Thứ hai, 14/02/2011 08:34 GMT+7

Phó Thủ tướng gỡ rối giúp ngành thông tin truyền thông

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đưa ra những trăn trở đầy tâm huyết làm sao để CNTT-TT Việt Nam có được nguồn nhân lực tốt đồng thời đạt được hợp tác quốc tế thành công.

Tại Hội nghị hợp tác quốc tế Vì sự nghiệp phát triển thông tin và truyền thông vừa diễn ra cuối tháng 1/2011 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đưa ra những giải pháp cho ngành thông tin truyền thông nhằm tháo gỡ vướng mắc về nhân lực. Đồng thời, Phó Thủ tướng trao đổi về những bài học kinh nghiệm quý báu để hợp tác với các đối tác nước ngoài thành công trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.

Bài toán nhân lực đã được gỡ

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: CNTT-TT là lĩnh vực hoạt động có năng suất cao và tiêu hao năng lượng thấp nhất. Ông tự tin khẳng định: “Theo tôi, năng suất lao động trong ngành CNTT đứng đầu cả nước và năng suất lao động của lĩnh vực nội dung số còn cao hơn”.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Các doanh nghiệp công bố nhu cầu nhân lực với Bộ KH-ĐT để cân đối vốn, đất đai và cân đối nhân lực quốc gia.

Tuy nhiên, để có được con số đánh giá cụ thể, Phó Thủ tướng cho rằng ngành CNTT nên có chỉ số tiêu hao năng lượng cụ thể. Ông nhấn mạnh: “Chúng ta phát triển ngành CNTT-TT là đúng, nhưng cần làm rõ sản phẩm nào làm chủ lực, từ đó tái cơ cấu thì ngành mới phát triển được”.

Theo Phó Thủ tướng, đề án "Đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin vào năm 2020" có đưa mục tiêu nhân lực hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin – truyền thông (CNTT-TT) lên 1 triệu người. Hiện nay, nhân lực hoạt động trong lĩnh vực này là 300.000 người. Ngoài ra, chúng ta còn có mục tiêu trở thành nước xuất khẩu lớn về nhân lực CNTT. Như vậy, chúng ta sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn.

Ông còn đề nghị ngành CNTT-TT phải nỗ lực để yếu tố khoa học công nghệ và đổi mới quản lý có vai trò quan trọng hơn nữa trong việc thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển. “Trong những giai đoạn đầu phát triển, yếu tố khoa học công nghệ và đổi mới quản lý đóng góp 44%, lao động đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế là 22%, yếu tố vốn là 30%. Còn 10 năm gần đây, yếu tố vốn đóng góp đến 53%, khoa học công nghệ và đổi mới quản lý 26%, yếu tố nhân lực là 19%. Vậy chúng ta phải làm sao để khoa học công nghệ và đổi mới quản lý có vai trò quan trọng hơn”.

Nói về những mặt mạnh của CNTT-TT, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng bày tỏ trăn trở về cơ cấu nhân lực và quy hoạch phát triển nhân lực hiện nay chúng ta vẫn chưa làm được.

Cơ cấu, trình độ, chuyên môn ngành nghề muốn phát triển kinh tế phải có câu hỏi: Vốn, đất đai, và nhân lực. Tuy nhiên, chúng ta chưa nắm vững được nhân lực ngành chúng ta cần là bao nhiêu người để làm, từ đó đặt hàng bộ Giáo dục – Đào tạo cung cấp.

Theo Phó Thủ tướng, ngành kế hoạch, đầu tư nắm rõ mục tiêu kinh tế từ đó có thể biết được nhu cầu về nhân lực. Muốn nắm vững nhân lực thì cần chỗ để doanh nghiệp và các bộ ngành cùng tham gia phát biểu.

Từ trước chưa có “địa chỉ” để thu thập nhu cầu nhân lực giờ đã có Bộ Kế hoạch – Đầu tư. Các doanh nghiệp công bố nhu cầu nhân lực với ngành này từ đó chúng ta cân đối vốn, đất đai và cân đối nhân lực quốc gia.

Tuy nhiên, khi có đất đai, nhân lực, vốn thì cần phải tạo điều kiện văn hóa xã hội cho khu vực đó. Phó thủ tướng ví dụ trường hợp khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh không có chỗ ở nên thiếu điều kiện xã hội cho nhân lực đến lao động tại đây. Và một yếu tố quan trọng khi quy hoạch nhân lực và hợp tác quốc tế là cần xác định trả lương là bao nhiêu để tư vấn cho các doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư. Nếu không, nguồn nhân lực sẽ “chảy” ra chỗ khác. Do đó, khi chuẩn bị nhân lực, quan trọng ở quy hoạch cung cầu, đào tạo, làm việc và sống.

