Giải thưởng do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp các bộ, ngành tổ chức. Ðến dự và trao giải thưởng cho tác giả, nhóm tác giả và công trình đoạt giải có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
Năm 2011, Ban tổ chức đã nhận được 109 công trình tham gia ở 6 lĩnh vực: cơ khí tự động hóa; công nghệ thông tin, điện tử viễn thông; công nghệ sinh học; công nghệ môi trường... Hội đồng giám khảo đã chọn ra 38 công trình để trao giải, gồm 4 giải nhất, 9 giải nhì, 13 giải ba và 12 giải khuyến khích.
Các công trình đoạt giải đều xuất phát từ sản xuất và đời sống, giải quyết những vấn đề bức xúc từ sản xuất và đời sống đặt ra nhằm nâng cao năng suất, tăng khả năng cạnh tranh và giá trị sản phẩm, giảm sức lao động cho con người.
4 giải nhất được trao cho các công trình: Lập quy trình công nghệ bảo dưỡng, sửa chữa máy biến áp 500KV tại hiện trường (tác giả Nguyễn Tiến Dũng và cộng sự thuộc Công ty Truyền tải điện 2); Nghiên cứu, thiết kế chế tạo và triển khai ứng dụng lò hơi đốt nhiên liệu xấu kiểu tầng sôi tái tuần hoàn (TS Nguyễn Thanh Quang và cộng sự thuộc Công ty Trường Quang, Đà Nẵng); Nghiên cứu chế tạo vacine tụ huyết trùng trâu bò nhũ dầu, dùng phòng bệnh tụ huyết trùng cho đàn trâu bò nuôi ở nước ta (TS Trần Xuân Hạnh và cộng sự thuộc Trung tâm Nghiên cứu thú y TPHCM); Nghiên cứu ứng dụng giếng thăm bê tông cốt thép thành mỏng đúc sẵn liên kết nối cống trong hệ thống hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ môi trường (tác giả Hoàng Đức Thảo và cộng sự thuộc Công ty TNHH một thành viên Thoát nước và phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
Có 6 giải thưởng quốc tế WIPO của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới. Giải WIPO cho công trình xuất sắc nhất thuộc về công trình “Nghiên cứu giải pháp công nghệ bảo dưỡng, sửa chữa máy biến áp 500 KV tại hiện trường” của tác giả Nguyễn Tấn Dũng, Công ty Truyền tải điện 2, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia.
TS. Nguyễn Thị Lộc, Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, TP Cần Thơ đã đoạt giải WIPO dành cho tác giả nữ xuất sắc nhất với công trình “Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất hai chế phẩm trừ sâu sinh học ometar và biovip”. Doanh nghiệp xuất sắc nhất là Công ty cổ phần Công nghệ sinh học - Fitohoocmon - Bifi, Hà Nội. Giải pháp xuất sắc nhất dành cho tác giả Võ Tấn Dũng thuộc Công ty TNHH Xây dựng thương mại vận tải Phan Thành, TP Cần Thơ với công trình “Hệ thống thiết bị sang rửa cát sạch đạt tiêu chuẩn cát xây dựng”.
Giải dành cho nhà sáng tạo nữ có đề tài xuất sắc nhất hội thi được trao cho cử nhân Phan Thị Hạnh, Doanh nghiệp tư nhân dịch vụ cây trồng Nguyên Hạnh, tỉnh Bình Định, với công trình “Cải tiến kỹ thuật nâng cao chất lượng giống keo lai bằng phương pháp giâm hom”. Với công trình “Thiết bị tiết kiệm gas cho bếp gas gia đình và bếp công nghiệp”, kỹ sư Lê Tiến Thắng (sinh năm 1973) thuộc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Hùng Việt Phát, TP Hồ Chí Minh đã được trao giải thưởng nhà sáng tạo trẻ xuất sắc.
Năm nay, Ban tổ chức cũng trao Giải thưởng Cúp vàng Sở hữu trí tuệ Việt Nam cho 11 doanh nghiệp xuất sắc trong việc áp dụng hệ thống sở hữu trí tuệ vào sản xuất và kinh doanh.
Ban tổ chức giải thưởng đã quyết định khen thưởng 10 đơn vị và 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tuyên truyền phổ biến giải thưởng. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo cho các chủ nhiệm và đồng chủ nhiệm có các công trình đoạt giải nhất, nhì, ba. Các tác giả trẻ được Trung ương Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Bằng khen và huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chúc mừng và biểu dương những thành tích mà các nhà khoa học, nhà sáng tạo kỹ thuật Việt Nam đạt được trong năm 2011 và trong 17 năm qua. Các sáng kiến cải tiến kỹ thuật, các công trình khoa học công nghệ đoạt giải góp phần khẳng định sự sáng tạo của đội ngũ các nhà khoa học nước nhà. Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng gửi niềm tin thành công vào các nhà khoa học, những người say mê nghiên cứu sáng tạo khoa học, kỹ thuật, sẽ có nhiều đóng góp hơn nữa cho sự phát triển của đất nước.