Thứ sáu, 03/08/2012 12:59 GMT+7

Hội thảo “Thông tin, truyền thông về phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam”

Ngày 02/8/2012 tại Hà Nội, Cục Năng lượng Nguyên tử (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã tổ chức Hội thảo “Thông tin, truyền thông về phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam” với sự tham dự của đông đảo các nhà báo thuộc các cơ quan thông tấn, báo chí Trung...


Toàn cảnh Hội thảo (ảnh MC)

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Lê Đình Tiến cho biết, Việt Nam có tiềm năng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời… Việt Nam đã triển khai phát triển các nguồn năng lượng trên nhưng hiệu quả chưa ổn định, năng lượng gió phụ thuộc vào nguồn gió, năng lượng mặt trời công suất nhỏ chỉ phục vụ cho điện sinh hoạt. Hiện nay, trước nhu cầu sử dụng năng lượng ở Việt Nam ngày càng cao, việc phát triển điện hạt nhân được xem là xu hướng tất yếu.

Theo Thứ trưởng Lê Đình Tiến, cho đến nay, mặc dù chỉ có khoảng hơn 30 nước sử dụng điện hạt nhân nhưng đã chiếm tới 17% sản lượng điện của toàn thế giới, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng thế giới. “Điện hạt nhân đòi hỏi về an toàn, an ninh rất cao, nếu để xảy ra sự cố thì hậu quả rất lớn, do đó cần phải lựa chọn được công nghệ tiên tiến và hiện đại nhất để đảm bảo sự an toàn nhất cho việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Lê Đình Tiến mong muốn các cơ quan thông tấn, báo chí làm tốt công thông tin truyền thông, làm cho xã hội nhận thức đầy đủ và đúng đắn về chương trình phát triển điện hạt nhân bởi “nếu không có sự hiểu biết đúng đắn và sự đồng thuận của xã hội sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam trong thời gian tới”.

Tại Hội thảo, các nhà báo đã được cung cấp những kiến thức cơ bản về nguyên tử, hạt nhân và điện hạt nhân; các thuật ngữ, khái niệm về điện hạt nhân thường gặp trong báo chí; tình hình phát triển điện hạt nhân thế giới và những bài học từ sự cố Fukushima và công tác chuẩn bị cho phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam…


Thứ trưởng Lê Đình Tiến phát biểu tại Hội thảo (ảnh MC)

TS Hoàng Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Năng lượng Nguyên tử cho biết, sau sự cố Fukushima, một số nước đã tuyên bố sẽ từ bỏ điện hạt nhân như Đức, Bỉ nhưng nhiều quốc gia khác như Hàn Quốc, Iran, Belarus, Trung Quốc… vẫn tiếp tục chương trình điện hạt nhân. Tại Nhật Bản, trước Fukushima có 54 lò phản ứng chiếm 30% tổng sản lượng điện, sau Fukushima, các nhà máy lần lượt tạm ngừng để kiểm tra, bảo dưỡng và tổ máy cuối cùng đã ngừng hoạt động vào ngày 05/5/2012. Tuy vậy sau đó, Nhật Bản đã tái khởi động Ohi-3 vào ngày 01/7/2012 và Ohi-4 vào ngày 18/7/2012…

Điện hạt nhân đã có lịch sử phát triển lâu dài gần 60 năm với công nghệ lò đã phát triển đến thế hệ 3 và 3+ tiên tiến với nhiều đặc trưng về an toàn và công nghệ. Sau mỗi sự cố đều có những bài học rút ra và đều đánh dấu một bước phát triển mới của điện hạt nhân về công nghệ, năng lực quản lý để nâng cao an toàn…

Phát triển điện hạt nhân là một lựa chọn tất yếu trong cơ cấu năng lượng của Việt Nam. Trong phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam với dự án đầu tiên là Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2, đảm bảo an toàn được xem là ưu tiên hàng đầu. Hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận được xây dựng trên cơ sở các lò phản ứng thế hệ thứ 3 và 3+, có hệ số an toàn rất cao, bởi mỗi một thế hệ, mức độ an toàn sẽ tăng lên hàng trăm lần. Với Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2, mọi sự tính toán đến độ an toàn như động đất, sóng thần, mất điện đều được tính đến…

Ngày 25/11/2009, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 1/2009/QH12 phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận. Việt Nam đang từng bước hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về an toàn và an ninh hạt nhân; đồng thời tăng cường năng lực quản lý nhà nước trong hoạt động nghiên cứu, triển khai và hỗ trợ kỹ thuật trong lĩnh vực này. Hiện nay, các cơ quan chức năng đang tập trung xây dựng đề án “Hoàn thiện và tăng cường năng lực của hệ thống quản lý nhà nước về phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử và đảm bảo an toàn, an ninh” và đề án “Cơ chế chính sách thúc đẩy nghiên cứu phát triển, ứng dụng và bảo đảm an toàn, an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử”. Việt Nam chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, thể hiện ở Quyết định số 1558/QĐ-TTg ngày 18/8/2010 phê duyệt Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử” với tổng kinh phí thực hiện là 3.000 tỷ đồng; đồng thời tăng cường hợp tác đào tạo với các đối tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân như Nga, Nhật, Hungary. Việt Nam hiện đang hợp tác với IAEA (Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế) và một số tổ chức quốc tế khác như RCA (Hiệp định hợp tác vùng về nghiên cứu, phát triển và đào tạo trong lĩnh vực KH&CN hạt nhân), FNCA (Diễn đàn hợp tác hạt nhân Châu Á). Việt Nam đã ký 7 hiệp định hợp tác song phương sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình và tham gia các điều ước quốc tế liên quan đến năng lượng nguyên tử…

Lượt xem: 1023

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)