Thứ năm, 08/09/2016 17:03 GMT+7
Xây dựng công nghệ và chế tạo thiết bị lên men quy mô pi lốt thu sinh khối nấm cordyceps sản phẩm để dùng làm thực phẩm chức năng và dược liệu
Năm 2015, nhóm nghiên cứu do ThS. Nguyễn Tiến Dũng, Viện Nghiên cứu Cơ khí, Bộ Công Thương đứng đầu, đã tiến hành nghiên cứu Xây dựng công nghệ và chế tạo thiết bị lên men quy mô pi lốt thu sinh khối nấm cordyceps sản phẩm để dùng làm thực phẩm chức...
Qua quá trình nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã xây dựng được quy trình công nghệ cho lên men nấm Cordyceps sp CPS1 quy mô thí nghiệm với môi trường lên men thích hợp, pH 6,0; nhiệt độ là 25 độ C. Đồng thời trên cơ cở thông số kỹ thuật của quy trình nhóm nghiên cứu đã chế tạo thành công thiết bị lên men 50 lít quy mô pi lốt thu sinh khối nấm cordyceps sản phẩm để dùng làm thực phẩm chức năng và dược liệu.
Thiết bị này có vỏ bằng thép không rỉ SUS 304, có thể khử trùng tại chỗ, chịu áp suất tới 1,5 atm và nhiệt độ 140 độ C, có khả năng ổn nhiệt trong quá trình lên men 20-40 độ C, có hệ thống điều khiển tốc độ khuấy bằng biến tần (0-250 vòng/phút) và tốc độ thổi khí vô trùng vào bình.
Hệ thống thiết bị lên men hoạt động ổn định, an toàn. Các hệ thống trong dây chuyền lên men có thể tích hợp tốt và hoàn toàn đáp ứng yêu cầu về thiết bị lên men vi sinh.
Sản phẩm sinh khối nấm sau khi lên men trên thiết bị 50 lít chế tạo được phân tích các chỉ tiêu về vi sinh tạp nhiễm, hoạt chất sinh học và dư lượng kim loại nặng, cũng như đánh giá được độ an toàn thông qua chuột thí nghiệm đạt tiêu chuẩn làm thực phẩm chức năng và dược liệu.
Các sản phẩm nghiên cứu đáp ứng được yêu cầu khoa học, đủ năng lực xác lập các thông số công nghệ cơ bản của quá trình len men vi sinh và giúp giảm chi phí thông qua việc ứng dụng thử nghiệm sản phẩm vào sản xuất và đời sống. Nghiên cứu cũng tạo ra được nhiều công ăn việc làm mới, nhiều ngành nghề mới và bảo vệ môi trường cũng như có khả năng thương mại hóa. Sản phẩm của nghiên cứu có triển vọng thị trường lớn, đáp ứng được nhu cầu cung ứng thiết bị lên men trong nước.
Nhóm nghiên cứu cũng kiến nghị áp dụng và chuyển giao kết quả nghiên cứu vào sản xuất ở quy mô công nghiệp và thương mại hóa sản phẩm để đề tài đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển của khoa học và công nghệ của Việt Nam.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 10888) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.