Thứ năm, 07/07/2016 17:43 GMT+7

Đầu tư cho nghiên cứu cơ bản là đầu tư cho nền móng, tăng cường năng lực quốc gia

"Chính phủ Việt Nam luôn xuyên suốt quan điểm khoa học cơ bản là nền tảng, cần được chú trọng đầu tư. Đầu tư cho nghiên cứu cơ bản là đầu tư chiến lược, đầu tư cho nền móng, cho tăng cường năng lực quốc gia".

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định như vậy tại Hội thảo quốc tế “Khoa học cơ bản và xã hội”- sự kiện lớn nhất trong chuỗi các sự kiện khoa học “Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 12” diễn ra tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE), thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định từ ngày 07 - 08/7/2016. Hội thảo do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và Hội Gặp gỡ Việt Nam phối hợp với Trung tâm nghiên cứu nguyên tử Châu Âu (CERN), Viện quốc tế SOLVAY đồng tổ chức dưới sự hỗ trợ tối cao của UNESCO.

Tham dự sự kiện có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh; Nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân; Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường Đặng Hữu; Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam Trần Thanh Vân; cùng hơn 200 nhà khoa học danh tiếng trong nước và quốc tế, trong đó có 5 giáo sư đoạt giải Nobel, 1 giáo sư đoạt huy chương Fields, nhiều nhà khoa học danh tiếng hàng đầu trên thế giới, nhà quản lý khoa học, giám đốc nhiều tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới phát triển dựa vào ứng dụng KH&CN,…

Về phía Lãnh đạo tỉnh Bình Định có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng, đại diện các ban, ngành liên quan và các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh Bình Định.


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, các nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN Đặng Hữu và Nguyễn Quân tại Hội thảo (Ảnh: Đình Chính)


Hội thảo được tổ chức nhằm tạo cơ hội để các nhà khoa học tương tác, trao đổi với các nhà hoạch định chính sách và các đại diện của khu vực kinh tế tư nhân về tầm quan trọng của khoa học đối với sự phát triển của xã hội; đề xuất những vấn đề liên quan tới khoa học cơ bản và xã hội ở các nước Châu Á nói chung, đặc biệt ở các nước đang phát triển xung quanh Việt Nam.

Được biết, từ khi được khởi đầu, “Gặp gỡ Việt Nam” đã thu hút hàng ngàn lượt thành viên gia. Điều rất đáng vui mừng là số lượng các nhà khoa học tham gia ngày càng đông. Sự góp mặt của trên 200 nhà khoa học, trong đó có 5 nhà khoa học đạt giải thưởng Nobel tại “Gặp gỡ Việt Nam” lần này là một minh chứng sống động.


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: KH&CN là động lực quan trọng cho phát triển bền vững


Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chúng ta nên lạc quan tin rằng 30 năm sau, Lễ kỷ niệm 50 năm “Gặp gỡ Việt Nam” sẽ được tổ chức với sự tham gia của nhiều người, nhiều nhà khoa học - trong đó có những gương mặt trẻ có mặt ở sự kiện này. Để mong muốn đó trở thành hiện thực, một trong những điều kiện là Chính quyền tỉnh Bình Định tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để Trung tâm ICISE và Tổ hợp Không gian Khoa học Quy Nhơn hoàn thiện tiếp tục phát triển, hoạt động nhộn nhịp, hiệu quả. “Tôi chỉ nhắc tới Bình Định mà không nhắc tới Chính phủ Việt Nam vì sự ủng hộ của Chính phủ Việt Nam đã được cam kết ủng hộ và sẽ không thay đổi”, Phó Thủ tướng khẳng định.


Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng phát biểu tai hội thảo


Phó Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn, “Gặp gỡ Việt Nam” không chỉ thu hút ngày càng nhiều các nhà khoa học – những người làm công tác nghiên cứu chuyên nghiệp - mà cả công chúng những người yêu khoa học, những người ủng hộ khoa học... Vì vậy, bên cạnh những nội dung, ngôn ngữ khoa học chuyên sâu còn cần những hoạt động, cách biểu thể dung dị, dễ hiểu với tinh thần “đưa khoa học tới quần chúng”, “khoa học gắn với thực tiễn”. Sự tham gia của các Viện nghiên cứu, các Trường Đại học Việt Nam hết sức cần thiết. Một mạng lưới liên kết rộng, bền vững sẽ không chỉ giúp “Gặp gỡ Việt Nam” luôn sống động mà còn giúp tiếp nhận nguồn chất xám vô giá của các nhà khoa học quốc tế để tăng cường năng lực nghiên cứu, đào tạo của Việt Nam.

