Phenol, Xyanua, Hydroxit
Sắt vượt quá mức cho phép. Từ các căn cứ trên, các bộ, ngành, cơ quan chức năng
của Việt Nam có liên quan đã thẩm định kỹ lưỡng, tham vấn các nhà khoa học
trong nước, quốc tế và đã kết luận: Những vi phạm và sự cố trong quá trình
thi công, vận hành thử nghiệm tổ hợp nhà máy Công ty Formosa Hà Tĩnh là nguyên
nhân gây ra ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng, làm hải sản chết bất thường
tại 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế trong tháng 4 vừa qua.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh (giữa) trả lời chất vấn của báo chí (Ảnh: Nguyễn Hạnh)
Trả lời chất vấn của truyền thông về việc vì sao phải
mất gần 3 tháng mới chính thức công bố nguyên nhân, Bộ trưởng Bộ Khoa học và
Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết, các nhà khoa học đã vào cuộc với những nỗ lực
và cố gắng cao nhất, không kể ngày đêm trong suốt thời gian qua. Quá trình này
được tiếp cận bằng nhiều phương pháp khoa học khác nhau huy động tất cả các lực
lượng trong đó mở rộng cả các chuyên gia khoa học nước ngoài. Những khó khăn
trong việc xác định nguyên nhân là phải thực sự tìm kiếm các dấu vết ngay tại
thực địa, dưới đáy biển, cùng với đó là phân tích hồi tố các yếu tố thực địa
ban đầu.
Theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, với sự hỗ trợ quý báu của các nhà khoa học và
chuyên gia quốc tế đến từ các quốc gia như Nhật, Pháp, Đức, Isarel, Mỹ đã bổ
sung các dữ liệu cùng các nhà khoa học Việt Nam đối chứng, phân tích so sánh,
đánh giá các chỉ tiêu. Thông qua đó, chúng ta có được căn cứ khoa học với đầy
đủ độ tin cậy, tính khách quan và thuyết phục cao nhất được các nhà khoa học
trong nước và quốc tế thừa nhận.
“Đưa ra kết quả công
bố hôm nay thể hiện nỗ lực của các nhà khoa học cũng như trình độ và năng lực
trong việc giải quyết những vấn đề phức tạp. Bởi lẽ, một sự cố môi trường tương
tự đã xảy ra tại tỉnh Chi Ba, Nhật Bản vào tháng 12 năm 2004. Tuy nhiên một năm
sau, đến ngày 27/12/2005, Hội đồng đánh giá Nhật Bản mới kết luận nguyên nhân
là do Tập đoàn sản xuất thép JFE thải khí độc vào không khí và xả nước thải có
chứa xyanua vào vịnh Tokyo. Đây là bằng chứng sinh động cho thấy toàn bộ nỗ lực
để có được kết luận hết sức khoa học khách quan và được quốc tế thừa nhận trong
hơn 2 tháng qua” - ông Chu Ngọc Anh khẳng định.
Trước vấn đề, vì sao
số tiền bồi thường là 500 triệu USD, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần
Hồng Hà cho biết, đây là mức đựa trên đánh giá về mức độ ảnh hưởng đến cuộc
sống người dân, môi trường. Theo ông Hà, cái cần thiết bây giờ là yêu cầu
Formosa thay đổi công nghệ để không bao giờ xảy ra sự cố tương tự.
Sau kết luận từ Việt
Nam, ngày 28/6/2016, Công ty Formosa Hà Tĩnh đã nhận trách nhiệm về việc
gây ra sự cố môi trường trên, đồng thời cam kết 5 điểm. - Công khai xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam vì đã để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng. -
Thực hiện việc bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân và hỗ trợ
chuyển đổi nghề nghiệp; bồi thường xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường
biển tại 4 tỉnh miền Trung của Việt Nam với tổng số tiền trên 11.500 tỷ
đồng (tương đương 500 triệu USD). -
Khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế của hệ thống xử lý chất thải,
nước thải, hoàn thiện công nghệ sản xuất, bảo đảm xử lý triệt để các
chất thải độc hại trước khi thải ra môi trường theo yêu cầu của các cơ
quan quản lý nhà nước của Trung ương và tỉnh Hà Tĩnh; và không để tái
diễn sự cố môi trường như đã xảy ra. -
Phối hợp với các bộ, ngành của Việt Nam và các tỉnh miền Trung xây dựng
các giải pháp đồng bộ để kiểm soát môi trường biển miền Trung, bảo đảm
phòng, chống ô nhiễm, không để xảy ra sự cố môi trường tương tự để tạo
niềm tin với người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. -
Thực hiện đúng và đầy đủ các cam kết nói trên, không để tái diễn các
hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước; nếu
vi phạm sẽ chịu các chế tài theo quy định của pháp luật Việt Nam. |
Liên kết nguồn tin: http://khoahocphattrien.vn/tin-tuc/cong-bo-nguyen-nhan-ca-chet-tai-sao-can-toi-gan-3-thang/20160630075449238p1c882.htm