Thứ tư, 25/09/2013 14:50 GMT+7

Hội nghị toàn quốc “Đánh giá hoạt động KH&CN thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X) về Nông nghiệp, Nông dân và Nông thôn

Ngày 21/9/2013, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp tổ chức Hội nghị toàn quốc “Đánh giá hoạt động KH&CN thực hiện Nghị quyết Hội...


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại Hội nghị

Ông Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội đã đến dự và chủ trì Hội nghị. Tham gia điều hành Hội nghị còn có ông Phan Xuân Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Quốc hội; ông Nguyễn Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN và ông Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hội nghị đã thu hút hàng trăm đại biểu đến từ các viện, trường, Bộ ngành, các Sở KH&CN và doanh nghiệp, nông dân sản xuất giỏi trong cả nước,…

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá cao những thành tựu nghiên cứu khoa học trong nông nghiệp đã đạt được. Chủ tịch Quốc hội khẳng định, để nông nghiệp Việt Nam phát triển như ngày hôm nay không thể thiếu vai trò của KH&CN. Việt Nam coi nông nghiệp là một thế mạnh, mang ý chiến lược trong việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, tạo nền tảng phát triển các ngành kinh tế khác. Do vậy, việc đẩy mạnh ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của nông sản sẽ là một trong những nhiệm vụ trong thời gian tới.

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cũng cho biết, kết quả nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã đạt nhiều kết quả ấn tượng. Nghiên cứu nông nghiệp đã chọn tạo được nhiều giống cây trồng mới: Trong 5 năm qua, đã có 164 giống cây trồng mới được công nhận và đưa vào sản xuất, trong đó có 97 giống thuộc nhóm cây lương thực, cây thực phẩm, 8 giống hoa 19 giống cây ăn quả và 40 giống cây công nghiệp các loại.

Hầu hết các giống cây trồng đều cho năng suất vượt giống cây trồng phổ biến cùng loại đang sản xuất trong vùng từ 10-15%; xu hướng chung trong chọn giống là nâng cao chất lượng, nâng cao tính chống chịu sâu bệnh hại và thích nghi với biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, trong số các giống mới được công nhận có nhiều giống lúa đang dần thay thế các giống lúa thuần của Trung Quốc ở các vùng sản xuất phía Bắc, có các giống ngô có khả năng đạt năng suất trên 10 tấn/ha/vụ, các giống lạc đạt năng suất 40-50 tạ/ha, các giống khoai tây đạt 20-25 tạ/ha, các giống sắn đạt 60-70 tạ/ha, các giống cao su chịu lạnh cũng đã được đưa vào sản xuất phục vụ phát triển cao su ở phía Bắc.

Việc nghiên cứu về giống giống ngô, giống bông chuyển gen đã được thực hiện và bước đầu cho kết quả tốt. Một số giống ngô chuyển gen kháng sâu đục bắp, kháng thuốc trừ cỏ của các công ty nước ngoài cũng đã được khảo nghiệm, đánh giá rủi ro tại Việt Nam.

Trong lâm nghiệp, các kết quả nghiên cứu nổi bật trong thời gian gần đây tập trung vào các hướng như: Chọn lọc, lai tạo thành công các giống mới có năng suất cao đạt 35-40m3/ha/năm, chất lượng tốt cho rừng trồng nguyên liệu giấy và cung cấp gỗ xẻ là hướng đi có nhiều triển vọng. Tới nay, 158 giống mới của các loài cây trồng chủ lực (keo, bạch đàn, tràm), trong đó một số giống có khả năng chống chịu bệnh, điều kiện khô hạn, nóng, cát bay một số giống có chất lượng gỗ phù hợp với gỗ giấy và gỗ xẻ, đã được công nhận và đang phát huy tác dụng tốt cho trồng rừng sản xuất, phòng hộ. So với thế giới, năng suất rừng trồng của nước ta không thua kém. Nếu so sánh với các nước trong khu vực năng suất rừng còn có phần vượt hơn các giống đã được công nhận của họ. Số lượng giống được công nhận và chuyển giao vào sản xuất trồng rừng cũng nhiều hơn các nước trong khu vực. Hiện nay một số nước như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Úc cũng đã nhập các giống của Việt Nam để khảo nghiệm tìm ra các giống phù hợp cho một số vùng lập địa của họ.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và đoàn đại biểu tham quan gian hàng của các viện nghiên cứu nông nghiệp

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, ngành nông nghiệp tuy đã đạt được nhiều thành tích nhưng vẫn còn những hạn chế mà trong thời gian tới cần tìm hướng tháo gỡ. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: một khi KH&CN và các lĩnh vực công nghệ cao còn chưa thay thế được sức mạnh của nền kinh tế nước nhà thì nông nghiệp nước ta vẫn chiếm một vai trò hết sức quan trọng. Sản xuất nông nghiệp của Việt Nam hiệu quả vẫn chưa cao, sản phẩm nông nghiệp của nước nhà sức cạnh tranh chưa đủ mạnh, giá thành còn cao, người làm ra nó từ các nhà khoa học tới các nhà nông kể cả các doanh nghiệp hiệu quả cũng rất thấp. Đặc biệt, nông dân nước ta đời sống còn rất khổ. Vì vậy, trong thời gian tới chúng ta cần phải đẩy mạnh việc nghiên cứu những công nghệ, những giống cây, con có chất lượng cao.

Theo Chủ tịch, Hội nghị là dịp để chúng ta cùng nhau nhìn lại chặng đường 5 năm triển khai Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Trong thời gian tới cần xác định tập trung vào những sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh, lựa chọn những sản phẩm nông nghiệp mũi nhọn. Việc nghiên cứu những sản phẩm mũi nhọn cho từng vùng miền cần dựa trên điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu đất đai và trình độ dân trí,… phải lấy hiệu quả, sản phẩm, sức cạnh tranh, thương hiệu của sản phẩm nông nghiệp làm tiêu chí đánh giá mức độ thành công nghiên cứu KH&CN trong nông nghiệp. Do vậy trong thời gian tới, đội ngũ các nhà quản lý, các nhà khoa học cần đánh giá những thành công và hạn chế của giai đoạn vừa qua, qua đó tìm ra hướng phát triển phù hợp nhất cho nền nông nghiệp Việt Nam.

Lượt xem: 1802

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)