Các ứng dụng kỹ thuật bức xạ và hạt nhân tại Việt Nam gần đây phát triển rất nhanh: hơn 6000 nguồn phóng xạ đã được cấp phép trong đó có 930 nguồn nhóm 2 (NDT); 6 cơ sở chiếu xạ công nghiệp, 6 thiết bị chiếu xạ máu, 28 khoa xạ trị với 28 máy gia tốc và 23 nguồn phóng xạ đang sử dụng trong xạ trị, có 30 khoa y học hạt nhân. Điều này cho thấy ứng dụng kỹ thuật hạt nhân ngày càng chiếm một tỷ trọng rất lớn trong các ngành kinh tế xã hội và những kỹ thuật này đã trở thành một trong những kỹ thuật không thể thay thế trong điều trị và chữa bệnh, trong công nghiệp để thăm dò khuyết tật nhằm nâng cao chất lượng công trình, trong xuất khẩu để tiệt trùng hoặc ngăn ngừa dịch bệnh tạo điều kiện đưa các trái cây của Việt Nam tới các thị trường khó tính như Mỹ và EU làm tăng giá trị hàng xuất khẩu, trong nông nghiệp dùng để bảo quản sau thu hoạch. Cùng với sự đóng góp tích cực vào đời sống, nguồn phóng xạ còn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường nếu như các nguồn đó không được sử dụng đúng cách.
Năm 2011, Bộ Khoa học và Công nghệ đã quyết định giao cho Cục An toàn bức xạ và hạt nhân thực hiện đề tài “Nghiên cứu, xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân cấp quốc gia” do TS. Đặng Thanh Lương làm chủ nhiệm đề tài.
Đề tài nghiên cứu đã hoàn thành 39 báo cáo chuyên đề và 1 báo cáo tổng hợp, trong đó có 6 sản phẩm chính, đặc biệt là đã xây dựng xong dự thảo kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân quốc gia, mua thiết bị phân tích phổ gamma dã ngoại.
Báo cáo tổng hợp đã trình bày những nội dung sau:
- Giới thiệu đề án;
- Trình bày kinh nghiệm quản lý sự cố bức xạ, hạt nhân của một số nước như: Hoa Kỳ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Philippines. Đã phân tích những nét đặc thù của các nước và những điểm mà Việt Nam có thể học tập và ứng dụng.
- Các bài học kinh nghiệm rút ra từ một số sự cố bức xạ điển hình xảy ra trong thời gian qua;
- Kết quả phân tích hiện trạng quản lý sự cố của Việt Nam,đưa ra mô hình quản lý sự cố bức xạ, hạt nhân dựa trên kinh nghiệm thực tế và quốc tế;
- Dự thảo kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân quốc gia;
- Dự thảo Quyết định/ Nghị định về việc thành lập, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ chế phối hợp của Ban chỉ đạo nhà nước về ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân, Ban chỉ huy ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân tỉnh, bộ ngành liên quan;
- Dự thảo Quyết định phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân quốc gia;
Có thể nói bản dự thảo Kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân đã trình bày khá chi tiết về các nguyên tắc được áp dụng hoạt động ứng phó sự cố, trách nhiệm của các bộ ngành, các tổ chức, cá nhân tham gia ứng phó, đặc biệt đã nêu rõ mối quan hệ trong điều hành ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân giữa Ban chỉ đạo nhà nước về ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân và Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn.
Có thể tìm đọc toàn văn nội dung đề tài với mã số 11633 tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia./.