Thứ năm, 14/05/2009 16:59 GMT+7

Phát triển khoa học, công nghệ từ cơ sở

Ðể đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, từ năm 2005 đến 2008, Sở KH&CN Hà Nội đã triển khai được 223 đề tài khoa học và công nghệ cấp quận, huyện. Trong đó có 19 đề tài đã được Sở nghiệm thu và bước đầu ứng dụng thành công vào...

Phó phòng Quản lý Khoa học Hà Nội Nguyễn Hoàng Giáp, cho biết: Các đề tài, dự án do cấp quận, huyện trực tiếp thực hiện có quy mô hạn hẹp chỉ giải quyết những vấn đề bức xúc tại địa bàn. Vả lại, có một thực tế nữa là, ở cấp quận, huyện kỹ sư có nhiều nhưng không chuyên về nghiên cứu khoa học. Mặc dù họ có chuyên môn nhưng không có điều kiện nghiên cứu KH&CN. Vì vậy, có một sự "phân công" khách quan là, những đề tài lớn, nghiên cứu sâu các quận, huyện chủ động đặt hàng các nhà khoa học ở cấp thành phố về hoặc các viện khoa học ở trung ương, còn huyện chủ yếu thực hiện việc chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Ðể hiểu rõ hơn về việc triển khai những tiến bộ KH&CN vào sản xuất, chúng tôi đến Hợp tác xã (HTX) Ðan Hoài ở thị trấn Phùng (Ðan Phượng, Hà Nội) tìm hiểu việc triển khai, thực hiện đề tài: "Nghiên cứu tổ chức sản xuất và tiêu thụ hoa ứng dụng công nghệ cao, bước đầu hình thành ngành hoa ứng dụng công nghệ cao" trên địa bàn Hà Tây (cũ). Chủ nhiệm HTX Ðan Hoài Bùi Hường Bích (Chủ nhiệm đề tài), cho biết diện tích triển khai đề tài là 30.000 m2, trong đó 3.000m2 trồng hoa công nghệ cao như: Hồ điệp, loa kèn, ly, cúc... và chăn nuôi lợn, cá. Nói về việc ứng dụng KH&CN vào nông nghiệp chị Bích bộc bạch: Cái khó khi triển khai dự án là HTX phải đi mua giống ở nước ngoài với giá rất cao và khi trồng được hoa thì bị hoa của các nước tràn vào theo đường tiểu ngạch "chèn ép" nên cơ sở cũng gặp nhiều khó khăn. HTX xây dựng nhà hoa công nghệ cao là vì không muốn phải bỏ ra một khoản tiền lớn để nhập khẩu trong khi đó hợp tác xã có thể làm được. Khi triển khai đề tài hợp tác xã đã cử nhiều cán bộ đi nước ngoài và các tỉnh trong nước để học tập kinh nghiệm. Ngoài ra, HTX còn được Sở KH&CN, Viện Nghiên cứu và các nhà khoa học luôn sát cánh tạo điều kiện giúp đỡ về kinh phí, kỹ thuật.