Phó Thủ tướng cũng ví dụ về việc quy hoạch nhân lực trong hợp tác quốc tế với trường hợp công ty Intel đầu tư vào Việt Nam năm 2000, đến năm 2007 họ mới yêu cầu cung cấp kỹ sư vi mạch. Việt Nam không đào tạo chuyên ngành này nên không có và phải chọn phương án là cử sinh viên khá sang Mỹ học, vì đợi để đào tạo thì đến năm nay vẫn chưa có kỹ sư.

“Như vậy bài học là nếu họ yêu cầu sớm hơn từ khi bắt đầu đầu tư thì đã khác. Vì vậy, chúng ta cần yêu cầu khi đầu tư nên kê khai và mô tả về nhu cầu nhân lực theo lộ trình với số liệu cụ thể. Phía quốc tế đáp ứng được bao nhiêu, cần Việt Nam cung cấp bao nhiêu”, ông nói.

“Bên cạnh đó, cần tham mưu cho họ tiền lương trả cho nhân lực Việt Nam vì nếu nghĩ nhân lực Việt Nam rẻ mà lương thấp thì người lao động sẽ không gắn bó lâu dài với doanh nghiệp đầu tư”.

Nếu không, nguồn nhân lực sẽ “chảy” ra chỗ khác. Do đó, khi chuẩn bị nhân lực, quan trọng ở quy hoạch cung cầu, đào tạo, làm việc và sống.

Làm thế nào để hợp tác quốc tế thành công?

Công viên phần mềm Quang Trung tại TP.HCM có thể nói là thành công trong việc thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Và để đạt được thành quả như ngày hôm nay, chúng ta đã phải thuê 1 công ty của Mỹ làm thiết kế và xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông hiện đại, trình độ quản lý tiên tiến. Từ đó, chúng ta có được công viên phần mềm đạt chuẩn quốc tế.

Hội nghị hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong lĩnh vực CNTT.
Khi khai trương, công viên phần mềm Quang Trung có khoảng 350 người và 20 công ty làm việc. Nay con số ấy đã tăng lên 22.000 người, gấp đôi số lượng nhân lực dự kiến. “Trong hợp tác quốc tế, bao giờ cũng có chuẩn quốc tế về nhân lực, hạ tầng. Để thành công, chúng ta phải chọn yếu tố chuẩn quốc tế nào mấu chốt để đạt được”, Phó Thủ tướng bày tỏ.

Nhắc về sự thành công của các doanh nghiệp CNTT-TT khi hợp tác quốc tế, Phó Thủ tướng dẫn ra trường hợp của Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện (VTC) và Viettel. Ông cho rằng, VTC thành công vì đã thành lập bộ phận nghiên cứu, phát triển là nhờ có trung tâm nghiên cứu. Một doanh nghiệp muốn phát triển bền vững phải có nghiên cứu đào tạo. Còn Viettel đã biết cách thu hút người Việt Nam đang làm việc tại nước ngoài hoặc thuê chuyên gia nước ngoài vào làm và tạo được yếu tố nước ngoài trong doanh nghiệp.

Để hợp tác quốc tế thành công trong lĩnh vực CNTT-TT, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đưa ra những lời khuyên: Nguyên tắc đầu tiên là hợp tác phải 2 bên cùng có lợi, đã ký phải công khai mục đích của 2 bên rõ ràng. Có nội dung, lộ trình, hiểu sâu đến đâu làm đến đó.

Hợp tác quốc tế phải dựa trên tính pháp lý chặt chẽ có chuyên gia tư vấn để lường trước khi không hợp tác được thì rút ra như thế nào để còn “có lối” ra cho mọi tình huống.
Đặt mục đích hợp tác lên quan hệ cấp trên và xem xét quan hệ đó như thế nào. Giữa 2 đối tác nhưng phải đặt trên là mối quan hệ quốc gia.

Cuối cùng, Phó Thủ tướng chỉ đạo: “CNTT-TT phát triển với tốc độ mạnh mẽ trong 5 năm qua. Chúng ta phải chứng minh đây là ngành có trình độ công nghệ cao nhất, tăng trưởng nhanh, năng suất cao”.

Lượt xem: 1085

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)