Thứ năm, 21/07/2016 09:06 GMT+7

Nghiên cứu giải pháp tổng thể xây dựng tuyến đê biển Vịnh Rạch Giá – Kiên Giang

Biến đổi khí hậu (BĐKH) làm chế độ mưa thay đổi, chế độ dòng chảy biến động, nước biển dâng (NBD) cao sẽ tác động xấu đến toàn bộ vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung và vùng ven biển nói riêng. Riêng khu vực Nam Bán đảo Cà Mau (BĐCM), do...

Mô hình tuyến đê biển vịnh Rạch Giá - Kiên Giang trong tương lai

Để tăng lượng nước cấp cho vùng BĐCM, đặc biệt là vùng Nam BĐCM, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cho nghiên cứu khả thi dự án xây dựng cống Cái Lớn, Cái Bé với mục đích nâng cao đầu nước để có thể đẩy nước nhiều hơn về Nam BĐCM và giữ nước ngọt mùa kiệt nhằm tận dụng triệt để nguồn này phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, đồng thời, mở rộng hệ thống kênh mương, xây dựng các hồ chứa nước ngọt (hồ sinh thái) nhằm trữ nước ngọt phục vụ cấp nước cho mùa khô cho khu vực. Bên cạnh đó, việc xây dựng tuyến đê biển giúp tăng cường giao thông bộ, gắn kết tuyến giao thông bộ ven biển nối vùng BĐCM với vùng Tứ giác Long Xuyên (TGLX), hình thành khu vực tránh trú bão lớn, tăng cường an ninh Quốc phòng, chủ động ứng phó với BĐKH - NBD. Dọc theo tuyến đê có thể phát triển năng lượng điện bằng gió và thủy triều, phát triển hệ thống cảng biển, mở rộng Thành phố Rạch Giá, phát triển du lịch…

Tuy vậy, việc ngọt hóa cả một vùng biển rộng lớn sẽ tác động không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là tác động đến môi trường sinh thái. Xuất phát từ thực tế trên, TS. Nguyễn Phú Quỳnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên Nước, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cùng các đồng nghiệp đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu giải pháp tổng thể xây dựng tuyến đê biển Vịnh Rạch Giá - Kiên Giang” với các mục tiêu cụ thể được đặt ra như sau:
- Đánh giá tác động của tuyến đê biển đến kiểm soát lũ, mặn và cấp nước vùng nghiên cứu.
- Làm rõ hiện trạng và dự báo diễn biến hình thái vùng cửa sông ven biển khu vực nghiên cứu.
- Đề xuất được tuyến đê biển và giải pháp kết cấu công trình, thi công khả thi, hợp lý cho vịnh Rạch Giá - Kiên Giang.

Sau một thời gian thực hiện, đề tài đã đạt được một số kết quả chính sau đây:
1) Đề tài mô tả đầy đủ, vừa định tính, vừa định lượng các khía cạnh đặc trưng nhất trong điều kiện tự nhiên vùng Vịnh Rạch Giá - Kiên Giang, đi sâu vào các yếu tố liên quan đến dòng chảy, biến động hình thái, điều kiện xây dựng công trình: điều kiện địa hình, địa chất, thủy thạch động lực học, đánh giá thuận lợi và khó khăn cho việc xây dựng tuyến đê vượt biển giữa lòng vịnh. Bên cạnh đó, đề tài đã nêu được thành tựu khoa học công nghệ xây dựng tuyến đê biển trên thế giới, mục đích, hiệu quả của việc xây dựng các tuyến đê, từ đó, rút ra một số kinh nghiệm cho việc nghiên cứu đánh giá tính khả thi của mục tiêu cũng như giải pháp xây dựng các công trình tương tự tại Việt Nam.
2) Về hiệu quả thoát lũ: Qua nghiên cứu tính toán thủy lực dòng chảy lũ vùng ĐBSCL và so sánh trong trường hợp có hoặc không có tuyến đê Vịnh Rạch Giá, tính toán với cường suất lũ năm 2000, 2011 và cống thoát lũ (dưới đê) vận hành một chiều, mực nước đỉnh triều tại Vịnh Rạch Giá giảm được khoảng 50cm (lũ năm 2000). Tuy nhiên, càng ở những khu vực cách xa đê như: TGLX, Tân Châu, Châu Đốc,… mực nước giảm ít hoặc không giảm. Như vậy khẳng định rằng, việc lợi dụng tuyến đê để thoát lũ là không hiệu quả.
3) Về hiệu quả ngăn mặn: Kết quả tính toán cho thấy mức độ thay đổi nồng độ mặn chỉ tác động đến khu vực xây dựng tuyến đê và vùng chung quanh mà không ảnh hưởng đến xâm nhập mặn trên toàn đồng bằng.
4) Về vấn đề cấp ngọt: Do tác động ngăn nước của tuyến đê, mực nước trong các sông, kênh trong vùng BĐCM có xu hướng gia tăng mạnh cả về chân triều, đỉnh triều và mực nước trung bình. Mức nước tại dọc kênh Quản Lộ Phung Hiệp từ Cà Mau đến Phước Long gia tăng khoảng 10-15cm. Điều này cho thấy tác động của tuyến đê đến vùng bán đảo khá mạnh và có chiều hướng tốt.
5) Về biến động hình thái: Bằng phương pháp chồng ghép bản đồ qua các thời kỳ được đề tài thu thập, phương pháp mô hình toán, phương pháp điều tra thực tế và phương pháp thu thập đánh giá xu thế từ phân tích hình ảnh vệ tinh, cho thấy: hình thái khu vực khá ổn định so với các vùng ven biển khác thuộc ĐBSCL.
6) Về giải pháp xây dựng tuyến đê: Trên cơ sở các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình, quy phạm hiện hành, đề tài đã tính toán xác định quy mô tuyến đê, bao gồm các hạng mục: Đê, cống điều tiết, âu chuyền, luồng tàu, nhà quản lý,… tính toán thiết kế cơ sở, thiết kế biện pháp thi công, tính toán tổng mức đầu tư xây dựng công trình.

Việc phân tích lựa chọn phương án xây dựng căn cứ vào hiệu quả của dự án mang lại, đánh giá một cách chi tiết những tác động (tích cực, tiêu cực) đến kinh tế, xã hội và môi trường.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số: 11375/2015) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia./.

Lượt xem: 5038

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)