Thứ sáu, 27/12/2024 12:20 GMT+7

10 sự kiện chính trị - xã hội 2024

Năm 2024 đã chứng kiến nhiều thay đổi quan trọng với việc kiện toàn ba vị trí lãnh đạo chủ chốt, phục hồi kinh tế mạnh mẽ, thu hút đầu tư công nghệ quốc tế...
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
Ngày 19/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 sau thời gian lâm bệnh, hưởng thọ 80 tuổi.
Trong 57 năm cống hiến, ông từng giữ nhiều vị trí chủ chốt với hơn 13 năm làm Tổng Bí thư (2011-2024) - là người duy nhất từ 1945 đến nay đảm nhận vị trí này ba nhiệm kỳ liên tiếp. Ông có ba năm kiêm nhiệm chức Chủ tịch nước (2018-2021) và 5 năm làm Chủ tịch Quốc hội (2006-2011).
Trên cương vị Tổng Bí thư, ông đặt trọng tâm vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phát triển lý luận về chủ nghĩa xã hội, ra 35 đầu sách về chủ đề này.
 
Dòng người xếp hàng viếng Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng ở làng Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội, trưa 25/7. Ảnh: Nguyễn Đông
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được xem là người khởi xướng và dẫn dắt chiến dịch chống tham nhũng mạnh mẽ nhất trong lịch sử Việt Nam. Ông từng nhấn mạnh "phải giữ lò nóng để giữ lòng dân", "phòng chống tham nhũng không ngừng nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ". Năm 2013, ông thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, và giữ vai trò trưởng ban. Sau 9 năm, mô hình này được triển khai đến cấp tỉnh, tạo nên mạng lưới phòng, chống tham nhũng rộng khắp cả nước.
Hàng loạt đại án lớn liên quan cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Nguyễn Thanh Long; các ông Trịnh Xuân Thanh, Hà Văn Thắm; vụ Việt Á; chuyến bay giải cứu... đã bị phanh phui. Nhiều nhân vật cấp cao như Đinh La Thăng, Phạm Xuân Thăng, Nguyễn Đức Chung lần lượt bị xử lý, đánh dấu lần đầu tiên các quan chức ở tầm Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương, Bí thư Tỉnh, Thành ủy bị khởi tố. Công cuộc "đốt lò" đã giúp thu hồi hàng nghìn tỷ đồng thất thoát, góp phần làm trong sạch bộ máy.
Với sự kiên định trong chính sách "ngoại giao cây tre" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với các cường quốc, bao gồm Trung Quốc, Nga, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Liên minh châu Âu, mở ra những cơ hội hợp tác chưa từng có.
Kiện toàn ba vị trí lãnh đạo chủ chốt
Năm 2024 là dấu mốc quan trọng khi đất nước kiện toàn ba vị trí lãnh đạo chủ chốt Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội, trong bối cảnh nhiệm kỳ 2021-2026 đi được 2/3 chặng đường.
Từ trái qua: Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch nước Lương Cường. Ảnh: Hoàng Phong
Ngày 3/8, Hội nghị Trung ương Đảng khóa 13 đã bầu Ủy viên Bộ Chính trị, đại tướng Tô Lâm làm Tổng Bí thư, kế nhiệm ông Nguyễn Phú Trọng. Trước khi đảm nhận cương vị đứng đầu Đảng, ông Tô Lâm giữ trọng trách Chủ tịch nước. Ông trải qua gần 50 năm gắn bó với ngành công an, trong đó 8 năm làm Bộ trưởng.
Trong phát biểu nhậm chức, Tổng Bí thư Tô Lâm cam kết kiên định với mục tiêu phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, quyết liệt thúc đẩy công cuộc chống tham nhũng, xây dựng hệ thống quản trị minh bạch, liêm chính và hiệu quả. Ông đặc biệt nhấn mạnh việc cải cách thể chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và củng cố đoàn kết trong Đảng.
Tổng Bí thư cho biết sẽ tập trung phát triển kinh tế bền vững, tạo ra một môi trường đầu tư thuận lợi, khuyến khích đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ. Ông xác định mục tiêu xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ nhưng vẫn hội nhập sâu rộng, nâng cao năng lực cạnh tranh và bảo vệ môi trường.
Hơn hai tháng sau, ngày 21/10, Quốc hội bầu đại tướng Lương Cường làm Chủ tịch nước, kế nhiệm ông Tô Lâm lúc đó đang gánh vác đồng thời hai trọng trách Chủ tịch nước và Tổng Bí thư.
