Công nghệ sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ kim loại màu là công nghệ truyền thống, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển chung của các làng nghề cũng như nền kinh tế chung của đất nước. Nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng đúc từ kim loại màu ngày càng phát triển. Tuy vây, nhiều năm nay, công nghệ sản xuất mặt hàng này ở nước ta vẫn chưa có sự đổi mới, đột phá. Ở nhiều làng nghề vẫn dùng lò than, khuôn đất để sản xuất. Chính vì thế mà chất lượng sản phẩm thấp, giá thành cao. Đặc biệt, khi công nghệ đúc tại các làng nghề ngày càng phát triển thì kéo theo tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng do công nghệ nấu luyện cũ, lạc hậu, khí thải đưa ra môi trường chưa được xử lý đúng mức.
Đứng trước tình trạng đó, việc tìm ra một công nghệ mới là một điều cấp thiết. Đề tài nghiên cứu “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ và thiết bị sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ kim loại màu quy mô làng nghề” thuộc chương trình KC.07.18/06-10 đã được tiến hành nghiên cứu nhằm mục đích khắc phục những tồn tại trên.
Nhóm các nhà khoa học đã cho ra nhiều sản phẩm có giá trị thực tiễn cao như: hệ thống thiết bị đồng bộ làm khuôn, nấu luyện hợp kim và đúc châm không hợp kim đồng; hệ thống thiết bị đồng bộ mạ trang trí đồng, niken, vàng, bạc; bộ thiết bị và công nghệ mạ chọn lọc nhiều màu;… Các sản phẩm này đã được áp dụng tại Công ty cơ khí Quảng Phú, Lương Tài, Bắc Ninh và thực nghiệm tại Viện hóa học- Vật liệu. Theo đánh giá của hội đồng, đề tài đã thực hiện đầy đủ các chủng loại, số lượng và khối lượng các sản phẩm. Các thiết bị của đề tài đã được cơ sở ứng dụng đánh giá cao và mong muốn được chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất. Bước đầu các sản phẩm này đã đáp ứng được yêu cầu của sản xuất tại các làng nghề thủ công mỹ nghệ. Bên cạnh đó, đề tài còn viết được 7 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí uy tín trong nước; đào tạo được 2 Thạc Sĩ và nộp đơn đăng ký giải pháp hữu ích tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam.
Với những kết quả đề tài đã đạt được trong 2 năm từ 1/2009 – 12/2010, hội đồng đã nhất trí cho đề tài điểm Khá.