Thứ năm, 17/05/2012 14:53 GMT+7

Đoàn công tác liên ngành khảo sát tình hình ứng dụng Khoa học và Công nghệ tại Hải Phòng

Để chuẩn bị cho việc xây dựng Đề án “Phát triển Khoa học và Công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” trình Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), ngày 15/5/2012, Đoàn khảo sát liên ngành của...


Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu tại buổi làm việc với Thành ủy Hải Phòng, sáng 15/5

Tiếp và làm việc với Đoàn công tác có các đồng chí: Đan Đức Hiệp- Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hải Phòng; Nguyễn Hữu Doãn- Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy và đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hữu Doãn cho biết, trong 5 năm (2006 - 2010), KH&CN đã từng bước gắn với thực tế sản xuất, đời sống xã hội, đóng góp ngày càng nhiều cho sự phát triển chung của Hải Phòng. Nghiên cứu khoa học đã hướng mạnh vào việc phục vụ các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong những ngành, lĩnh vực then chốt, mũi nhọn. KH&CN đã đóng góp phần lớn vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; cung cấp luận cứ khoa học cho nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo phát triển thành phố; tăng cường tiềm lực KH&CN; đổi mới cơ chế quản lý KH&CN; phát triển đội ngũ cán bộ;…

Hiện thành phố có khoảng hơn 20.000 doanh nghiệp. Trong đó có khoảng hơn 2.600 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Hầu hết các đơn vị đều tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, thiết bị từ nước ngoài. Có 104 đơn vị KH&CN, doanh nghiệp có tiềm năng hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, với dây chuyền công nghệ tự động hóa, bảo đảm môi trường. Tỷ lệ giá trị công nghệ thiết bị chiếm khoảng khoảng 42% tổng mức đầu tư của các đơn vị, doanh nghiệp.

Thành phố đã có những đột phá trong đổi mới cơ chế quản lý theo hướng đơn giản thủ tục, dân chủ, khách quan, hiệu quả. Đồng thời, có cơ chế hỗ trợ trực tiếp từ các Chương trình KH&CN trọng điểm: Chương trình KH&CN hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập (hỗ trợ xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, đăng ký bảo hộ sở hữu công nghệ, đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, tham gia hội chợ, triển lãm, chợ công nghệ và thiết bị); Chương trình đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học, chương trình tăng cường năng lực cho các tổ chức KH&CN;… Kết quả các hoạt động hỗ trợ trực tiếp với kinh phí đầu tư tuy không lớn (trung bình 2 tỷ/năm) nhưng đã khẳng định hiệu quả, hiệu lực của phương thức quản lý mới, vai trò "bà đỡ", "hỗ trợ" của cơ quan quản lý nhà nước.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các ngành đã phân tích những hạn chế của KH&CN hiện nay. Đó là nghiên cứu chưa sát nhu cầu thực tiễn của xã hội; có khoảng cách giữa việc phát triển KH&CN với chính sách hiện tại; thị trường KH&CN chưa phát triển, hoạt động mua, bán chuyển giao công nghệ, kết quả nghiên cứu còn ít, thiếu các tổ chức trung gian, tư vấn; KH&CN khó tham gia giải quyết những vấn đề công nghiệp vì ngành công nghiệp các địa phương chủ yếu là gia công, công nghiệp phụ trợ chưa phát triển; việc sử dụng vốn đầu tư phát triển cho KH&CN để đầu tư tăng cường năng lực của các tổ chức KH&CN chưa đạt hiệu quả cao;…

Trên cơ sở đó, Hải Phòng kiến nghị, cần đánh giá đúng thực tiễn để hoàn thiện các hệ thống văn bản đồng bộ, tạo điều kiện cho KH&CN phát triển; đầu tư tăng cường tiềm lực cho các cơ sở nghiên cứu; đổi mới cơ chế tài chính theo hướng khoán đề tài, nhiệm vụ cho các cơ sở; có chính sách quan tâm, tạo điều kiện, đãi ngộ xứng đáng đối với đội ngũ cán bộ đang công tác tại các đơn vị để họ yên tâm công tác, cống hiến và phục vụ sự phát triển của mỗi địa phương, đơn vị nói riêng và sự phát triển của nền KH&CN nước nhà nói chung.


Đoàn công tác thăm doanh nghiệp cơ khí tại Khu công nghiệp Nomura Hải Phòng

Chiều cùng ngày, Đoàn khảo sát đã đến thăm và làm việc tại Khu công nghiệp Nomura Hải Phòng.

Lượt xem: 1519

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)