Phương pháp nhân bản phôi động vật có vú sớm nhất là tách đôi phôi. Willadsen (1979), là tác giả đầu tiên nghiên cứu tách phôi đôi cừu giai đoạn phôi 2 tế bào tạo ra hai cừu giống nhau. Nghiên cứu đầu tiên này giúp tác giả khẳng định rằng mỗi phôi bào đều có khả năng phát triển thành phôi, thành cơ thể động vật bình thường. Đầu những năm 1980, các nhà khoa học đã bắt đầu nghiên cứu cắt phôi ở giai đoạn muộn hơn. Ở bò, phôi được thu hoạch và cắt đôi ở giai đoạn phôi dâu muộn và phôi nang sớm. Điều này cho phép số trường hợp bò có chửa do cấy phôi cắt tăng lên đáng kể. Chia, tách phôi làm tăng số lượng phôi từ một phôi ban đầu, nếu những phôi này có phẩm chất giống cao thì nhân bản làm gia tăng về mặt số lượng các bản sao như vậy giúp cho người chăn nuôi tăng năng suất và thu nhập. Các bê sinh ra từ phôi sau khi chia tách có bản chất di truyền hoàn toàn giống nhau là mô hình động vật lý tưởng để sử dụng cho các nghiên cứu cơ bản khác như: Nghiên cứu chính xác ảnh hưởng của một số yếu tố nào đó của ngoại cảnh tới năng suất hay kiểu hình của vật nuôi có cùng kiểu gen. Chia, tách phôi giúp cho việc xác định giới tính sớm của phôi trước khi cấy, góp phần nâng cao hiệu quả của người chăn nuôi. Như vậy, chia, tách phôi vừa có ý nghĩa trong thực tế sản xuất, vừa phục vụ đắc lực cho một số nghiên cứu cơ bản.
Nghiên cứu đã thu được nhiều kết quả khả quan như:
- Thu trứng trên bò sữa cao sản bằng phương pháp siêu âm buồng trứng, trung bình mỗi buồng trứng thu được 8,5 tế bào trứng, trong đó có 7,2 tế bào trứng đạt chuẩn, đạt tỷ lệ 84,64%.
- Môi trường nuôi thành thục in vitro TCM 199 + FCS + FSH mang lại hiệu quả cao cho quá trình nuôi thành thục in vitro tế bào trứng bò, tỷ lệ tế bào trứng bò thành thục in vitro đạt 89,25%.
- Tỷ lệ phân lập thành công nguyên bào sợi thai chuột và tế bào ống dẫn trứng bò tương ứng đạt: 81% và 58%.
- Tỷ lệ chia đôi phôi thành công đạt: 88,54%; tỷ lệ các cặp nửa phôi được chia thành công từ một phôi ban đầu cùng phát triển in vitro sau chia đạt: 30,8%. Có thể sử dụng phôi bò ở ba giai đoạn: phôi dâu muộn, phôi nang sớm, phôi nang để tạo phôi bằng phương pháp chia phôi.
- Tỷ lệ tách thành công các tế bào phôi của bò in vitro ở giai đoạn 2, 4, 8 và 16 tế bào tương ứng đạt: 78%; 64,5%; 61% và 35,25%. Tuy nhiên, không có tế bào phôi nào phát triển đạt tới giai đoạn cấy truyền (phôi dâu, phôi nang).
- Sử dụng phương pháp CIDR - GnRN - PGDF 2α - GnRN để gây động dục đồng pha cho bò nhận phôi cho tỷ lệ rụng trứng cao, đạt 96,55% so với tổng số bò động dục và tỷ lệ thể vàng chất lượng tốt đạt 92,77% so với tổng số bò rụng trứng.
- Hai bê sinh ra bằng kỹ thuật chia tách ký hiệu B1826, B295 có quan hệ mẹ - con với bò cho ký hiệu B816 nhưng chúng không có quan hệ về mặt di truyền đối với hai bò nhận phôi (mang thai) B1517 và B1505, chứng tỏ việc chia phôi tạo bê thành công.
Tạo ra nhiều giống phôi bằng phương pháp chia, tách phôi mang các đặc tính di truyền quý sẽ giúp người chăn nuôi giảm thời gian gây dựng đàn, tăng năng suất các sản phẩm chăn nuôi qua đó, nâng cao thu nhập. Tạo phôi bò bằng phương pháp chia, tách phôi có ý nghĩa quan trọng đối với ngành chăn nuôi vì công nghệ này không chỉ có khả năng tạo ra một số lượng lớn phôi tốt mang tính trạng mong muốn, mà còn góp phần bảo vệ và phát huy nguồn gen quý hiếm bản địa.
Có thể tìm đọc toàn văn Đề tài (Mã số 11509/2015) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia./.