Toàn cảnh buổi nghiệm thu cấp Nhà nước Ngày nay, việc sử dụng tràn lan các chất hóa học cho bảo quản nông sản bao gồm trái cây và hạt nông sản đã gây nên sự nguy hiểm đối với sức khỏe con người, vật nuôi và môi trường. Vì vậy, việc nghiên cứu các biện pháp sinh học đã và đang được khuyến khích phát triển để thay thế dần các sản phẩm hóa học. Một số biện pháp sinh học cho bảo quản nông sản đã được tập trung nghiên cứu như: nghiên cứu sản xuất chất diệt nấm sinh học Iturin A cho bảo quản ngô, lạc, nhưng hiệu quả của sản phẩm chưa được ứng dụng ở diện rộng.
Tại buổi đánh giá nghiệm thu, ThS. Nguyễn Ngọc Huyền cho biết, mục tiêu chung của đề tài là nhằm có được công nghệ sản xuất chế phẩm sinh học Syringomycin và Rhamnolipid diệt nấm an toàn và đạt hiệu quả cao, phòng ngừa 95% một số loài nấm gây bệnh, nấm sinh độc tố để bảo quản nho và ngô.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thử nghiệm và xây dựng quy trình sử dụng chế phẩm SYRA8 cho phòng chống nấm bệnh trên nho giai đoạn cận thu hoạch với quy mô 2000 m2 tại Ninh Thuận. Chế phẩm đã góp phần giảm tỷ lệ nấm bệnh, nứt quả, thối hỏng. Bên cạnh đó, đề tài đã thử nghiệm và xây dựng quy trình sử dụng chế phẩm SYRA8 cho bảo quản nho sau thu hoạch, quy mô 0,5 tấn tại Công ty TNHH Thái Thuận- tỉnh Ninh Thuận, góp phần tăng thời gian bảo quản nho sau thu hoạch. Ngoài ra, đề tài đã thử nghiệm và xây dựng quy trình sử dụng chế phẩm SYRA-M2 cho bảo quản ngô sau thu hoạch tại Hợp tác xã Đan Phượng với quy mô 1 tấn làm giảm mức nhiễm nấm mốc sau 6 tháng bảo quản.
Đề tài đã góp phần giải quyết vấn đề cấp thiết trong lĩnh vực bảo quản nho tại Việt Nam đang trong tình trạng thiếu công nghệ tiên tiến dẫn đến tổn thất sau thu hoạch còn cao. Bên cạnh đó, đề tài cũng góp phần tạo đầu ra cho nguyên liệu, giảm tình trạng ứ thừa và bị tư thương ép giá trong vụ thu hoạch chính, tạo công ăn việc làm cho người lao động, kích thích ngành trồng trọt phát triển.
Đề tài đã đăng ký được 01 giải pháp hữu ích cho “Quy trình công nghệ sản xuất chế phẩm SRE và RL” tại Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN. Đơn đã được chấp nhận là hợp lệ.
Trong thời gian tới, nhóm thực hiện đề tài mong muốn tiếp tục được nghiên cứu hoàn thiện chủng giống nâng cao sản lượng SRE và RL; hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất SRE và RL quy mô công nghiệp, đặc biệt là khâu thu hồi dung môi từ dịch sau ly tâm; tiếp tục hoàn thiện chế phẩm, mở rộng áp dụng cho các đối tượng rau quả khác.
Với các kết quả đạt được, Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu nhà nước đánh giá cao và đạt loại Khá.