Buổi làm việc do Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng và Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thế Phương chủ trì, ngày 04/5/2012, tại Hà Nội. Đây là hoạt động phục vụ việc xây dựng Đề án “Phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” trình Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương (Khóa XI) vào tháng 10/2012.
Đại diện Bộ KH&ĐT cho biết, giai đoạn 2001 - 2011, Bộ đã và đang thực hiện 10 đề tài cấp nhà nước, 635 đề tài cấp Bộ và cơ sở. Các đề tài đều đã gắn kết giữa cơ sở lý luận và thực tiễn của nền kinh tế Việt Nam; gắn liền với chức năng, nhiệm vụ của Bộ; làm cơ sở cho việc kiến nghị hoạch định cơ chế, chính sách, phát triển kinh tế - xã hội,…
Nhiều kiến nghị của các đề tài đã được sử dụng làm cơ sở xây dựng các văn bản pháp quy, góp phần hoàn thiện khung pháp lý về kế hoạch, đầu tư và thống kê. Các đề tài nghiên cứu khoa học của Bộ cũng được sử dụng làm nguồn tài liệu chủ yếu xây dựng các chương trình, đề án như: “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” trình Trung ương, “Đổi mới quản lý nhà nước đối với các loại hình doanh nghiệp ở Việt Nam theo hướng không phân biệt thành phần kinh tế” trình Chính phủ,…
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ngày càng được chú trọng cả về số lượng, chất lượng. Hiện, Bộ đã và đang áp dụng những chính sách khuyến khích của Nhà nước đối với các trường hợp tuyển dụng đã tốt nghiệp thạc sỹ, tiến sỹ, sinh viên xuất sắc. Bộ đã chú trọng, tạo điều kiện cho những trí thức ưu tú được cống hiến, thể hiện tốt nhất tài năng, vai trò và trách nhiệm của mình trong công việc. Rất nhiều cán bộ, công chức, viên chức trẻ đã có mặt trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; đã lựa chọn và cử nhiều công chức trẻ đi đào tạo ở nước ngoài và sử dụng họ sau khi đào tạo.
Về vấn đề đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước cho KH&CN thuộc các Bộ, ngành Trung ương, hàng năm dựa trên cơ sở định hướng phát triển tiềm lực KH&CN và ý kiến đề nghị cụ thể của các Bộ, ngành, Bộ KH&ĐT thực hiện nhiệm vụ cân đối tổng mức vốn đầu tư cho KH&CN. Theo đại diện Bộ KH&ĐT, nguồn kinh phí đầu tư phát triển cho KH&CN ngày càng tăng lên và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi đầu tư phát triển. Giai đoạn 2001- 2011, bình quân mỗi năm tăng khoảng 20%. Tuy nhiên, kinh phí này vẫn chỉ đủ đáp ứng 30 - 50% nhu cầu của các Bộ, ngành.
Nhiều ý kiến cho rằng, hoạt động KH&CN thời gian qua có những đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước nhưng cũng còn một số hạn chế. Cụ thể, vốn đầu tư cho KH&CN đã dần được tăng lên nhưng vẫn thấp so với yêu cầu và việc sử dụng trong thực tế còn nhiều bất cập, hiệu quả chưa cao; chi đầu tư phát triển KH&CN ở địa phương thấp hơn mức chi tối thiểu theo quy định hoặc được sử dụng chưa đúng mục đích;…
Các đại biểu kiến nghị, thời gian tới cần tập trung xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về KH&CN; đầu tư đúng mức nghiên cứu cơ bản có trọng điểm theo yêu cầu phát triển của đất nước; tập trung nguồn nhân lực thực hiện các chương trình, đề án KH&CN quốc gia; nâng cao tiềm lực KH&CN quốc gia, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo, nghiên cứu và sản xuất, phát triển thị trường KH&CN.
Đồng thời, tăng cường đầu tư nâng cao tiềm lực cho KH&CN. Đảm bảo tốc độ tăng chi cho KH&CN từ ngân sách nhà nước hàng năm cao hơn tốc độ tăng chi ngân sách nhà nước; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực xã hội, nhất là từ doanh nghiệp, cho phát triển KH&CN;…