Ông Lương Cường với gần 50 năm công tác trong quân đội, từng giữ các vị trí quan trọng như Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam và Thường trực Ban Bí thư. Trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị mới, Chủ tịch nước Lương Cường cam kết tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế, xây dựng quan hệ đối ngoại đa phương và song phương, tập trung phát triển kinh tế, cải cách hành chính và nâng cao hiệu quả công tác quản lý.
Trước đó vào tháng 5, ông Trần Thanh Mẫn được bầu làm Chủ tịch Quốc hội, thay ông Vương Đình Huệ xin thôi nhiệm vụ. Ông Mẫn đã ba năm giữ chức Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội, từng làm Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bí thư Thành ủy Cần Thơ. Ông cam kết xây dựng chính sách dựa trên tinh thần lắng nghe và thấu hiểu nguyện vọng của nhân dân, đẩy mạnh cải cách công tác lập pháp.
Cuộc "cách mạng" tinh gọn bộ máy ở Việt Nam
Cuối tháng 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 khởi động cuộc "cách mạng" sắp xếp bộ máy trong hệ thống chính trị, tiếp nối Nghị quyết số 18 của Trung ương năm 2017.
Hội nghị Trung ương khóa 13 diễn ra cuối tháng 11/2024, thống nhất thực hiện cuộc "cách mạng" sắp xếp tinh gọn bộ máy. Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh mục tiêu của lần sắp xếp này không chỉ là giảm biên chế mà còn tái cấu trúc toàn bộ hệ thống nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng cán bộ, hướng tới bộ máy hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy sẽ thực hiện trên các nguyên tắc cơ bản như: hợp nhất các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ tương đồng; kết thúc hoạt động của các đơn vị trung gian không cần thiết, chuyển giao chức năng về các cơ quan phù hợp. Khoảng 100.000 cán bộ, công chức, viên chức sẽ bị ảnh hưởng.
Sau khi sắp xếp, sáp nhập, khối các cơ quan Đảng trực thuộc Trung ương sẽ giảm ít nhất 4 đơn vị, 25 ban cán sự đảng, 16 đảng đoàn trực thuộc Trung ương. Tổ chức bộ máy của Chính phủ sẽ được tinh gọn từ 30 xuống còn 21 đầu mối, gồm 13 bộ, 4 cơ quan ngang bộ và 4 cơ quan thuộc Chính phủ (giảm 9 đầu mối gồm 5 bộ và 4 cơ quan). Số đầu mối cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giảm gần 36%; các vụ, đơn vị của Văn phòng Quốc hội giảm trên 40%.
Chính phủ, các cơ quan Đảng, Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc được yêu cầu hoàn thiện phương án sắp xếp trước quý I/2025.
Đây không phải lần đầu tiên bộ máy của cả hệ thống chính trị sắp xếp lại, nhưng lần này được thực hiện với tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng", "trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở".
Cuộc cải cách diễn ra trong bối cảnh hệ thống hành chính đang đối mặt với thách thức lớn về ngân sách và hiệu quả quản lý. Với khoảng 2,5 triệu cán bộ, công chức, viên chức, hơn 3,5 triệu người hưởng lương hưu và trợ cấp, 70% ngân sách đang được chi cho hoạt động thường xuyên, chỉ còn 30% dành cho đầu tư phát triển.
Tổng Bí thư Tô Lâm nhận định việc tinh gọn bộ máy là vấn đề khó khăn, liên quan đến tâm tư và lợi ích cá nhân, nhưng cần thiết để "cơ thể khỏe mạnh". Việc này giống như phải "uống thuốc đắng", "chịu đau để phẫu thuật khối u".
Quá trình sắp xếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu giữ lại các cán bộ tinh hoa, ngăn chặn tình trạng "chạy chọt" để đảm bảo sự trong sạch và hiệu quả của bộ máy.
Kinh tế Việt Nam lấy lại đà tăng trưởng
Trước chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5% năm nay, nhiều mô hình dự báo đây là con số thách thức với Việt Nam khi kinh tế thế giới vẫn khó khăn, còn trong nước phải đối diện nhiều rủi ro khó đoán định.
Tuy nhiên, năm 2024 kinh tế Việt Nam đã khôi phục đà tăng trưởng mạnh mẽ. Các chỉ số cho thấy GPD liên tục tăng, đạt 5,66% trong quý I - cao nhất so với cùng kỳ 4 năm gần đây và tăng 7,4% trong quý III dù bị ảnh hưởng bởi bão Yagi.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự kiến tăng trưởng GDP cả năm vượt 7%. Việt Nam đã lấy lại được đà phát triển như trước đại dịch, cho thấy khả năng thích ứng linh hoạt của nền kinh tế. 15/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội đều đạt hoặc vượt kế hoạch đề ra. Kết quả này nhờ vào sức bật trong quý IV từ các đầu tàu kinh tế như TP HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai...
