Ô nhiễm môi trường hiện đang là vấn đề chung của nhân loại. Trên địa bàn tỉnh Hà Nam, hoạt động sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, chăn nuôi và y tế đang là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường. Lượng nước thải sinh hoạt khoảng 22.000m3/năm, sản xuất công nghiệp khoảng 15.000 m3/năm, y tế khoảng 3.500m3/năm,… ảnh hưởng rất lớn đến môi trường và sức khỏe con người.
Để giải quyết nạn ô nhiễm môi trường tại tỉnh, từ năm 2007 nhà máy chế biến phân loại rác thải sinh hoạt đã cho nhập thiết bị và công nghệ của Vương quốc Bỉ có công suất 120 tấn/ngày. Đây là công nghệ ủ hiếu khí, chế biến thành phần hữu cơ có trong rác thải sinh hoạt thành phân hữu cơ, phần còn lại chôn lấp hợp vệ sinh. Từ khi nhà máy đi vào hoạt động đã xử lý được khoảng 80% rác thải sinh hoạt của thành phố và các vùng lân cận.
Ông Nguyễn Ngọc Huế- Giám đốc nhà máy cho biết: Theo thiết kế, nhà máy có công suất 43.800 tấn rác/năm, cho ra 10.300 tấn phân hữu cơ. Khu đổ rác thuộc một phần của nhà máy, lượng rác thải còn lại sau khi phân loại chiếm 60% lượng rác vào nhà máy được đổ ra chôn lấp, xử lý phun hóa chất, khử mùi, vôi bột. Mỗi ngày nhà máy tiếp nhận từ 50 – 60 tấn rác được thu gom từ thành phố và các vùng lân cận với kinh phí xử lý rác thải lên tới 149.000 đồng/tấn.
Hiện nay, công ty đã phối hợp với kỹ sư Lại Văn Chức- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển công nghệ môi trường xây dựng Hà Nội, nghiên cứu thành công tổ hợp thiết bị phân loại rác thải bằng công nghệ tự động điều khiển từ xa. Thiết bị này có khả năng thay thế, giảm bớt sức lao động trong môi trường độc hại mà lâu nay nhiều nhà máy xử lý rác chưa làm được. Dây chuyền thiết bị này cho phép phân loại 6 loại rác, tiện cho việc xử lý rác tránh gây ô nhiễm môi trường.
Dự án trên của kỹ sư Lại Văn Chức được Bộ KH&CN, Bộ Công thương quyết định ủng hộ trên 2 tỷ đồng. Trong thời gian tới, Bộ KH&CN tiếp tục ủng hộ dự án chuyển giao công nghệ tới các tỉnh thành để nhân rộng mô hình trên góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường như hiện nay.