Tham dự buổi thảo luận có ông Lê Đại Diễn – Phó Giám đốc TTĐTHN, TS. Nguyễn Nam Giang – Trưởng Phòng Đào tạo và Giáo vụ TTĐTHN, cùng các cán bộ nghiên cứu đến từ Cục Năng lượng nguyên tử, Trung tâm An toàn hạt nhân và Trung tâm Năng lượng hạt nhân thuộc Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân.
Hệ thống mô phỏng nhà máy điện hạt nhân VVER1200 được lắp đặt tại Trung tâm đào tạo hạt nhân ngày 09/12/2015, nằm trong gói viện trợ của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho Việt Nam trong khuôn khổ Dự án triển khai hỗ trợ kỹ thuật VIE2010.
Đây là hệ thống mô phỏng nhà máy điện hạt nhân VVER1200 với thời gian thực. Được cài đặt và thực hiện quá trình mô phỏng trên hệ thống máy vi tính (PC-Based Simulator) với 1 máy chủ dành cho người hướng dẫn (instructor) và 4 máy trạm (client) dành cho người học. Hệ thống có thể mô phỏng được các điều kiện hoạt động của nhà máy điện hạt nhân VVER1200 như: hoạt động ở mức công suất tối đa (100%) hay hoạt động ở mức 64% công suất danh định…; các quá trình chuyển tiếp; hay các kịch bản sự cố. Bên cạnh đó hệ thống còn cho phép thực hiện các thao tác vận hành dừng lò phản ứng, khởi động lò phản ứng và đặc biệt cho phép xây dựng các kịch bản sự cố cũng như các quá trình chuyển tiếp phục vụ mục đích nghiên cứu hay học tập của người sử dụng.
Việt Nam đang trong giai đoạn chuẩn bị cho các dự án nhà máy điện hạt nhân đầu tiên, đặc biệt là dự án Ninh Thuận 1 sẽ sử dụng công nghệ lò VVER1200. Vì vậy việc lắp đặt và triển khai hệ thống mô phỏng công nghệ lò VVER1200 có ý nghĩa và vai trò quan trọng nhất định góp phần vào quá trình chuẩn bị nguồn nhân lực và hỗ trợ việc tìm hiểu công nghệ và phân tích các tính toán an toàn cho nhà máy điện hạt nhân VVER1200.
Nhóm triển khai và sử dụng hệ thống mô phỏng bao gồm các thành viên là các cán bộ của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam và Cục Năng lượng nguyên tử đã tham gia khóa đào tạo 1 tháng sử dụng hệ thống mô phỏng này ở Hoa Kỳ vào tháng 7/2015 và cán bộ thuộc Trung tâm An toàn hạt nhân và Trung tâm Năng lượng hạt nhân thuộc Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân.
Các cán bộ tham gia nhóm công tác
Nhằm khai thác có hiệu quả hệ thống mô phỏng, định hướng của nhóm sẽ triển khai và sử dụng hệ thống mô phỏng phục vụ 2 mục đích đó là đào tạo và nghiên cứu. Đối với mục đích đào tạo, trước mắt nhóm sẽ xây dựng các bài thực hành hướng đối tượng: sinh viên và cán bộ chuyên môn. Đối với mục đích nghiên cứu, nhóm xây dựng các kịch bản đối với các quá trình chuyển tiếp và kịch bản sự cố phục vụ các tính toán phân tích, kiểm chứng kết quả tính toán từ một số chương trình tính toán thủy nhiệt thông qua xây dựng bài toán chuẩn, thu thập các dữ liệu vận hành làm cơ sở tham chiếu và hỗ trợ trong công tác đánh giá thẩm định Báo cáo phân tích an toàn (SAR) cho nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1.
Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam và Cục Năng lượng nguyên tử đang xây dựng thỏa thuận hợp tác nhằm từng bước kiện toàn đội ngũ cán bộ và triển khai việc khai thác, vận hành hệ thống mô phỏng để thúc đẩy kỹ năng làm việc nhóm trong nghiên cứu và phục vụ Chương trình phát triển nguồn nhân lực cho điện hạt nhân ở Việt Nam./.