Xuất khẩu dự kiến đạt 384,4 tỷ USD, tăng 14,4%. Trong đó nông nghiệp tiếp tục giữ vững vai trò trụ cột với kim ngạch xuất khẩu lập kỷ lục - vượt 60 tỷ USD, gấp đôi so với 10 năm trước. Đây được xem là bước tiến lớn, khẳng định vị thế quan trọng của nông nghiệp trong nền kinh tế.
Đầu tư nước ngoài (FDI) cũng tăng mạnh với 31,4 tỷ USD vốn đăng ký, cho thấy kỳ vọng của các nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh Việt Nam.
Tuy vậy, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt trong lĩnh vực giải ngân đầu tư công chậm và vướng mắc thủ tục hành chính. Điều này không chỉ khiến nhiều dự án quan trọng bị đình trệ mà còn lãng phí nguồn lực phát triển. Cùng với bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng khốc liệt, Việt Nam phải giải quyết nhiều vấn đề cấp bách để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% vào năm tới và duy trì mức tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030.
Yagi - bão mạnh nhất trong 70 năm
Yagi, cơn bão mạnh nhất đổ bộ Việt Nam trong 70 năm, đã gây thảm họa chưa từng có cho miền Bắc, đòi hỏi nỗ lực lâu dài trong quá trình tái thiết.
Vào Biển Đông ngày 3/9/2024, bão Yagi mạnh lên nhanh chóng, trung bình cứ ba giờ tăng một cấp và trở thành siêu bão cấp 16 chỉ sau 48 giờ. Đến ngày 7/9, khi đổ bộ Quảng Ninh và Hải Phòng, bão duy trì sức gió cấp 12-14, giật cấp 17, phá vỡ mọi kỷ lục về cường độ bão từng ghi nhận. Nhà cửa, đường sá, bến bãi, kho tàng ở Quảng Ninh, Hải Phòng bị phá hủy hàng loạt. Những cánh rừng đang xanh tốt bị phạt trọc lốc.
Yagi với nguồn ẩm khổng lồ đã gây mưa lớn khắp miền Bắc, lượng mưa trong 3 ngày (7-9/9) phổ biến 250-450 mm, có nơi vượt 550 mm. Lũ trên hệ thống sông Hồng, sông Thao, sông Lô và nhiều nhánh sông lớn vượt báo động 3 - mức cao nhất trong thang báo lũ, từ 3 đến 4 m.
Hàng loạt khu dân cư ven sông, vùng trũng thấp ở Hà Nội, Bắc Giang, Thái Nguyên... bị nhấn chìm. Hà Nội trải qua đợt ngập lụt nghiêm trọng nhất trong hai thập kỷ với hơn 27.000 ngôi nhà bị ngập. Các cầu trên sông Hồng, Đuống phải dừng hoạt động do lũ uy hiếp.
Mưa lớn kích hoạt sạt lở đất ở Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Hòa Bình. Tại Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, hơn 1,6 triệu m3 đất đá đổ xuống khu dân cư, phá hủy toàn bộ 33 hộ dân và làm 60 người thiệt mạng, 7 người mất tích.
Mưa lũ đã kéo sập hai nhịp cầu Phong Châu bắc qua sông Hồng tại Phú Thọ khiến 8 người mất tích (đã tìm thấy thi thể 4 nạn nhân); tuyến giao thông huyết mạch nối liền nhiều tỉnh thành bị gián đoạn.
Bão Yagi làm 345 người chết và mất tích, tổng thiệt hại kinh tế hơn 83.700 tỷ đồng, tương đương thu ngân sách nhà nước của toàn vùng trung du và miền núi phía Bắc năm 2024 (89.200 tỷ đồng) và bằng 0,62% GDP năm 2023, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế quốc gia và sinh kế của hàng triệu người.
Nhìn lại hình ảnh tàn phá của bão Yagi. Video: Nhóm phóng viên
Sau bão, Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch tái thiết với tổng chi phí 54.000 tỷ đồng trong 5 năm, bao gồm xây dựng lại nhà ở, cơ sở hạ tầng, tái thiết các khu vực bị sạt lở và xây cầu Phong Châu mới. Ngành nông nghiệp chịu thiệt hại lớn được hỗ trợ để phục hồi sản xuất, trong khi các doanh nghiệp cũng nhận được gói tài trợ để tái khởi động kinh doanh.
