Thứ năm, 07/04/2011 16:00 GMT+7

Nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo rơle kĩ thuật số thông minh trong hệ thống điện”

Ngày 06/4/2011, Tại Hà Nội đã diễn ra buổi nghiệm thu cấp Nhà nước đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo rơle kỹ thuật số thông minh trong hệ thống điện” do Th.S Nguyễn Thế Vinh - Công ty trách nhiệm hữu hạn phát triển công nghệ điện tử, tự động hoá...

(Ảnh: Họp hội đồng nghiệm thu đề tài KC03.19/06-10)

Rơle là thiết bị tự động đóng vai trò quan trọng theo dõi liên tục tình trạng làm việc của đối tượng được bảo vệ như động cơ điện, máy biến áp, máy phát điện…Với vai trò quan trọng như vậy đòi hỏi Rơle phải đảm bảo được các yêu cầu khắt khe như độ tin cậy, chọn lọc, tác động nhanh, nhạy và kinh tế. Trước những yêu cầu trên, việc nghiên cứu thiết kế rơle kỹ thuật số thông minh là một điều cần thiết. Đề tài “Nghiên cứu, thiết kế chế tạo rơle kỹ thuật số thông minh trong hệ thống điện” là nhằm làm chủ công nghệ thiết kế chế tạo các rơle kĩ thuật số phục vụ cho việc bảo vệ an toàn hệ thống điện. Thiết kế, chế tạo được một số rơle kỹ thuật số, xử lý các đại lượng chủ yếu trong hệ thống điện bao gồm điện áp, dòng điện, công suất tác dụng, công suất phản kháng, tần số… và đưa vào áp dụng thử nghiệm trong hệ thống điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN.

Nhóm các nhà khoa học đã nghiên cứu, thiết kế thành công một rơle bảo vệ được ứng dụng vào thực tế tại Điện lực Từ Sơn - Bắc Ninh từ tháng 12/2010. Sau 1 tuần ứng dụng, cán bộ Điện lực Từ Sơn đã tiếp quản được công việc trực hệ thống. Qua theo dõi cho thấy hệ thống lắp đặt tại đây luôn hoạt động tốt.

Sau 2 năm thực hiện đề tài (2009 - 2010), nhóm nghiên cứu đã thu được một số kết quả bước đầu: Thiết kế rơle kỹ thuật số hoạt động ổn định trong môi trường khắc nghiệt, xử lý tín hiệu chính xác, có khả năng lưu trữ sự kiện, cảnh báo và tác động điều khiển, đạt được tiêu chuẩn cách điện và cách li phù hợp, khả năng chống nhiễu cao. Theo đánh giá của hội đồng, đề tài đã thực hiện được một cách nghiêm túc, sản phẩm phần lớn đã có tính năng cơ bản bảo vệ so lệch, áp dụng công nghệ tiến tiến phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu đã hoàn thành một sản phẩm trọng điểm theo đăng ký của đề tài. Các thiết bị của đề tài đã được cơ sở ứng dụng đánh giá cao và mong muốn được chuyển giao công nghệ phục vụ cho ngành điện lực. Bên cạnh đó, đề tài còn viết được 2 bài báo khoa học, một sản phẩm đăng ký sở hữu trí tuệ.

Lượt xem: 1191

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)