Thứ tư, 17/09/2014 17:15 GMT+7

Hội thảo “Cơ hội và thách thức trong thông tin, tuyên truyền phát triển điện hạt nhân”

Trong khuôn khổ Dự án hợp tác kỹ thuật với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) mã số VIE2012 về phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân, Cục Năng lượng nguyên tử đã phối hợp với IAEA tổ chức Hội thảo “Cơ hội và thách thức trong thông tin,...
Tham dự Hội thảo, về phía quốc tế có các chuyên gia hàng đầu, nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực thông tin đại chúng về điện hạt nhân của IAEA, Hoa Kỳ và Tây Ban Nha. Về phía Việt Nam có đại diện các cơ quan: Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, Văn phòng Ban chỉ đạo Nhà nước dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Văn phòng đại diện của Rosatom tại Hà Nội và các cơ quan báo chí, truyền thông trung ương và một số cơ quan báo chí chuyên ngành liên quan.



Phát biểu khai mạc Hội thảo, Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử Hoàng Anh Tuấn khẳng định Việt Nam nhận thức được việc xây dựng lòng tin và sự ủng hộ của công chúng là một công việc quan trọng cần được tăng cường và tiến hành một cách có chiến lược, bài bản, thường xuyên, liên tục và lâu dài. Việt Nam đánh giá cao sự hỗ trợ tích cực và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực của IAEA, đặc biệt là trong lĩnh vực thông tin, tuyên truyền điện hạt nhân, IAEA đã hỗ trợ Việt Nam thông qua nhiều hoạt động như tổ chức các hội thảo, tập huấn, đào tạo cán bộ,… tạo cơ sở quan trọng về kiến thức, năng lực cho đội ngũ làm công tác thông tin, tuyên truyền điện hạt nhân ở Việt Nam.

Bà Brenda Pagannone, Vụ Năng lượng hạt nhân của IAEA, Trưởng Đoàn chuyên gia, trong phát biểu của mình đã nhấn mạnh công tác thông tin, tuyên truyền cần được tiến hành một cách trung thực, minh bạch, tạo sự nhận thức và hiểu biết đúng đắn của công chúng đối với điện hạt nhân, đồng thời khẳng định để phát triển điện hạt nhân một cách ổn định thì không thể thiếu sự ủng hộ của công chúng.



Trong 03 ngày Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các chuyên gia quốc tế trình bày những khái niệm cơ bản về sự tham gia của các bên liên quan đối với chương trình điện hạt nhân; cách thức xác định và ưu tiên các bên liên quan; kinh nghiệm về sự tham gia của các bên liên quan trong chương trình điện hạt nhân của Tây Ban Nha và Hoa Kỳ; các phương pháp giám sát và đánh giá về sự tham gia của các bên liên quan; các hướng dẫn thực hiện hoạt động truyền thông cho điện hạt nhân; cách thức hợp tác với giới truyền thông; thông điệp và công cụ để có được sự tham gia của các bên liên quan một cách hiệu quả; thông tin trong trường hợp có nguy cơ rủi ro, khẩn cấp, khủng hoảng,…

Đại diện của Cục Năng lượng nguyên tử, Cục Báo chí và Ban Quản lý dự án điện hạt nhân Ninh Thuận (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) đã trình bày báo cáo khái quát về sự tham gia của các bên liên quan trong phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam, sự tham gia của hệ thống báo chí Việt Nam trong truyền thông điện hạt nhân; chương trình thông tin đại chúng cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Tại Hội thảo, các đại biểu Việt Nam cũng đã sôi nổi tham gia các phần thảo luận nhóm nhằm xác định các bên liên quan, vai trò và mối quan tâm của từng bên liên quan trong chương trình điện hạt nhân của Việt Nam cũng như các thông điệp cần đưa ra cho mỗi bên. Các đại biểu đã sử dụng kiến thức mà các chuyên gia cung cấp để vận dụng phù hợp vào công tác thông tin, tuyên truyền về điện hạt nhân của Việt Nam và đã nhận được sự đánh giá cao từ các chuyên gia về kết quả làm việc của các nhóm.



Trong khuôn khổ Hội thảo, các chuyên gia quốc tế và các đại biểu Việt Nam đã tới tham quan Trung tâm Thông tin Năng lượng nguyên tử Hà Nội và giao lưu với các sinh viên đang theo học ngành hạt nhân tại Đại học Bách khoa Hà Nội.

Hội thảo quốc gia về “Cơ hội và thách thức trong thông tin, tuyên truyền phát triển điện hạt nhân” lần này là cơ hội để các cơ quan liên quan của Việt Nam học tập, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và những bài học của Việt Nam để công tác thông tin, tuyên truyền điện hạt nhân ngày càng đạt hiệu quả cao.

Lượt xem: 1528

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)