Thông tin được đưa ra trong Quyết định số 149/QĐ-BKHCN ngày 24/01/2025 của Bộ trưởng Bộ KH&CN ban hành Kế hoạch của Bộ KH&CN thực hiện Nghị quyết số 03 năm 2025 của Chính phủ.
Theo đó, 14 chỉ tiêu được đặt ra gồm: Đến năm 2030, tiềm lực, trình độ KH,CN&ĐMST đạt mức tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng, thuộc nhóm dẫn đầu trong các nước có thu nhập trung bình cao; Trình độ, năng lực công nghệ, ĐMST của doanh nghiệp đạt mức trên trung bình của thế giới; một số lĩnh vực KH&CN đạt trình độ quốc tế; tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trên tổng giá trị hàng hoá đạt ≥ 50%; tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động ĐMST đạt ≥ 40%; KH,CN&ĐMST góp phần quan trọng xây dựng, phát triển giá trị văn hoá, xã hội, con người Việt Nam, duy trì chỉ số phát triển con người (HDI) đạt trên 0,7.
![](/Images/editor/images/AIST4%20rz(2).jpg)
Một trong những chỉ tiêu của Kế hoạch là đến năm 2030, kinh phí chi cho R&D đạt 2% GDP. Ảnh minh họa.
Cùng với đó, kinh phí chi cho nghiên cứu phát triển (R&D) đạt 2% GDP; tỷ trọng kinh phí từ xã hội trên kinh phí chi cho R&D đạt trên 60%; nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, ĐMST đạt 12 người/vạn dân; 40-50 tổ chức KH&CN được xếp hạng khu vực và thế giới; số lượng công bố khoa học quốc tế tăng trung bình 10%/năm; số lượng đơn đăng ký sáng chế, văn bằng bảo hộ sáng chế tăng trung bình 16-18%/năm; tỷ lệ đơn đăng ký sáng chế, văn bằng bảo hộ sáng chế khai thác thương mại đạt 8-10%. Đến năm 2045, Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) đứng vị trí ≤ 30.
Trong Kế hoạch, Bộ KH&CN đặt ra 7 nhóm nhiệm vụ cụ thể. Thứ nhất, nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội về phát triển KHCN,ĐMST&CĐS quốc gia. Trong đó, cụ thể hóa nhiệm vụ chuyển đổi số, phát triển KH,CN&ĐMST trong chương trình, kế hoạch công tác hằng năm của cơ quan, tổ chức, đơn vị; phấn đấu bố trí tỷ lệ phù hợp cán bộ có chuyên môn, kinh nghiệm về khoa học kỹ thuật trong đội ngũ lãnh đạo từng cơ quan, đơn vị thuộc Bộ; xây dựng nền tảng đào tạo trực tuyến mở đại trà cung cấp miễn phí các kiến thức về phát triển KH,CN&ĐMST, kiến thức, kỹ năng số, công nghệ số cơ bản cho người dân, doanh nghiệp; xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng chương trình chuyên biệt về KHCN,ĐMST&CĐS trên truyền hình, phát thanh và mạng xã hội.
Thứ hai, khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế; xoá bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển; đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển KHCN,ĐMST&CĐS. Cụ thể, sửa đổi Luật KH&CN (2013) và các luật có liên quan; hoàn thiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9; xây dựng, hoàn thiện Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; rà soát các quy định pháp luật để tháo gỡ kịp thời các điểm nghẽn phục vụ hoạt động phát triển KHCN,ĐMST&CĐS...
