Thứ tư, 14/04/2010 11:23 GMT+7

Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân

Trong 2 ngày, 12 - 13/4/2010, Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên bàn về vấn đề an ninh hạt nhân đã được nhóm họp tại Thủ đô Washington D.C, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.

Tham dự Hội nghị có các vị đứng đầu nhà nước, chính phủ của 37 quốc gia (trong đó có Hoa Kỳ, Canada, Brazil, Ác-hen-ti-na; Nga, Pháp, Đức, Italia; Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản; Singapore, Malaysia; Nam Phi, Ni-gê-ria), lãnh đạo cao cấp nhất của 3 tổ chức quốc tế lớn là Liên hiệp quốc (UN), Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và Liên minh Châu Âu (EU). Ngoài ra, 10 quốc gia khác cử đại diện là Phó Tổng thống, Phó thủ tướng hoặc Bộ trưởng.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh trên thế giới vấn đề bảo đảm an ninh hạt nhân trở nên rất cấp thiết. Cùng với xu hướng ngày càng có nhiều quốc gia mong muốn phát triển ứng dụng năng lượng hạt nhân trong các ngành kinh tế - xã hội, kể cả phát triển điện hạt nhân, thì cộng đồng quốc tế cũng đang phải đối mặt với nguy cơ khủng bố hạt nhân ngày càng gia tăng. Các nội dung trao đổi tại Hội nghị được chia thành các chủ đề chính là mối đe dọa khủng bố hạt nhân, buôn bán hạt nhân bất hợp pháp, hành động quốc gia, hành động quốc tế và vai trò của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế trong bảo đảm an ninh hạt nhân.

Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị lần này do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu. Cùng đi với Thủ tướng còn có Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Văn Phong, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại Giao Phạm Bình Minh cùng đại diện của một số bộ, ngành liên quan.

Tham dự Hội nghị Thượng đỉnh, Đoàn Việt Nam đã khẳng định chính sách nhất quán của mình coi việc bảo đảm an ninh, an toàn hạt nhân là ưu tiên hàng đầu trong quá trình sử dụng năng lượng hạt nhân và là trách nhiệm của từng quốc gia và của cộng đồng quốc tế. Việt Nam cũng chia sẻ mối lo ngại chung của các quốc gia về nguy cơ khủng bố hạt nhân; lên án những hành động khủng bố dưới mọi hình thức; ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực chống khủng bố của cộng đồng quốc tế phù hợp với nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hiệp quốc; coi việc bảo đảm an ninh, an toàn hạt nhân là ưu tiên hàng đầu trong quá trình sử dụng năng lượng hạt nhân và là trách nhiệm của từng quốc gia và của cộng đồng quốc tế.

Trong những năm qua, Việt Nam đã tích cực xây dựng và từng bước hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc sử dụng và bảo đảm an toàn và an ninh hạt nhân; đã ban hành Luật Năng lượng nguyên tử, Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình; xây dựng và hoàn thiện hệ thống các cơ quan quản lý, nghiên cứu, kiểm soát hạt nhân, vật liệu hạt nhân và nguồn phóng xạ. Trên cơ sở đó, Việt Nam đã và đang ứng dụng rộng rãi các kỹ thuật bức xạ và hạt nhân, và hiện nay đang bắt đầu triển khai Chương trình điện hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Ở góc độ quốc tế, Việt Nam cũng đã tích cực tham gia các công ước quốc tế quan trọng trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử mà gần đây nhất là Công ước an toàn hạt nhân. Chúng ta cũng đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác trong khuôn khổ các chương trình và sáng kiến của cộng đồng quốc tế, trong đó có Chương trình hợp tác giữa IAEA – Nga – Hoa Kỳ về chuyển đổi nhiên liệu urani có độ giàu cao sang urani có độ giàu thấp của Lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, Chương trình hợp tác giữa Liên minh Châu Âu – Nhật Bản – Hoa Kỳ về sử dụng thiết bị phát hiện bức xạ tại cảng biển ở Việt Nam. Chúng ta cũng đã ký kết các Hiệp định hợp tác song phương trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân với Nga, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Hàn Quốc, Ác-hen-ti-na và gần đây nhất là Bản ghi nhớ hợp tác với Hoa Kỳ.

Những thành tựu trong nước cùng với các nỗ lực và đóng góp tích cực của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá là một trong những quốc gia sử dụng năng lượng nguyên tử có trách nhiệm. Tại Hội nghị Thượng đỉnh lần này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng là một trong số nhà lãnh đạo quốc gia được mời phát biểu đầu tiên tại Phiên họp toàn thể lần thứ nhất. Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trao đổi và đề xuất các vấn đề như tăng cường hỗ trợ cho các quốc gia đang phát triển trong đào tạo nhân lực, trợ giúp kỹ thuật, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm quản lý để phát triển ứng dụng năng lượng hạt nhân một cách an toàn, an ninh và hiệu quả; tăng cường vai trò của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế; hoàn thiện cơ chế tham vấn các quốc gia khi xây dựng cơ chế, quy định về bảo đảm an ninh hạt nhân để hoạt động hợp tác quốc tế có hiệu quả hơn./.

Lượt xem: 769

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)