Thứ ba, 29/11/2011 08:21 GMT+7

Khoa học công nghệ thúc đẩy hơn nữa lợi ích cộng đồng chung ASEAN

Tại Hội nghị Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ (KH&CN) ASEAN lần thứ 14 (AMMST-14) diễn ra ngày 26/11/2011 tại TP. Hồ Chí Minh, các Bộ trưởng và các quan chức cấp cao về KH&CN của các nước thành viên ASEAN đã cùng trao đổi và đi đến thống nhất...

Thúc đẩy hợp tác KH&CN giữa các nước ASEAN

Các bộ trưởng đều hài lòng và cho rằng các chương trình ưu tiên hợp tác của ASEAN đã được thúc đẩy triển khai hiệu quả theo các tiêu chí của Ủy ban KH&CN ASEAN (COST) thông qua hệ thống theo dõi và đánh giá. Sau Hội nghị Bộ trưởng KH&CN ASEAN không chính thức lần thứ 6 (IAMMST-6), tổng cộng có 11 dự án đã được hoàn thành, 23 dự án đang trong quá trình thực hiện ở các giai đoạn khác nhau và 33 dự án vẫn đang trong quá trình thẩm định.

Đồng thời, các bộ trưởng hoan nghênh Sáng kiến ​​chung của ASEAN COST và EC trong việc đánh dấu năm 2012 là “Năm ASEAN-EC về Khoa học, Công nghệ và Đổi mới” (YoSTI). Sáng kiến YoSTI-2012 sẽ là chiến dịch kéo dài trong suốt một năm với nhiều hoạt động đã được xác định và thực hiện nhằm mục tiêu tăng cường sự hiện diện về hợp tác KH&CN giữa hai khu vực.

COST cũng sẽ xúc tiến một cuộc cách mạng mang tính chuyển đổi và thay đổi mô hình hoạt động đã được xác định trong Sáng kiến ​​Krabi. Cùng với đó, COST đảm bảo quá trình đổi mới nhằm mang lại lợi ích cho cộng đồng dân cư ASEAN sẽ là mục tiêu cuối cùng của hợp tác KH&CN trong ASEAN. COST đã nhất trí sẽ tổ chức một phiên họp vào năm tới tại Myanmar để trao đổi và đưa ra các hành động cụ thể nhằm thực hiện các sáng kiến ​​có hiệu quả hơn.

COST cam kết và khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác về KH&CN với Trung Quốc. Với tư cách là nước điều phối viên hợp tác với Trung Quốc trong ASEAN COST, Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với Ban Thư ký ASEAN và Tiểu ban Cơ sở hạ tầng và Phát triển nguồn lực KH&CN để nghiên cứu, đề xuất và trình lên COST và AMMST.

Tại Hội nghị, các bộ trưởng đã nghe báo cáo tổng kết về Dự án nghiên cứu Thực trạng phát triển KH&CN trong ASEAN. Các bộ trưởng ghi nhận những kết quả đã đạt được và các khuyến nghị đưa ra trong báo cáo. Đồng thời cho rằng Dự án nghiên cứu này có thể được xem là một nguồn tài liệu tham khảo hữu ích cho COST và các Tiểu ban chuyên ngành trong việc hoạch định, triển khai Kế hoạch hành động về KH&CN ASEAN và Sáng kiến ​​Krabi.

Cũng tại Hội nghị, Hàn Quốc đã đề nghị thiết lập hợp tác chính thức với COST thông qua việc thành lập Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác KH&CN (JSTC) ASEAN-Hàn Quốc. JSTC ASEAN - Hàn Quốc sẽ được xây dựng trên cơ sở mà COST đã thiết lập với một số đối tác đối thoại như Trung Quốc, EC, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga và cơ chế +3.

Theo đó, dự thảo quy chế hoạt động của JSTC ASEAN-Hàn Quốc sẽ được xây dựng tương tự như quy chế hoạt động của Ủy ban hỗn hợp về hợp tác giữa COST và các đối tác đối thoại khác. Dự kiến sẽ được thảo luận và hoàn tất tại Cuộc họp tham vấn ASEAN-Hàn Quốc diễn ra vào tháng 12 năm 2011 tại Jeju, Hàn Quốc. Cùng với đó, Hoa Kỳ đề xuất cam kết hợp tác với COST trong hoạt động tập trung vào đổi mới tại Cuộc họp tham vấn hợp tác về KH&CN ASEAN - Hoa Kỳ diễn ra ngày 24/11/2011.

Các nước thành viên ASEAN cam kết sẽ hoàn tất nghĩa vụ đóng góp vào Quỹ Khoa học ASEAN (ASF) vào cuối năm 2011. Các Bộ trưởng yêu cầu COST, thông qua Cơ quan tư vấn Quỹ Khoa học ASEAN (ABASF), báo cáo lên Hội nghị Bộ trưởng tiếp theo kết quả nghiên cứu nhằm đối mới và đưa ra các cách thức để Quỹ ASF có được mức lợi tức cao hơn. Đồng thời xem xét tính khả thi của việc sử dụng Quỹ ASF, không chỉ từ nguồn thu lợi tức mà cả một phần kinh phí gốc của Quỹ ASF để hỗ trợ thực hiện các sáng kiến ​​lớn về KH&CN.

Các đại biểu thống nhất tổ chức IAMMST-7 tại Brunei Darussalam vào nửa cuối năm 2012.

Lượt xem: 818

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)