Thứ ba, tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho KHCN,ĐMST&CĐS quốc gia. Xây dựng Chương trình Quốc gia phát triển công nghệ và công nghiệp chiến lược bao gồm đề án Phát triển hệ thống các trung tâm nghiên cứu, thử nghiệm, các phòng thí nghiệm trọng điểm Quốc gia, tập trung cho công nghệ chiến lược; xây dựng Danh mục Công nghệ chiến lược; phát triển mạng lưới kết nối các trung tâm ĐMST, khởi nghiệp sáng tạo, tập trung vào các công nghệ chiến lược và chuyển đổi số; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư, xây dựng các phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu và phát triển KH&CN; tổ chức ứng dụng trí tuệ nhân tạo dựa trên dữ liệu lớn trong các ngành, lĩnh vực quan trọng; hoàn thành và đưa vào khai thác hiệu quả các cơ sở dữ liệu quốc gia; các cơ sở dữ liệu dùng chung theo danh mục đã ban hành của Bộ KH&CN để phát triển kinh tế - xã hội; phối hợp thực hiện việc bố trí ít nhất 15% ngân sách nhà nước chi sự nghiệp KH&CN phục vụ nghiên cứu công nghệ chiến lược...
Thứ tư, phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển KHCN,ĐMST&CĐS quốc gia. Xây dựng Đề án phát triển, trọng dụng nhân tài, nhân lực chất lượng cao, nhất là cán bộ chuyên gia đầu ngành phục vụ phát triển KHCN,ĐMST&CĐS quốc gia để triển khai Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, Đề án rà soát, điều chỉnh Quy hoạch các tổ chức KHCN công lập; xây dựng cơ chế để nhà khoa học trong các tổ chức KHCN công lập có thể thành lập, điều hành hoặc tham gia phát triển công nghệ tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước...
Thứ năm, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng KH,CN&ĐMST trong hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị; nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, hiệu lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, bảo đảm quốc phòng và an ninh. Cụ thể, xây dựng kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp tham gia phát triển các ứng dụng, dịch vụ số mới theo hình thức hợp tác công tư (PPP); xây dựng kế hoạch để mỗi người dân có danh tính số, phương tiện số, kỹ năng số và tài khoản số hình thành công dân số; hoàn thành việc triển khai các nhiệm vụ phục vụ chuyển đổi số. Phối hợp xây dựng Chương trình phát triển Chính phủ số; xây dựng Nghị quyết về đổi mới toàn diện việc giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công không phụ thuộc địa giới hành chính...
Thứ sáu, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động KHCN,ĐMST&CĐS trong doanh nghiệp. Xây dựng, triển khai các chương trình hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh, hợp tác xã chuyển đổi số; công bố danh mục các bài toán lớn về KHCN,ĐMST&CĐS để các doanh nghiệp công nghệ số tham gia giải quyết; xây dựng chương trình thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ trên môi trường số gồm đưa sản phẩm lên môi trường số; trang bị kỹ năng số cho người dân, cung cấp các tiện ích để người dân giao dịch trên môi trường số, tạo lập niềm tin số. Phối hợp triển khai một số khu công nghiệp công nghệ số/khu công nghiệp công nghệ thông tin tập trung; xây dựng, ban hành chương trình đẩy mạnh sản xuất thông minh, chuyển đổi số trong các lĩnh vực trọng điểm như nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, tài chính, giáo dục, y tế, giao thông, xây dựng, logistics, du lịch…
Cuối cùng, tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển KHCN,ĐMST&CĐS. Xây dựng Đề án Việt Nam chủ động tham gia vào các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế; xây dựng và đẩy mạnh quảng bá thương hiệu quốc gia về ĐMST; tích cực, chủ động tham gia định hình các khuôn khổ, quy tắc, quản trị về KHCN,ĐMST&CĐS trong các cơ chế hợp tác đa phương; nghiên cứu khả năng tham gia các cơ chế, sáng kiến hợp tác về KHCN,ĐMST&CĐS; thúc đẩy nghiên cứu, chia sẻ các mô hình, kinh nghiệm quốc tế về phát triển KHCN,ĐMST&CĐS...
Bộ KH&CN đã phân công cụ thể các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao chủ trì hoặc phối hợp của Bộ KH&CN tại Nghị quyết số 03/NQ-CP để các đơn vị thuộc Bộ chủ động phối hợp; tổ chức triển khai thực hiện thống nhất, đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết.