Thứ ba, 11/02/2025 20:59 GMT+7

Quyết tâm “cởi trói”, tháo gỡ các điểm nghẽn cản trở sự phát triển của KH,CN&ĐMST

Tại Hội nghị phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chiều 11/2, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, Bộ KH&CN đã xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách mới để tháo gỡ ngay các vướng mắc, khó khăn trong hoạt động KH,CN&ĐMST, trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường thứ 9 Quốc hội khóa XV tới đây.
Hoàn thiện thể chế, chính sách về KH,CN&ĐMST
Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá để phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và đặc biệt là quyết tâm đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, trong đó KH,CN&ĐMST phải có những giải pháp đột phá, tạo động lực phát triển quan trọng trong năm 2025 và tạo tiền đề, xung lực mới, khí thế mới cho Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tiếp theo.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Hội nghị.
Thực hiện Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và triển khai Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ, Bộ KH&CN đã khẩn trương phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu, xây dựng, hoàn thiện và triển khai các giải pháp mang tính đột phá để quyết tâm "cởi trói", tháo gỡ các điểm nghẽn cản trở sự phát triển của KH,CN&ĐMST, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.
Trong đó, Bộ KH&CN đã xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách mới để tháo gỡ ngay các vướng mắc, khó khăn trong hoạt động KH,CN&ĐMST, trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường thứ 9 Quốc hội khóa XV (ngày 12/02/2025), như tập trung đề xuất thí điểm một số chính sách về tài sản hình thành từ nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước; các chính sách phát triển thị trường KH&CN.
Bộ KH&CN đã đăng tải dự thảo Nghị quyết để lấy ý kiến rộng rãi, đã gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các hiệp hội, doanh nghiệp. Bộ Tư pháp đã tổ chức thẩm định hồ sơ đề nghị xây dựng và dự thảo Nghị quyết. Bộ cũng đang khẩn trương tiếp thu ý kiến, hoàn thiện dự thảo, bảo đảm tiến độ trình Quốc hội.
Đặc biệt, Bộ KH&CN tập trung xây dựng Luật KH,CN&ĐMST tạo để thể chế hóa các chủ trương, chính sách đột phá của Đảng về KH,CN&ĐMST theo quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết số 57-NQ/TW, trình Quốc hội thông qua trong năm 2025. Đồng thời, tập trung hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua trong năm 2025 đối với 3 dự án Luật gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Năng lượng nguyên tử sửa đổi.
Bên cạnh đó, Bộ KH&CN cũng đang xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định một số nội dung về ĐMST và khởi nghiệp sáng tạo để tạo cơ sở pháp lý hình thành và phát triển mạnh mẽ các Trung tâm ĐMST và Tổ chức hỗ trợ ĐMST và khởi nghiệp sáng tạo nhằm thúc đẩy hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và ĐMST trong các ngành, lĩnh vực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, trình Chính phủ ban hành ngay trong Quý I/2025.
Triển khai các giải pháp cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam 
Đối với việc triển khai các giải pháp cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu GII của Việt Nam, theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, những năm qua, kết quả Chỉ số GII của Việt Nam luôn có sự cải thiện tích cực, năm 2024, Việt Nam xếp thứ 44/133 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2023, tăng 32 bậc từ vị trí 76 lên 44 so với năm 2013. Việt Nam có 3 chỉ số đứng đầu thế giới là tỉ lệ Nhập khẩu công nghệ cao, Xuất khẩu công nghệ cao và lần đầu tiên chỉ số Xuất khẩu hàng hóa sáng tạo đạt vị trí dẫn đầu thế giới.
Toàn cảnh Hội nghị.
