Chiều 10/02/2025, tại Phiên họp thứ 42, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe Tờ trình số 74/TTr-CP ngày 08/02/2025 của Chính phủ về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận và dự thảo Nghị quyết kèm theo, nhằm đạt được mục tiêu đưa dự án vào vận hành trong năm 2030. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH-CN-MT) của Quốc hội cũng đã có báo cáo thẩm tra sơ bộ về vấn đề này.
Toàn cảnh phiên họp (Nguồn: internet).
Trong tờ trình tại Phiên họp, Chính phủ đã đề xuất các cơ chế, chính sách đầu tư xây dựng hai dự án điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam. Trước mắt, để triển khai đồng thời, song song các giai đoạn trong công tác chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án, trên cơ sở ý kiến của các bộ, ngành liên quan, Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù:
Về đối tác thực hiện, cho phép triển khai đồng thời việc đàm phán với đối tác đã thực hiện để ký kết Hiệp định liên Chính phủ/thoả thuận về hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Hiệp định liên Chính phủ về khoản tín dụng xuất khẩu nhà nước để tài trợ xây dựng nhà máy điện hạt nhân trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc Hiệp định/thoả thuận với đối tác khác, song song với quá trình phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư và phê duyệt dự án đầu tư.
Về lựa chọn nhà thầu, cho phép Thủ tướng Chính phủ giao chủ đầu tư thực hiện dự án. Cho phép áp dụng hình thức hợp đồng chìa khóa trao tay và triển khai lựa chọn nhà thầu ngay sau khi Quốc hội chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư của Dự án.
Cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu/chỉ định thầu rút gọn đối với các gói thầu tư vấn quan trọng trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án: Chỉ định thầu/chỉ định thầu rút gọn đối với tư vấn trợ giúp chủ đầu tư đàm phán, ký kết, quản lý thực hiện hợp đồng chìa khoá trao tay; Chỉ định thầu/chỉ định thầu rút gọn đối với tư vấn thẩm tra dự án đầu tư (FS), hồ sơ phê duyệt địa điểm (SAD), thiết kế kỹ thuật (TKKT), thiết kế bản vẽ thi công (TKBVTC), các báo cáo chuyên ngành; Chỉ định thầu/chỉ định thầu rút gọn đối với tư vấn quản lý dự án và tư vấn giám sát thi công.
Cho phép đàm phán trực tiếp/chỉ định thầu rút gọn với đối tác để mua nhiên liệu hạt nhân cho nhà máy;
Cho phép đàm phán trực tiếp/chỉ định thầu rút gọn với đối tác đủ năng lực vận hành, bảo dưỡng nhà máy trong thời gian 5 năm kể từ ngày dự án nghiệm thu đưa vào sử dụng;
Chỉ định thầu/lựa chọn Nhà thầu trong trường hợp đặc biệt/chỉ định thầu rút gọn để thẩm định công nghệ, các báo cáo về môi trường, an toàn, an ninh, cũng như kiểm tra pháp quy hạt nhân trong các giai đoạn đầu tư xây dựng các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận trên cơ sở sử dụng hiệu quả các chuyên gia và tổ chức trong nước và quốc tế.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù về: Trình tự thực hiện; về áp dụng định mức, đơn giá; về thủ tục trình, duyệt của đại diện chủ sở hữu; về phương án tài chính và thu xếp vốn; về công tác lập đánh giá tác động môi trường; về cơ chế, chính sách đối với tỉnh Ninh Thuận; về cho phép miễn thủ tục phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng; về áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn.
Cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, Thường trực Ủy ban KH-CN-MT cho biết: Hồ sơ dự thảo nghị quyết cơ bản đáp ứng yêu cầu theo pháp luật về đầu tư để trình UBTVQH, Quốc hội xem xét, cho ý kiến để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Thường trực Ủy ban KH-CN-MT đề nghị Chính phủ cập nhật bổ sung hoàn thiện thêm các thông tin về việc chuẩn bị dự án để thấy rõ sự cần thiết của các chính sách đề xuất trong hồ sơ.
Về đối tác thực hiện, Thường trực Ủy ban KH-CN-MT nhận thấy, Việt Nam đã ký Hiệp định liên Chính phủ trong quá trình triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận giai đoạn trước đây. Do vậy, đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng trong việc lựa chọn các đối tác, công nghệ, bảo đảm phù hợp với các hiệp định đã ký kết, công ước và điều ước quốc tế có liên quan, bảo đảm lợi ích quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh, độc lập, chủ quyền của quốc gia.
Thường trực Ủy ban cho rằng, việc áp dụng chỉ định thầu gói thầu chìa khóa trao tay là hợp lý để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Theo đó, đề nghị cần có quy định rõ ràng về điều kiện áp dụng, tiêu chí lựa chọn nhà thầu, bổ sung cơ chế kiểm soát chặt chẽ các điều khoản hợp đồng, đặc biệt là các cam kết về công nghệ, bảo trì và chuyển giao công nghệ sau khi hoàn thành dự án…
Liên quan đến mục tiêu đưa dự án vào vận hành trong năm 2030, Thường trực Ủy ban KH-CN-MT đề nghị nghiên cứu kỹ lưỡng để bảo đảm mục tiêu hoàn thành dự án theo đề xuất của Chính phủ. Bên cạnh đó, Chính phủ và tỉnh Ninh Thuận cần cam kết trách nhiệm tổ chức thực hiện bảo đảm hiệu quả, tiến độ, chất lượng cho dự án.