Thứ năm, 05/07/2012 08:23 GMT+7

Hội thảo khoa học “Đổi mới tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động Khoa học và Công nghệ”

Sáng 03/7/2012, Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Đổi mới tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH&CN”. Đồng chí Phạm Văn Linh- Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung...


Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phạm Văn Linh phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: Ngũ Hiệp)

Tham dự Hội thảo có các đồng chí đại diện lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của các Bộ, ban, ngành,…; đại diện lãnh đạo, các nhà khoa học của nhiều viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp,…

Hội thảo được tổ chức nhằm làm rõ quan điểm “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, cơ bản, toàn diện và đồng bộ cơ chế quản lý và hoạt động KH&CN, trong đó đổi mới cơ chế đầu tư, tài chính và chính sách đối với cán bộ KH&CN là khâu đột phá, cần tập trung tháo gỡ các vướng mắc và có giải pháp thực hiện khả thi, quyết liệt, đến cùng để giải phóng sức sáng tạo và tạo động lực cho KH&CN phát triển”, góp phần xây dựng Đề án “Phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” trình Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 6 (khóa XI).

Tại Hội thảo, các đại biểu đã đóng góp nhiều báo cáo tham luận, góp ý xoay quanh chủ đề đổi mới tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH&CN như: đổi mới cơ chế hoạt động của tổ chức KH&CN công lập theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm và hình thành lực lượng doanh nghiệp KH&CN; công tác quản lý nhà nước đối với hệ thống tổ chức KH&CN và hoạt động của các tổ chức KH&CN; đóng góp của KH&CN với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và yêu cầu đổi mới hệ thống tổ chức KH&CN Việt Nam phục vụ yêu cầu tái cấu trúc nền kinh tế; phương hướng, yêu cầu và giải pháp phát triển mô hình đại học nghiên cứu;…

Các tham luận, ý kiến góp ý đã nêu bật một số vấn đề chính như: từ khi có Nghị quyết Trung ương 2 (Khóa VIII) đến nay, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về đổi mới cơ chế tổ chức và quản lý hoạt động KH&CN đã đi vào cuộc sống, tạo động lực mạnh mẽ cho hoạt động KH&CN trong việc nghiên cứu ứng dụng, triển khai đổi mới công nghệ. Số lượng các tổ chức KH&CN tăng dần, đặc biệt là các tổ chức KH&CN ngoài công lập theo xu hướng xã hội hóa. Đã hình thành nhiều tổ chức KH&CN hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và hoạt động ngày càng hiệu quả. Đặc biệt, đã xuất hiện một số loại hình tổ chức KH&CN mới là doanh nghiệp KH&CN, hứa hẹn sẽ trở thành lực lượng sản xuất mới, đưa đất nước phát triển trong thời gian tới.

Cơ chế hoạt động của các tổ chức KH&CN đã được đổi mới cơ bản, với chủ trương chuyển đổi các tổ chức KH&CN công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm và hình thành các doanh nghiệp KH&CN. Cơ chế quản lý và phương thức tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KH&CN đã có những đổi mới cơ bản sau khi Luật KH&CN ra đời. Bộ máy quản lý về KH&CN Trung ương và địa phương được kiện toàn theo hướng tách biệt chức năng quản lý nhà nước với hoạt động sự nghiệp. Phân định rõ nhiệm vụ của các đơn vị quản lý nhà nước với các tổ chức sự nghiệp, tăng cường nhiệm vụ quản lý giám sát đánh giá khoa học và định giá công nghệ,…

Tuy nhiên nhìn tổng thể, hoạt động KH&CN, đặc biệt về tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động còn nhiều hạn chế. Hệ thống tổ chức KH&CN tuy đã có bước phát triển về số lượng nhưng chưa được quy hoạch thống nhất trên toàn quốc, chưa tạo thành mạng lưới mạnh, phân bổ còn bất hợp lý giữa các vùng miền, các lĩnh vực hoạt động. Các viện nghiên cứu lớn chủ yếu tập trung ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, trong khi nhiều địa phương nghèo còn thiếu cơ sở nghiên cứu mạnh.

Hiệu quả hoạt động KH&CN của đa số các tổ chức KH&CN còn thấp, chưa thoát khỏi thói quen bao cấp, ngại chuyển đổi. Một số đã chuyển đổi gặp nhiều trở ngại trong hoạt động tự chủ. Việc xác định nhiệm vụ KH&CN còn dừng ở định hướng, ưu tiên nhưng chưa xác định được nhiệm vụ cụ thể cho từng giai đoạn và lộ trình thực hiện các nhiệm vụ này để đạt mục tiêu đề ra, chưa triển khai có hiệu quả cơ chế nhà nước đặt hàng nhiệm vụ KH&CN, đặc biệt là những nhiệm vụ có giá trị cao về KH&CN và kinh tế xã hội. Vấn đề phân cấp quản lý và giao nhiệm vụ vẫn chưa gắn kết với trách nhiệm của những người đứng đầu quản lý các ngành, địa phương. Việc triển khai hệ thống đánh giá KH&CN độc lập còn chậm. Sự liên kết giữa tổ chức KH&CN với doanh nghiệp trong nghiên cứu và sử dụng kết quả nghiên cứu còn yếu,…

Quản lý nhà nước về KH&CN cũng còn nhiều bất cập, vai trò điều phối hoạt động KH&CN trong toàn ngành của Bộ KH&CN chưa được xem trọng và tạo điều kiện, dẫn tới tình trạng chồng chéo trong quản lý đặc biệt là tình trạng đầu tư và kinh phí cho hoạt động KH&CN,…


Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: Ngũ Hiệp)

Trước thực trạng đó, các đại biểu đã đề xuất một số giải pháp đổi mới tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH&CN góp phần thúc đẩy KH&CN phát triển phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế trong thời gian tới.

Thứ nhất, để tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, chủ trương đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước về KH&CN cần có cơ chế phân công, phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các cấp các ngành, các cán bộ lãnh đạo đầu ngành trong xây dựng chương trình, kế hoạch hành động triển khai cụ thể. Tăng cường năng lực điều phối liên ngành, liên vùng, bảo đảm phân công phân cấp, giảm bớt chức năng tác nghiệp cụ thể.

Thứ hai, cần đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý và cơ chế hoạt động KH&CN, trong đó khâu đột phá, yếu tố quyết định là đổi mới phương thức đầu tư, cơ chế tài chính để phát triển sử dụng có hiệu quả các nguồn lực KH&CN.

Thứ ba, tạo môi trường thuận lợi phát huy quyền sáng tạo để KH&CN thực sự trở thành động lực then chốt, tạo đột phá trong phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm quốc phòng an ninh, phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Thứ tư, hình thành các nhiệm vụ KH&CN phải xuất phát từ yêu cầu, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của các cấp, các ngành. Phát triển thị trường KH&CN đáp ứng ngày càng cao nhu cầu ứng dụng tri thức KH&CN trong công tác lãnh đạo quản lý, trong hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp cũng như trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Thứ năm, đổi mới cơ chế quản lý KH&CN phải phù hợp với đặc thù của hoạt động KH&CN, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế, hội nhập quốc tế, nhanh chóng nâng cao hiệu quả đầu tư, đóng góp thiết thực của KH&CN cho các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Đổi mới cơ chế quản lý các nhiệm vụ KH&CN một cách đồng bộ, tiếp cận chuẩn mực quốc tế từ khâu xây dựng, tổ chức thực hiện, đánh giá, nghiệm thu các kết quả KH&CN nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác này trong thời gian tới.

Lượt xem: 1251

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)