Thứ năm, 05/07/2012 14:00 GMT+7

Hội thảo “Chính sách phát triển nhân lực Khoa học và Công nghệ”

Chiều ngày 03/7/2012, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội thảo “Chính sách phát triển nhân lực KH&CN” nhằm lấy ý kiến của các nhà khoa học và các nhà quản lý trong việc xây dựng Đề...


Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phạm Văn Linh phát biểu tại Hội thảo

Trong thời gian qua, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về nguồn nhân lực KH&CN, đội ngũ trí thức KH&CN đã đi vào cuộc sống góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phát triển của đội ngũ trí thức, nhân lực KH&CN. Tuy nhiên, qua thực tế triển khai vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như đội ngũ cán bộ KH&CN tuy đã có bước phát triển về số lượng, nhưng chất lượng và năng lực còn nhiều hạn chế; phân bổ chưa hợp lý theo vùng miền và lĩnh vực hoạt động; thiếu các nhà KH&CN, các tổng công trình sư có trình độ cao và năng lực chủ trì các nhiệm vụ nghiên cứu quan trọng quy mô quốc gia và quốc tế;…

Hội thảo đã thống nhất đề xuất một số nhóm giải pháp nhằm cải tiến chính sách đối với nhân lực KH&CN thúc đẩy KH&CN phát triển: Tạo môi trường thuận lợi, phát huy quyền tự do sáng tạo để đội ngũ trí thức KH&CN có những đóng góp to lớn hơn nữa vào sự nghiệp CNH- HĐH; Đổi mới cơ chế chính sách sử dụng và trọng dụng cán bộ KH&CN theo hướng tạo động lực và lợi ích thiết thực để giải phóng, phát huy sức sáng tạo của cán bộ KH&CN; Thực hiện mức phụ cấp ưu đãi theo nghề cao nhất đối với hoạt động KH&CN, áp dụng cơ chế, chính sách đãi ngộ đặc biệt đối với cán bộ KH&CN làm việc đạt chất lượng và hiệu quả cao; Xây dựng chính sách sử dụng và trọng dụng cán bộ KH&CN theo đặc thù của hoạt động KH&CN; Hình thành các chức danh “Kỹ sư trưởng”, “Tổng công trình sư” trong hệ thống chức vụ của viên chức KH&CN; Tổ chức trao giải thưởng, và vinh danh các nhà khoa học tiêu biểu.

Theo GS Vũ Minh Giang, không thể ban hành một chính sách đãi ngộ chung cho tất cả giới khoa học mà cần phải dũng cảm phá bỏ "chủ nghĩa bình quân". Hãy công tâm chọn ra những nhà khoa học có trình độ, xây dựng những nhóm khoa học mạnh và đầu tư thật xứng đáng để có kết quả nghiên cứu tốt.

Cũng với quan điểm hãy bắt đầu từ việc trọng dụng và rèn luyện người tài, GS.VS Nguyễn Văn Hiệu cho rằng, phát huy nguồn nhân lực cao là chính sách cốt yếu. GS Hiệu nhấn mạnh, mục tiêu của chính sách nên hướng vào việc xây dựng đội ngũ nhân lực đủ năng lực để giải quyết các nhiệm vụ khoa học lớn cần thiết nhất đối với sự phát triển KT-XH của đất nước. Đội ngũ đó phải là hệ thống các tập thể KH&CN xuất sắc, có sự gắn kết hữu cơ với nhau chứ không phải các cá nhân hay các đơn vị riêng lẻ.

Đề cập đến vấn đề chính sách, chế độ đối với nhân lực KH&CN, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Văn Tất Thu cho rằng, đến nay hệ thống chính sách, chế độ đối với viên chức KH&CN, nhất là chính sách về tuyển dụng, sử dụng, trọng dụng, đãi ngộ… vẫn còn hạn chế, bất cập. Chẳng hạn như việc thi tuyển, chuyển ngạch, nâng ngạch đối với viên chức làm KH&CN về cơ bản không khác với đội ngũ công chức hành chính nhà nước, như vậy là không phù hợp với đặc điểm, tính chất của hoạt động KH&CN, thậm chí còn mang tính hình thức, chưa căn cứ vào kết quả hoạt động, cống hiến của người viên chức KH&CN.

Thứ trưởng Văn Tất Thu chỉ ra rằng, cần mạnh dạn nghiên cứu đổi mới, hoàn thiện chế độ, chính sách đối với đội ngũ viên chức KH&CN, như: từng bước khắc phục tình trạng hành chính hóa, bình quân chủ nghĩa để phù hợp với tính chất lao động, nghề nghiệp mang tính đặc thù của đội ngũ viên chức KH&CN. Vấn đề đổi mới chế độ, chính sách đối với đội ngũ này không đơn giản chỉ là đề xuất giải pháp về tuyển dụng, chính sách tiền lương, đãi ngộ, mà quan trọng hơn là tạo điều kiện và môi trường để họ phát huy vai trò, thấy được tác dụng thực sự của mình đối với xã hội.

Theo thống kê, đến cuối năm 2010, cả nước có hơn 1.500 tổ chức KH&CN, trong đó có 1.001 tổ chức KH&CN ở Trung ương, chiếm tỷ lệ 66,1% và 512 tổ chức KH&CN tại địa phương, chiếm 33,9%. Trong đó, lĩnh vực Khoa học Kỹ thuật và Công nghệ có 810 tổ chức, chiếm 53,5%; tiếp theo là Khoa học Nông nghiệp có 327 tổ chức, chiếm tỷ lệ 21,6%.

Số người làm nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có hơn 60 nghìn người, phân bổ theo 5 lĩnh vực Khoa học Xã hội và Nhân văn; Khoa học Tự nhiên; Khoa học Nông nghiệp; Khoa học Y- Dược và Khoa học Kỹ thuật và Công nghệ.

Lượt xem: 1257

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)