Tuy nhiên với tốc độ phát triển mạnh mẽ của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới như hiện nay, nếu chúng ta không đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hệ thống ĐMST thì việc duy trì, cải thiện chỉ số GII là rất khó khăn, chính vì vậy các bộ, ngành cần chung tay bám sát các chỉ tiêu thành phần được phân công, tập trung xây dựng các chính sách, kế hoạch hành động phù hợp để hoàn thiện hệ thống đổi mới sáng tạo của quốc gia, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh.
Ngoài ra, UBND các tỉnh, thành phố tích cực, chủ động phối hợp với Bộ KH&CN và các cơ quan liên quan đẩy mạnh triển khai Bộ chỉ số ĐMST cấp địa phương (PII); đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để cải thiện chỉ số PII hằng năm nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương dựa trên KH,CN&ĐMST. Nhiệm vụ này đã được Chính phủ giao tại Nghị quyết Phiên họp thường kỳ tháng 1 vừa qua, từ đó triển khai thực hiện hiệu quả các quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết số 57-NQ/TW trong thời gian tới.
Thí điểm các chính sách đặc thù đối với hoạt động KH,CN&ĐMST 
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng cho biết, Bộ KH&CN sẽ đẩy nhanh tiến độ thí điểm các chính sách đặc thù đối với hoạt động KH,CN&ĐMST tại các địa phương như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, đây là những địa phương đã có đầy đủ cơ chế, chính sách, có tiềm năng, lợi thế phát triển nội trội so với các địa phương khác, vì vậy đề nghị các địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai, thí điểm các chính sách đặc thù đã được phê duyệt.
Khi các cơ chế, chính sách đặc thù, tháo gỡ điểm nghẽn được thí điểm thành công tại các địa phương nêu trên sẽ là tiền đề để nhân rộng mô hình triển khai cho các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Theo Bộ KH&CN, một số chính sách mới đáng chú ý được đề cập đến trong dự thảo Nghị quyết Quốc hội về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động KH,CN&ĐMST, đó là: quy định về cơ chế tự chủ của tổ chức nghiên cứu KH&CN theo hướng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức, cán bộ, tài chính, chuyên môn; được sử dụng ngân sách nhà nước thuê chuyên gia, sử dụng tài sản hữu hình và trí tuệ để liên kết, hợp tác KH&CN với các tổ chức, doanh nghiệp. Đồng thời, quy định cho phép các tổ chức nghiên cứu, nhà khoa học thành lập và tham gia điều hành doanh nghiệp dựa trên kết quả nghiên cứu.
Quy định miễn thị thực và miễn giấy phép lao động đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam trong trường hợp thực hiện nhiệm vụ KH&CN trong lĩnh vực công nghệ cao, nhiệm vụ KH&CN đặc biệt mà các chuyên gia Việt Nam và các chuyên gia nước ngoài hiện đang ở Việt Nam không thực hiện được.
Liên quan đến đấu thầu, quy định các trường hợp khi mua sắm hàng hóa trong quá trình thực hiện nhiệm vụ KH&CN không phải áp dụng quy trình, thủ tục theo quy định của Luật Đấu thầu. Quy định cơ chế tổ chức chủ trì nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước có quyền quản lý, sử dụng, quyền sở hữu kết quả của nhiệm vụ để thương mại hóa trừ một số trường hợp đặc biệt.
Bổ sung loại hình thu nhập được miễn thuế bao gồm thu nhập từ việc thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước...
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển KH,CN, ĐMST, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực chất lượng cao là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu cho sự phát triển đất nước.
Thủ tướng đề nghị rà soát lại ở tất cả các cấp, các ngành, các viện, trường, doanh nghiệp về những nút thắt, vướng mắc về mặt thể chế, cơ chế, chính sách để tiếp tục hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung kịp thời, hiệu quả, nhất là từ thực tế hoạt động của các đơn vị; công việc này phải làm trong quý I và quý II năm 2025.
Cùng với đó, phải đẩy mạnh phát triển hạ tầng, trong đó có hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng giao thông, hạ tầng cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hạ tầng năng lượng, hạ tầng y tế, giáo dục, xã hội, thể thao, hạ tầng văn hoá, công nghiệp văn hoá, giải trí…
 

 

Nguồn: Trung tâm NC&PT truyền thông KH&CN

Lượt xem: 153

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)