Công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh cần sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội
Công tác giáo dục hướng nghiệp ở Hải Phòng được tiến hành từ những năm 80 của thế kỷ XX thông qua nhiều hình thức và biện pháp đúng hướng, các loại hình trường lớp hướng vào thực hiện nguyên lý giáo dục của Đảng. Hải Phòng từng là điển hình xuất sắc toàn quốc trong việc thực hiện công tác giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông. Tuy nhiên, trong xu thế chung của toàn ngành, những năm gần đây, công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh trong các trường tại Hải Phòng chưa được quan tâm đúng mức, bộc lộ nhiều hạn chế. Theo đánh giá của số đông phụ huynh, một số cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên, việc dạy nghề phổ thông chỉ là “cái phao” hỗ trợ điểm trong thi chuyển cấp và tốt nghiệp…
Trước thực trạng đó, nhóm nghiên cứu đã đề xuất một số giải pháp chung nhằm nâng cao hiệu quả công tác giáo dục hướng nghiệp toàn diện gồm: giáo dục nhận thức đúng đắn về công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh; xây dựng đội ngũ cán bộ, bộ máy quản lý hiệu quả công tác giáo dục hướng nghiệp; đa dạng hóa các phương pháp và hình thức giáo dục hướng nghiệp; kết hợp chặt chẽ các lực lượng trong xã hội làm công tác giáo dục hướng nghiệp. Nhóm nghiên cứu cũng đưa ra các giải pháp theo nội dung của công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh ở Hải Phòng gồm: giáo dục thái độ lao động và ý thức đúng đắn về nghề nghiệp cho học sinh; tăng cường tổ chức thực tập làm quen với một số nghề chủ yếu trong xã hội và các nghề truyền thống ở địa phương; tìm hiểu năng khiếu nghề, khuynh hướng nghề nghiệp của học sinh; tăng cường động viên học sinh đến những nơi cần lao động trẻ có văn hóa. Nghiên cứu nhấn mạnh mối quan hệ chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường, xã hội và giữa giáo viên với phụ huynh trong việc nâng cao hiệu quả công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh.
Đề tài được Hội đồng KH&CN cấp thành phố đánh giá cao về tính thời sự, và ý nghĩa kinh tế - xã hội; tạo cơ sở cho việc đẩy mạnh phân luồng học sinh cũng như tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thành phố. Kết quả nghiên cứu của đề tài có nhiều khả năng ứng dụng không chỉ cho Hải Phòng mà còn cho các địa phương khác trong tình hình đổi mới và định hướng lại mục tiêu giáo dục hiện nay.