Hiện nay HTX Ðan Hoài đã ứng dụng KH-CN vào chăn nuôi, trồng hoa, nuôi cá. Chị cho biết, từ khi có máy điều hòa nhiệt độ rất thuận lợi cho việc chăm sóc, phát triển mô hình. Từ trồng hoa, nuôi lợn, thả cá, HTX đều có các chuyên gia về lĩnh vực tư vấn ứng dụng khoa học, cho nên mô hình cho năng suất, hiệu quả cao so với trước. Tuy HTX Ðan Hoài đã chuyển giao đề tài khoa học thành công nhưng là người đứng đầu HTX, chị Bích vẫn trăn trở về hoa công nghệ cao: Hiện nay có bốn loại hoa được HTX đưa lên thành hàng chuyên sâu là hoa loa kèn, ly, vũ nữ, hồ điệp (sản phẩm hoa công nghệ cao). Hoa của Việt Nam có tính ưu việt, đẹp, tươi... nhưng do số lượng làm ra chưa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và tính chuyên nghiệp chưa cao, cho nên HTX vẫn còn gặp khó khăn. Ðể có được vườn hoa thành phẩm có khi mất từ một đến ba năm. Khó khăn nhất hiện nay là về giống. Theo chị Bích, giống hoa có giá trị thường rất đắt, ở Việt Nam không sản xuất đại trà vì nhiều doanh nghiệp hạch toán kinh tế, tránh rủi ro nên muốn ứng dụng KH-CN vào sản xuất HTX phải liên kết với các nhà khoa học, doanh nghiệp và thị trường nước ngoài. Thông thường, các doanh nghiệp làm kinh tế rất sợ rủi ro, cho nên họ đi bằng con đường ngắn nhất là mua giống chứ không làm giống. Chọn, tạo giống là cả một mảng lớn, thiết nghĩ doanh nghiệp không đủ sức làm mà các nhà nghiên cứu đi cùng doanh nghiệp xem thị trường cần gì. Theo chị Bích, khi đưa KH&CN vào nông nghiệp mà nhìn thấy hiệu quả ngay là rất khó. Với nông nghiệp, bộ giống rất quan trọng, phụ thuộc rất nhiều vào các nhà khoa học.

Ðến Công ty cổ phần cơ khí và thương mại Ðức - Nhật ở Sơn Ðồng (Hoài Ðức, Hà Nội) được biết công ty đang là "lá cờ" đầu với việc ứng dụng KH&CN sản xuất máy phục vụ nông nghiệp, công nghiệp trong nước và xuất khẩu. Tại xưởng chế biến, sản xuất của công ty khi có gần một trăm công nhân, kỹ sư đang chế tạo máy. Một nhân viên của công ty tên Lãm dẫn chúng tôi tham quan tìm hiểu cơ sở cho biết: "Từ khi triển khai ứng dụng khoa học và công nghệ, máy chế biến thức ăn gia súc, gia cầm do công ty đã tạo ra các loại sàng chế biến thức ăn khác nhau trên cùng một máy, đặc biệt tiết kiệm khoảng 30% số điện năng so với máy nhập khẩu. Sau khi công ty chế tạo thành công sản phẩm này, nhiều khách hàng tìm đến công ty để mua và tìm hiểu". Bây giờ công ty đã sản xuất và tiêu thụ các loại: Máy chế biến thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản với công suất từ 10 đến 15 tấn/giờ, máy nghiền các loại cao cấp, máy cưa bào gỗ, máy xay xát liên hoàn... với nhiều doanh nghiệp mua sản phẩm của công ty như: Công ty TNHH Phú Thái (Hải Dương), Công ty dinh dưỡng Hà Lan ở Dị Sử (Mỹ Hào, Hưng Yên), Công ty TNHH đầu tư Anh Dũng - Khu công nghiệp Ngọc Hồi (Hà Nội)... và bán cho một số bạn hàng ở Lào, Thái Lan.

Với sự trưởng thành nhanh chóng, Công ty cổ phần cơ khí và thương mại Ðức - Nhật đã tạo công ăn việc làm tại chỗ cho hàng trăm lao động với mức lương từ 1,5 đến hơn năm triệu đồng/người/tháng, đó là chưa kể hàng nghìn lao động ở các địa phương có việc làm khi mua máy của công ty.

Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty Nguyễn Ðức Nhật cho biết: Thành tựu của công ty chính là đã mạnh dạn dám nghĩ, dám làm trong việc tiếp thu và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra sản phẩm mới. Tuy nhiên, để khoa học và công nghệ thật sự là đòn bẩy thúc đẩy sản xuất phát triển, chúng tôi vẫn mong Nhà nước có cơ chế, chính sách phù hợp, tạo điều kiện giúp cơ sở tháo gỡ khó khăn như: Cho vay vốn dài hạn thay vì trung hạn và ngắn hạn như hiện nay; đồng thời có chính sách ưu đãi về vốn đầu tư, hỗ trợ sản xuất mặt hàng mới để các doanh nghiệp tự chủ vươn lên cạnh tranh lành mạnh trong nền kinh tế thị trường.

Lượt xem: 733

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)