Thứ tư, 17/09/2014 17:32 GMT+7

Góp ý Dự thảo thông tư liên tịch Bộ Tài chính - Bộ Khoa học và Công nghệ về cơ chế quản lý tài chính nhiệm vụ khoa học và công nghệ

Sáng 10/9/2014, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Viện NLNTVN) đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp đối với Dự thảo: “Thông tư liên tịch quy định các yếu tố đầu vào và một số định mức kinh tế - kỹ thuật làm căn cứ xây dựng dự toán nhiệm vụ khoa...

Đây là thông tư liên tịch giữa Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) về cơ chế tài chính đối với nhiệm vụ KH&CN. Cùng với Nghị định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN theo Luật KH&CN 2013, thông tư này sẽ là một văn bản quy phạm pháp luật quan trọng ảnh hưởng đến sự nghiệp phát triển KH&CN đất nước, cụ thể là việc hình thành cách làm nghiên cứu, ứng dụng khoa học theo tiêu chuẩn quốc tế trong giao đoạn tiếp theo, với mục đích đưa KH&CN thúc đẩy công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước theo định hướng chiến lược của Đảng và Nhà nước.

Dưới sự chủ trì của Viện trưởng Trần Chí Thành, thành phần tham dự Hội nghị gồm có nhiều nhà khoa học, cán bộ quản lý khoa học chủ chốt trong Viện NLNTVN như GS. Phạm Duy Hiển; GS. Cao Chi; GS. Trần Đức Thiệp; TS. Lê Văn Hồng; TS. Nguyễn Hào Quang; TS. Trần Ngọc Toàn; TS. Trịnh Văn Giáp; TS. Lê Bá Thuận; TS. Nguyễn Tuấn Khải; TS. Nguyễn Bá Tiến; TS. Nguyễn Thị Kim Dung và đại biểu khác thuộc các đơn vị trực thuộc Viện ở phía Bắc.


Các đại biểu tham dự Hội nghị lấy ý kiến đóng góp đối với Dự thảo thông tư liên tịch

Tại Hội nghị, sau khi nghe cán bộ Ban Kế hoạch và Quản lý khoa học của Viện trình bày quá trình lấy ý kiến của Bộ KH&CN và những nội dung chính trong Dự thảo, các giáo sư, tiến sỹ và đại diện các đơn vị là những chuyên gia, nhà khoa học đã và đang tham gia các nhiệm vụ KH&CN đã phát biểu ý kiến sôi nổi thảo luận về cách làm nghiên cứu của Việt Nam hiện nay, cũng như cách làm nghiên cứu triển khai ứng dụng (R&D) tại các nước có nền KH&CN tiên tiến. Từ đó đề xuất các định hướng, cách làm Việt Nam nên thực hiện trong thời gian tới nhằm thúc đẩy nghiên cứu với chất lượng cao, có ý nghĩa thực tế đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Dưới sự ảnh hưởng của Thông tư 44 và các quy định trước đó, cách làm nghiên cứu khoa học của Việt Nam trong thời gian 10-15 năm qua có nhiều bất cập, nhược điểm, tạo điều kiện cho “sự lừa dối trong khoa học” mà chưa khuyến khích người làm khoa học thực sự. Nếu vẫn tiếp tục cơ chế tài chính như hiện nay, trong giai đoạn tới Việt Nam sẽ không có các nhà khoa học thực thụ. Ngoài ra, các đại biểu cũng nêu những ưu điểm, nhược điểm, vướng mắc, bất cập với thực tế và đưa ra kiến nghị, góp ý đối với bản Dự thảo.

Kết thúc Hội nghị, Viện trưởng Viện NLNTVN cảm ơn các đại biểu đã tham dự và góp ý cho “Thông tư mang tính chiến lược” của sự nghiệp nghiên cứu khoa học tại Việt Nam hiện nay. Các ý kiến sẽ được tổng hợp để gửi lên Bộ KH&CN và các Vụ ngành liên quan của Bộ đang tiến hành xây dựng lại Thông tư. Các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử cũng thể hiện luôn sẵn sàng trao đổi ý kiến, thảo luận, đóng góp ý kiến, suy nghĩ, ý tưởng nếu cần thiết trong quá trình xây dựng thông tư mới này.

Qua việc góp ý cho Thông tư mới, Viện trưởng Trần Chí Thành cho biết sắp tới Viện cũng sẽ tổ chức họp bàn việc đánh giá và xây dựng các nhóm nghiên cứu ưu tiên trong các đơn vị nghiên cứu trực thuộc của Viện NLNTVN. Các đại biểu tham dự Hội nghị cũng bày tỏ sự sẵn sàng tham gia các cuộc trao đổi, góp ý tiếp theo nhằm giúp Viện NLNTVN thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng, nâng cao tiềm lực khoa học, đáp ứng vai trò nhiệm vụ trong giai đoạn mới hiện nay.

Lượt xem: 1408

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)