Thứ tư, 08/08/2012 14:51 GMT+7

Xã hội hóa, thương mại hóa giá trị công nghệ quốc gia

Từ ngày 03/8 đến ngày 06/8/2012 tại TP. Hồ Chí Minh và TP. Vũng Tàu (Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Văn phòng Phối hợp Phát triển môi trường Khoa học và Công nghệ- Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và Viện nghiên cứu Công nghệ & Phát triển SENA phối...


Toàn ảnh buổi tọa đàm

Mục đích của tọa đàm nhằm tuyên truyền về chương trình “Thương mại hóa công nghệ”, thu hút sự quan tâm, cùng đồng hành và ủng hộ của toàn xã hội (Nhà nước, doanh nghiệp, cá nhân và quốc tế) nhằm huy động tối đa các nguồn lực cùng tham gia thúc đẩy đưa ra thị trường các sản phẩm công nghệ phục vụ phát triển kinh tế, xã hội đất nước.

Theo đại diện Imperial Group, mặc dù Nhà nước đã có chủ trương và chiến lược phát triển kinh tế quốc gia dựa trên nền tảng KH&CN nhưng do Nhà nước không đủ kinh phí, cơ chế nhiều ràng buộc nên khó tập hợp được sức mạnh cộng đồng. Hơn nữa, vai trò của Nhà nước chỉ định hướng chiến lược và quản lý nhà nước nên khó triển khai việc xã hội hóa chương trình Thương mại hóa công nghệ.

Đối với doanh nghiệp Việt Nam, đại đa số hoạt động theo mô hình quy mô vừa và nhỏ, kinh phí hạn hẹp và không có đủ cơ sở hạ tầng nghiên cứu, đặc biệt là không đủ tầm để tập hợp được sức sáng tạo mang tầm cạnh tranh quốc gia. Bên cạnh đó các doanh nghiệp còn bị hạn chế về kết nối quốc tế, cơ chế chính sách vẫn còn bất cập nên họ chưa thực sự yên tâm để có thể đầu tư dài hạn cho công nghệ.

Đặc biệt là đối với cá nhân thì hoạt động đơn độc, tài chính yếu, thiếu chủ thể pháp lý, thiếu thông tin, thiếu kinh nghiệm tổng thể, thiếu tổ chức chất lượng để tham gia tạo sức mạnh. Vì vậy, đại diện Imperial Group đề xuất cần thiết phải tập hợp nguồn lực toàn xã hội tham gia đồng hành tạo giá trị công nghệ Việt: trong nước và nước ngoài, Nhà nước và tư nhân.

Đồng tình với quan điểm trên, đại diện Ngân hàng Quốc tế (VIB) cũng khẳng định, để xã hội hóa, thương mại hóa công nghệ cần thiết phải có sự tham gia của Chính phủ, nhà khoa học, doanh nghiệp, các quỹ đầu tư và người tiêu dùng. Bởi nhà khoa học chỉ có thể sáng tạo ra công nghệ nhưng không có nguồn lực nghiên cứu và thiếu hiểu biết thị trường; còn doanh nghiệp là người mua công nghệ, thúc đẩy cải tiến công nghệ, tạo giá trị thặng dư cho công nghệ nhưng lại thiếu vốn, thiếu hiểu biết về công nghệ; ngược lại, Chính phủ với vai trò là soạn thảo chính sách, cung cấp vốn mồi nhưng lại thiếu cơ chế chấp nhận rủi ro cho nên đại diện này cũng đề xuất Nhà nước cần tài trợ về đào tạo doanh nhân cho doanh nghiệp KH&CN và lựa chọn người quản lý vốn xã hội hóa.

Cũng theo đại diện Tập đoàn sơn Kova, hiện nay có rất nhiều đề tài nghiên cứu tốt nhưng không được ứng dụng vào thực tiễn nên chương trình về xã hội hóa công nghệ sẽ đẩy nhanh việc phát triển công nghệ đang ứng dụng và hỗ trợ các công ty, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân gặp khó khăn hồi phục và phát triển trở lại. Để làm được việc điều này thì cần thiết phải có sự tham gia của nhà nước đóng vai trò chủ đạo và tạo sự đồng thuận cao giữa doanh nghiệp, cá nhân và kết nối quốc tế.

