Đó là chia sẻ của TS. Dương Đình Giám, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách công nghiệp, Bộ Công thương - Chủ nhiệm Đề tài “Nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế, đề xuất các giải pháp sử dụng hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) phù hợp với hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu nhằm phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam” mã số KX.06.11/11-15.
Toàn cảnh buổi nghiệm thu Đề tài KX.06.11/11-15Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế về kinh tế và khoa học và công nghệ (KH&CN) ngày càng sâu rộng, vai trò của tiêu chuẩn hóa nói chung và TBT nói riêng ngày càng trở thành điểm nóng, thu hút mối quan tâm của Chính phủ nhiều nước, đặc biệt là các nước đang phát triển, có trình độ kinh tế và KH&CN hạn chế như Việt Nam.
TS. Dương Đình Giám chia sẻ, việc ra đời và phát triển của TBT chủ yếu là xuất phát từ việc xem xét bảo vệ sức khỏe con người, nâng cao chất lượng và an toàn cuộc sống và bảo vệ môi trường sinh thái. Bên cạnh ý nghĩa tích cực, một số quốc gia đang xây dựng các TBT trở thành công cụ pháp lý chủ yếu mới của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch. Trên thực tế, một số quy định của WTO và công ước quốc tế liên quan tạo điều kiện cho việc thiết lập TBT.
TBT là con đường bắt buộc chúng ta phải đi qua để tiến hành hội nhập kinh tế với các nước khác. Vượt qua TBT sẽ giúp chúng ta nâng cao trình độ công nghệ, trình độ tiêu chuẩn hóa và tăng cường khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường thế giới.
Đối mặt với những thách thức đó, Đề tài đã tổng hợp kinh nghiệm của một số quốc gia phát triển có nhiều kinh nghiệm trong xây dựng và thực thi TBT như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số quốc gia trong khối ASEAN. Đề tài ngoài việc cung cấp có hệ thống những kiến thức cơ bản về TBT và kinh nghiệm của các nước trong việc thiết lập thể chế tiêu chuẩn hóa và hệ thống TBT, xây dựng hệ thống cảnh báo sớm TBT… đã tiến hành nghiên cứu khá tỉ mỉ hiện trạng ứng phó với TBT của nước ta, bao gồm ba chủ thể có liên hệ với nhau và chịu tác động trực tiếp từ các hoạt động TBT, đó là các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội nghề nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp.
Nghiên cứu cũng đã chỉ ra những tác động của TBT đến phát triển kinh tế, xã hội và môi trường của Việt Nam trong những năm vừa qua, đặc biệt là từ khi nước ta gia nhập WTO, bao gồm cả các tác động tích cực và tiêu cực. Đề tài đã đề xuất nhóm giải pháp chung cho cả ba chủ thể là “Tiếp tục nâng cao nhận thức về TBT phù hợp với xu thế hội nhập” và ba nhóm giải pháp riêng, phù hợp với năng lực hiện tại cho mỗi chủ thể. Các giải pháp đưa ra đều tập trung vào việc tăng cường công tác tiêu chuẩn hóa và xây dựng các hoạt động dịch vụ hỗ trợ TBT, chú trọng công tác cảnh bảo sớm TBT, cũng như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về TBT, xây dựng hạ tầng cơ sở phục vụ cho đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ tiêu chuẩn, để doanh nghiệp nói riêng và quốc gia nói chung nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế sâu rộng hơn nữa.
Đề tài cũng đưa ra một số kiến nghị đối với các cơ quan quản lý nhà nước như: Hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật liên quan đến TBT; tập trung nguồn lực đầu tư cho Văn phòng TBT Việt Nam và mạng lưới TBT Việt Nam; triển khai Đề án xây dựng hệ thống thông tin trực tuyến của mạng lưới TBT và cơ sở dữ liệu về TBT; tăng cường hoạt động phổ biến, tuyên truyền về TBT…
Những kết quả nghiên cứu của Đề tài sẽ là căn cứ khoa học và có giá trị tham khảo cho các cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp để xây dựng chính sách và các giải pháp thúc đẩy hội nhập quốc tế về kinh tế và KH&CN, phục vụ cho phát triển kinh tế và xã hội của nước ta trong giai đoạn mới.