Thứ năm, 03/05/2012 09:50 GMT+7

Đoàn công tác liên ngành làm việc với Bộ Tài chính

Ngày 02/5/2012, Đoàn công tác liên ngành do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức đã đến làm việc với Bộ Tài chính nhằm kiểm điểm, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển KH&CN và đề xuất...

Đây là một trong những hoạt động phục vụ việc xây dựng Đề án “Phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” trình Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương (Khóa XI) vào tháng 10/2012.

Tham dự buổi làm việc, về phía Đoàn công tác có đồng chí Phạm Văn Linh- Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, đồng chí Trần Văn Tùng- Thứ trưởng Bộ KH&CN, cùng đại diện lãnh đạo, chuyên viên một số đơn vị thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ KH&CN. Về phía Bộ Tài chính, có đồng chí Vũ Thị Mai- Thứ trưởng Bộ Tài chính, cùng đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ.

Tại buổi làm việc, ông Vũ Như Thăng- Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, những năm qua, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về KH&CN, hệ thống các cơ chế, chính sách tài chính cho việc thúc đẩy phát triển hoạt động KH&CN liên tục được đổi mới và hoàn thiện, góp phần quan trọng trong việc thực hiện có kết quả các nhiệm vụ về phát triển KH&CN nói riêng và nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội nói chung của đất nước. Cụ thể, đã triển khai thực hiện đổi mới căn bản hệ thống cơ chế, chính sách về tài chính đối với các tổ chức KH&CN; đẩy mạnh việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách ưu đãi về tài chính (bao gồm các chính sách về thuế, tín dụng, đất đai,…) thúc đẩy sự phát triển của hoạt động KH&CN; hoàn thiện hệ thống các quỹ phát triển KH&CN, xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình phát triển KH&CN trong các lĩnh vực ưu tiên; tăng cường chỉ đạo, đảm bảo bố trí đủ nguồn lực ngân sách nhà nước (NSNN) cho việc thực hiện các nhiệm vụ KH&CN.

Nhờ đó, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng và cần thiết cho sự phát triển KH&CN được ban hành và thực thi có hiệu quả. Đầu tư từ NSNN cho phát triển KH&CN tiếp tục được mở rộng, tăng cường và phát huy những tác động tích cực trong việc thúc đẩy sự phát triển của hoạt động KH&CN. Đầu tư từ NSNN cho phát triển KH&CN đã đảm bảo được mục tiêu đặt ra theo Luật KH&CN là đạt 2% tổng chi NSNN và đạt tốc độ tăng chi bình quân là 19% trong giai đoạn 2007- 2011, tương đương với tốc độ tăng tổng chi NSNN.

Đồng thời, đã bước đầu đa dạng hóa các nguồn lực cho đầu tư phát triển KH&CN. Các cơ chế, chính sách tài chính có liên quan đã góp phần quan trọng phát triển lực lượng KH&CN, củng cố hạ tầng KH&CN quốc gia.

Tuy nhiên theo ông Vũ Như Thăng, bên cạnh các kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế như việc cân đối, phân bổ chi NSNN cho KH&CN; cơ chế quản lý, xác định các nhiệm vụ KH&CN để làm cơ sở phân bổ ngân sách; phương thức phân bố NSNN cho các tổ chức KH&CN chưa gắn với các yêu cầu và nhiệm vụ cụ thể về sản phẩm KH&CN cần thực hiện;…

Để khắc phục những hạn chế, tháo gỡ các vướng mắc trong hoạt động KH&CN và thúc đẩy phát triển KH&CN, Bộ Tài chính đã đưa ra 7 nhóm giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới.

Theo đó, cần huy động và đa dạng hóa nguồn lực đầu tư cho KH&CN. Cụ thể, tiếp tục đảm bảo bố trí đủ nguồn lực và nâng cao hiệu quả đầu tư từ NSNN cho hoạt động KH&CN. Ban hành các chính sách đột phá để tăng cường đầu tư từ khu vực tư nhân.

Đồng thời, đổi mới cơ chế phân bổ và sử dụng NSNN phát triển KH&CN; đẩy mạnh việc đổi mới cơ chế quản lý tài chính đối với đơn vị KH&CN công lập; hoàn thiện hệ thống các quỹ phát triển KH&CN; tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí NSNN; tăng cường, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình việc sử dụng NSNN; đổi mới căn bản việc xây dựng và tổ chức thực hiện nhiệm vụ KH&CN, tăng cường nguồn nhân lực cho KH&CN, xây dựng và phát triển thị trường KH&CN,…

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã cùng thảo luận 10 vấn đề trọng tâm, cụ thể: việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII, quan điểm KH&CN là quốc sách hàng đầu dưới góc độ tài chính; đánh giá hiệu quả đầu tư từ NSNN cho phát triển KH&CN trên các lĩnh vực; đánh giá mức thu nhập và chính sách đối với cán bộ khoa học; các tiêu chí về hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật trong việc đánh giá các đề tài nghiên cứu khoa học; tham mưu về cơ chế khoán, định mức chi trong triển khai hoạt động KH&CN cho hợp lý, hiệu quả; cách phân bổ, tái cơ cấu đầu tư 2% chi ngân sách nhà nước cho KH&CN, độ trễ về thời gian cấp ngân sách đối với việc thực hiện các nhiệm vụ KH&CN; thành lập quỹ và sử dụng quỹ phát triển KH&CN; cơ chế phối hợp giữa ngành tài chính với ngành KH&CN; kinh phí và duy trì hoạt động của các phòng thí nghiệm quốc gia; quản lý và sử dụng 10% lợi nhuận trước thuế do doanh nghiệp trích để thành lập Quỹ phát triển KH&CN.

Lượt xem: 1178

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)