Hơn 90 đại biểu quốc tế đến từ 28 quốc gia trên thế giới và 2 tổ chức quốc tế là Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và Ủy ban Năng lượng nguyên tử châu Âu (Euratom) và các đại biểu trong nước đại diện các Bộ, ngành có liên quan của Việt Nam đã cùng nhau thảo luận nhằm xây dựng và thúc đẩy hiểu biết chung giữa các bên liên quan về thách thức, cơ hội cũng như kinh nghiệm trong thiết lập và duy trì Hệ thống quốc gia về kế toán và kiểm soát vật liệu hạt nhân (SSAC), một yêu cầu quan trọng trong thực hiện Hiệp định Thanh sát (CSAs) và Nghị định thư bổ sung (AP).
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Cục trưởng Lê Quang Hiệp cho biết Việt Nam khẳng định cam kết và thể hiện ủng hộ không phổ biến vũ khí hạt nhân. Việt Nam đã phối hợp với IAEA, Hoa Kỳ và Nga thực hiện chuyển đổi nhiên liệu của lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt. Hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục cần thiết để tham gia Công ước Bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân và xem xét việc phê chuẩn AP. Phó Cục trưởng bày tỏ sự cám ơn đến hỗ trợ của IAEA và các nước như Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản… cho Việt Nam trong lĩnh vực thanh sát hạt nhân và hy vọng Hội nghị sẽ là cơ hội tốt để xây dựng mối quan hệ hợp tác quốc tế giữa các nước, góp phần thúc đẩy cam kết thực hiện thanh sát quốc tế.
Hội nghị diễn ra với một phiên họp toàn thể và các phiên họp nhóm. Tại phiên họp toàn thể, các chuyên gia của IAEA, Hoa Kỳ, Phần Lan, Úc, Canada, Hàn Quốc đã gửi tới Hội nghị các bài tham luận về quan điểm quốc gia trong thực hiện thanh sát, năng lực quan trọng đối với việc thực hiện thanh sát, chiến lược phát triển nguồn nhân lực cũng như các hướng dẫn của IAEA và Hệ thống Kế toán và kiểm soát vật liệu hạt nhân (SSAC). Đại diện của Việt Nam đã chia sẻ với Hội nghị về các hoạt động thanh sát hạt nhân tại Việt Nam hiện nay cũng như sự cần thiết phối hợp song phương và đa phương trong thực hiện thanh sát.
Các phiên họp nhóm là cơ hội để các nước tham gia thảo luận, trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm nhằm thiết lập, duy trì và quản lý một SSAC, đáp ứng yêu cầu quốc gia. Các ý kiến, khuyến cáo và kết luận của Hội nghị sẽ trợ giúp cho IAEA trong xây dựng các hướng dẫn cho các quốc gia thành viên cũng như giúp các quốc gia xây dựng các phương pháp tiếp cận chung trong thực hiện SSAC.
Năm 2008, DOE/NNSA đã thành lập Sáng kiến Thanh sát thế hệ tiếp theo (NGSI) nhằm phát triển các chính sách, quan niệm, công nghệ, kinh nghiệm và hạ tầng thanh sát quốc tế cần thiết để tăng cường và duy trì hệ thống thanh sát quốc tế để đáp ứng các thách thức mới. Hội nghị lần thứ 1 được tổ chức năm 2008 tại Washington, D.C nhằm xác định và thảo luận các thách thức mà thanh sát quốc tế đối mặt.