Vì vậy, các đại diện tham gia đều đưa ra giải pháp là sự kết nối giữa 4 tổ chức vai trò với nhau thành chương trình xã hội hóa chương trình thương mại hoá công nghệ. Đây yếu tố quan trọng nhất tập hợp được nguồn lực của toàn xã hội trong tất cả mọi lĩnh vực tham gia đồng hành để tạo giá trị của công nghệ Việt Nam. Tất cả các vai trò này sẽ tập hợp được từ vai trò trong nước đến nước ngoài, nhà nước và tư nhân hướng đến phát triển thị trường để tạo nên sức mạnh của xã hội hóa.

Tuy nhiên để làm được điều này, các đại diện tham gia cũng đưa ra kiến nghị Nhà nước cần đưa ra chủ trương, ủng hộ mạnh mẽ chương trình xã hội hoá; cho phép một tổ chức phi chính phủ thực hiện chương trình; cho phép hình thành Quỹ xã hội hoá để đồng hành cùng chương trình cùng với kế hoạch triển khai. Và trước mắt chương trình sẽ tập trung vào chiến lược công nghiệp hóa nông nghiệp, đây là vấn đề nóng đang được toàn xã hội quan tâm nhằm xây dựng giá trị cốt lõi của quốc gia từ KH&CN của người Việt cho sự phát triển bền vững và thịnh vượng của Việt Nam.


Bộ trưởng Nguyễn Quân phát biểu tại buổi tọa đàm

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân đánh giá cao tầm quan trọng và các nội dung của tọa đàm. Bộ trưởng cho rằng, cần thiết phải thực hiện Chương trình “Xã hội hóa chương trình Thương mại hóa giá trị công nghệ quốc gia” bởi hiện nay, nhận thức xã hội về vai trò của KH&CN còn thấp, bên cạnh đó sự quan tâm của giới lãnh đạo, quản lý còn khiêm tốn; nhà khoa học có tinh thần doanh nghiệp và doanh nghiệp có tinh thần khoa học là không nhiều (BKAV, Naiscorp, Kova, …). Đó là do các nhà khoa học không thương mại hóa được kết quả nghiên cứu, doanh nghiệp chưa biết xã hội hóa đầu tư, thị trường hoá đầu ra sản phẩm. Trong khi đó Nhà nước chưa có hỗ trợ gì để giúp thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Thông qua Chương trình này, Bộ trưởng đánh giá cao ý tưởng của nhóm tổ chức toạ đàm bởi đây là sáng kiến đột phá, có giá trị cốt lõi nhằm góp phần nâng tầm công nghệ Việt. “Chừng nào mà xã hội chưa quan tâm đầu tư, chừng nào nhà nước không có chính sách hỗ trợ thì chừng đó chúng ta chưa thể có đủ nguồn lực và cơ chế để thương mại hóa các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng ủng hộ việc Chương trình kêu gọi các tổ chức đóng góp thành lập Quỹ để đồng hành cùng chương trình. Nếu Quỹ này thành công sẽ là cơ sở để có nhiều quỹ khác thiết lập với cơ chế chi tiêu chủ động, thuận lợi và có vai trò vị trí rất quan trọng trong toàn bộ hệ thống KH&CN của Việt Nam.

Bộ trưởng giao cho Văn phòng Phối hợp Phát triển môi trường KH&CN chủ trì, phối hợp với Viện nghiên cứu Công nghệ & Phát triển SENA và các đối tác tiếp tục nghiên cứu và đề xuất kế hoạch cụ thể triển khai chương trình. Bộ KH&CN sẽ hỗ trợ mọi việc có thể để đưa ý tưởng này trở thành hiện thực. Điều quan trọng nhất chính là làm thế nào để truyền thông được với xã hội, giới khoa học. Bên cạnh đó truyền thông cho các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong xã hội quan tâm tới việc tạo nguồn tài chính cho hoạt động khoa học, đồng thời sử dụng được kết quả nghiên cứu cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Lượt xem: 1173

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)