Thứ sáu, 27/04/2012 16:33 GMT+7

Bộ trưởng Nguyễn Quân làm việc với đoàn chuyên gia Phòng thí nghiệm Cerium (Hoa Kỳ)

Chiều ngày 26/4/2012, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Quân đã có buổi làm việc với đoàn chuyên gia của Phòng thí nghiệm Cerium (Hoa Kỳ).

Tại buổi làm việc, ông Trần Xuân Linh – Phó Chủ tịch phụ trách phát triển kinh doanh của Phòng thí nghiệm Cerium thông báo với Bộ trưởng Nguyễn Quân kết quả làm việc với một số đơn vị của Bộ KH&CN. Phòng thí nghiệm Cerium đã soạn thảo, ký biên bản ghi nhớ hợp tác một số đơn vị để phát triển ứng dụng công nghệ. Qua đó có thể triển khai những thành phẩm công nghệ cao của Việt Nam đưa ra thị trường quốc tế.

Ông Trần Xuân Linh chia sẻ, hiện nay Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển, cần phải có những vấn đề liên quan đến công nghệ, chuyển giao công nghệ,… để có những bước phát triển đột phá mới. Theo đó, Việt Nam cần xây dựng danh sách những ngành công nghệ có lợi thế cạnh tranh. Đó có thể là ngành công nghệ vật liệu, ngành toán, công nghệ thông tin. Với khả năng và kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực này, Cerium sẵn sàng hỗ trợ Bộ KH&CN tìm ra những chương trình để hỗ trợ hợp tác và trao đổi về KH&CN giữa hai nước hoặc là những công ty của Hoa Kỳ quan tâm hợp tác đến những ngành mũi nhọn này.

Bộ trưởng Nguyễn Quân bày tỏ hi vọng sau chuyến làm việc này sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa Việt Nam - Hoa Kỳ, quá trình hợp tác giữa hai bên sẽ tiến triển tốt. Bộ trưởng Nguyễn Quân chia sẻ sẽ ủng hộ ý tưởng cũng như công việc của hai bên trong thời gian tới. Để việc thực hiện biên bản ghi nhớ hợp tác đã ký kết có kết quả hai bên sẽ cùng tạo điều kiện và có những thảo luận chung.

Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, hiện nay thị trường công nghệ Việt Nam vẫn còn non trẻ nên khả năng thương mại hóa kết quả nghiên cứu, kể cả những sáng chế còn rất hạn chế. Việt Nam cũng chưa có kinh nghiệm trong việc định giá sáng chế, định giá bí quyết công nghệ nhằm hỗ trợ cho nhà khoa học đưa kết quả nghiên cứu của họ vào sản xuất và đời sống.

Thực tế, thị trường công nghệ Việt Nam mới đang phát triển ở mức sơ khai nên chưa có hệ thống tổ chức dịch vụ để môi giới, tư vấn, định giá, giám định để có thể đưa những sáng chế ấy vào sản xuất kinh doanh. Việt Nam hi vọng với kinh nghiệm của của Cerium, Việt Nam sẽ có thêm những kiến thức, kinh nghiệm để có thể phát triển tốt thị trường công nghệ còn rất non trẻ và đưa những sản phẩm ra thị trường trong nước và thế giới.

Đại diện chuyên gia Phòng thí nghiệm Cerium cho rằng, các bản quyền sáng chế trong lĩnh vực KH&CN là rất quan trọng. Hiện nay, Việt Nam có cơ hội lớn và có tiềm năng giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa với các doanh nghiệp lớn hơn trong việc đưa ra các bằng sáng chế này cũng như việc hỗ trợ hiệu quả cán bộ nghiên cứu trong các viện nghiên cứu và trường đại học.

“Hiện nay Việt Nam chưa có những quy định cụ thể mang tính pháp lý về định giá sáng chế hoặc là những kết quả nghiên cứu. Từ trước đến nay chủ yếu những kết quả nghiên cứu, sáng chế đều hình thành từ nguồn ngân sách nhà nước. Nhà nước đầu tư kinh phí cho các nhà khoa học nghiên cứu nhưng nhà nước lại không có cơ chế định giá và giao tài sản trí tuệ ấy cho nhà khoa học nên họ không thể đem kết quả đó góp vốn vào doanh nghiệp hoặc là thành lập công ty. Điều đó đã cản trở quá trình thương mại hóa. Để giải quyết vướng mắc ấy, Việt Nam cần sự chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia ở các nước phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Quân chia sẻ.

Bộ KH&CN ủng hộ việc Cerium thành lập Viện nghiên cứu, chi nhánh hay phòng thí nghiệm tại Việt Nam. Qua đó có thể tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học, trao đổi các đoàn đi học tập kinh nghiệm giữa hai bên.

Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đặt trọng tâm vào bốn lĩnh vực công nghệ ưu tiên đó là công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu, công nghệ tự động hóa và công nghệ sinh học. Việt Nam cần có thông tin về các chuyên gia hàng đầu của các quốc gia về lĩnh vực này để mời giảng dạy, tham gia hội thảo, tư vấn trong các dự án, tạo thuận lợi cho Việt Nam trong quá trình hợp tác.

Lượt xem: 840

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)