Được biết, nhiều nghiên cứu sinh, nhà khoa học trẻ Việt Nam đã nhận được sự giúp đỡ quý báu để theo đuổi sự nghiệp khoa học và đóng góp vào sự nghiệp phát triển khoa học công nghệ, phát triển đất nước. Nhóm các nhà khoa học của Phòng Vật lý Thiên văn và Vũ trụ thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam là một ví dụ. Nhiều người trong số họ được cấp học bổng làm luận án Tiến sỹ ở nước ngoài và trở về Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, tham gia đào tạo các bạn trẻ khác dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Pierre Darriulat, một thành viên đặc biệt của “Gặp gỡ Việt Nam”.


Giáo sư Trần Thanh Vân phát biểu tại hội thảo ngày 07/7


Tổ chức Giáo dục – Khoa học – Văn hóa của Liên Hợp Quốc UNESCO xác định khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo là động lực để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững theo Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc. Tổ chức này cũng đã có nhiều hoạt động thể hiện thông điệp ủng hộ mạnh mẽ nghiên cứu cơ bản. Năm 2015 vừa qua, Trung tâm Vật lý quốc tế và Trung tâm quốc tế về đào tạo và nghiên cứu toán học của Việt Nam trở thành 2 trong tổng số 66 cơ sở nghiên cứu khoa học tự nhiên được UNESCO công nhận và bảo trợ. Điều này cũng minh họa thêm tầm nhìn, nỗ lực của Việt Nam đối với nghiên cứu cơ bản.

Khoa học cơ bản đã được Chính phủ tập trung đầu tư thông qua việc đưa các bộ môn khoa học cơ bản vào các trường đại học, triển khai chương trình “Nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên”, hỗ trợ hàng ngàn cán bộ khoa học, đề tài nghiên cứu trong các lĩnh vực Toán học, Vật lý, Hóa học, Cơ học, Khoa học Trái đất, Khoa học Sự sống...

“Mặc dù còn nhiều khó khăn về ngân sách, Chính phủ không ngừng gia tăng đầu tư cho nghiên cứu cơ bản. So với năm 2000, ngân sách nhà nước cho nghiên cứu khoa học cơ bản năm 2015 tăng gấp 10 lần. Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia cũng tài trợ cho nhiều công trình nghiên cứu khoa học cơ bản. Không chỉ đầu tư về vật chất, Khoa học luôn được Nhà nước và xã hội tôn vinh, trân trọng. Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN được trao tặng cho các nhà khoa học, công trình nghiên cứu xuất sắc. Gần đây, Bộ KH&CN đã tổ chức Giải thưởng Tạ Quang Bửu nhằm tôn vinh các công trình khoa học cơ bản”, Phó Thủ tướng cho biết.

Khẳng định vai trò của KH&CN, Phó Thủ tướng nhấn mạnh “KH&CN là động lực quan trọng cho phát triển bền vững và giúp các quốc gia đang phát triển như Việt Nam có thể vươn lên thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển”.

Trong thời gian này, tại tỉnh Bình Định cũng diễn ra Lễ kỷ niệm 50 năm Gặp gỡ Moriond, do Giáo sư Trần Thanh Vân sáng lập. Trong khuôn khổ “Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 12” có 12 hội nghị và 3 lớp học quốc tế chuyên đề về vật lý. Chuỗi các hội nghị, lớp học, buổi nói chuyện của các nhà hoa học đạt giải thưởng Nobel diễn ra từ tháng 6 đến tháng 12 năm 2016.


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu


Trên cơ sở kinh nghiệm và từ những thành công được cộng đồng khoa học quốc tế ghi nhận và đánh giá cao của các Tổ chức Khoa học Gặp gỡ Moriond (50 năm, từ 1966) và Gặp gỡ Blois (28 năm, từ 1989), năm 1993, Giáo sư Trần Thanh Vân- Chủ tịch của hai tổ chức khoa học nói trên đã bắt đầu đưa các hoạt động khoa học (tổ chức hội thảo khoa học, phát học bổng khuyến khích tài năng…) về Việt Nam, tạo bước đệm cho việc thành lập Hội Gặp gỡ Việt Nam.

Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam (Rencontres du Vietnam) chính thức khai báo thành lập tại Pháp 19/8/1996, và được đăng báo thông cáo chính thức tại Pháp ngày 02/10/1996.

Trong hơn 20 năm hoạt động tại Việt Nam, "Gặp gỡ Việt Nam" đã tổ chức 12 lần các chuỗi hội nghị khoa học, thu hút hàng nghìn nhà khoa học danh tiếng, trong đó có 11 nhà khoa học đoạt giải Nobel đến tham gia.

Ngoài ra, Hội Gặp gỡ Việt Nam còn có nhiều chương trình hoạt động khác tại Việt Nam như thành lập Quỹ học bổng Vallet – GGVN; sáng lập chương trình “Bàn tay nặn bột” ở Việt Nam; thành lập lớp dự bị 2 năm cho sinh viên thi tuyển vào các trường kỹ sư khoa học ứng dụng quốc gia Pháp (INSA), giúp cho 3 làng trẻ em SOS Đà Lạt, SOS Đồng Hới, SOS Huế…

Lượt xem: 2084

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)