Tinh thần đoàn kết và sự chung tay của cộng đồng quốc tế đóng vai trò quan trọng trong quá trình tái thiết. Đến ngày 18/11, tổng kinh phí các cơ quan, địa phương, tổ chức, cá nhân ủng hộ người dân khắc phục bão Yagi qua Ban Vận động cứu trợ Trung ương đạt trên 2.185 tỷ đồng, đã được phân bổ đến các địa phương.
Tái khởi động hai siêu dự án
Với việc tái khởi động hai siêu dự án lớn, 2024 là năm có bước ngoặt quan trọng đối với hạ tầng và năng lượng của Việt Nam.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, với tổng vốn đầu tư 1,7 triệu tỷ đồng (67 tỷ USD), đã được Quốc hội phê duyệt sau 17 năm gián đoạn.
Dự án này sẽ kết nối 20 tỉnh thành, kéo dài hơn 1.500 km từ Hà Nội đến TP HCM, với tốc độ thiết kế 350 km/h, dự kiến hoàn thành vào năm 2035. Không chỉ giúp nâng cao khả năng vận chuyển hành khách và hàng hóa, đường sắt cao tốc còn góp phần giảm tải cho hệ thống giao thông đường bộ và hàng không, thúc đẩy phát triển kinh tế, liên kết vùng.
Dự án từng gặp khó khăn về nguồn lực tài chính và sự đồng thuận chính trị, nhưng nay với nền kinh tế đạt hơn 430 tỷ USD và dự kiến tăng trưởng mạnh lên 564 tỷ USD vào năm 2027, việc triển khai khả thi hơn nhiều so với năm 2010.
Cùng thời điểm, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận cũng được Quốc hội cho phép tái khởi động, sau khi bị dừng vào năm 2016. Trong bối cảnh nhu cầu điện dự báo tăng trưởng 10-13% hàng năm, để đáp ứng mục tiêu GDP 6,5-7%, việc phát triển điện hạt nhân được coi là giải pháp chiến lược để bảo đảm an ninh năng lượng và đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Việt Nam hiện đối mặt với nhiều thách thức về nguồn cung năng lượng bền vững, và điện hạt nhân được đánh giá là nguồn điện nền ổn định, góp phần quan trọng vào chuyển đổi năng lượng sạch.
Hai nhà máy điện hạt nhân mới sẽ được xây dựng tại Ninh Thuận, với yêu cầu khắt khe về an toàn và công nghệ hiện đại, do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện.
Ở lần tái khởi động này, theo một số chuyên gia, Việt Nam vẫn cần giải quyết những bài toán quan trọng như: chọn công nghệ nào để tối ưu và hiệu quả chi phí, hay đảm bảo an toàn, xử lý chất thải...
Hai vị trí được quy hoạch làm Nhà máy điện hạt nhân 1 và 2 ở Ninh Thuận. Đồ họa: Tiến Thành.
Việt Nam nâng cấp quan hệ chiến lược với nhiều nước
Hoạt động đối ngoại của Việt Nam năm 2024 đánh dấu bước tiến quan trọng với việc thiết lập nhiều Đối tác Chiến lược Toàn diện và nâng cấp quan hệ với các quốc gia.
Việt Nam đã nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Australia vào tháng 3, Pháp vào tháng 10 và Malaysia vào tháng 11, đánh dấu bước tiến quan trọng trong hợp tác đa lĩnh vực từ thương mại, đầu tư đến an ninh quốc phòng.
Việt Nam cũng nâng tầm quan hệ với Mông Cổ và Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) lên Đối tác Toàn diện, và thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược với Brazil, quốc gia lớn nhất Nam Mỹ, mở ra cơ hội hợp tác trong nông nghiệp, năng lượng và giáo dục.
Các chuyến công du cấp cao của lãnh đạo Việt Nam, bao gồm Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường và Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng thể hiện sự chủ động và tích cực trong quan hệ đối ngoại. Tổng Bí thư Tô Lâm có loạt chuyến thăm quan trọng tới Trung Quốc, Mỹ, Cuba và các nước châu Âu, thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn về thương mại, cơ sở hạ tầng, và chính trị.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai ở trụ sở Liên Hợp Quốc tại New York, ngày 24/9. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch nước Lương Cường công du Nam Mỹ và tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC, tập trung vào kinh tế số và năng lượng. Các chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính góp phần tăng cường quan hệ giữa Việt Nam với Hàn Quốc, Arab Saudi, UAE và Qatar, thúc đẩy đầu tư và chuyển đổi xanh.
Việt Nam đồng thời đẩy mạnh hợp tác nghị viện trong quan hệ song phương với các nước, với điểm nhấn là những chuyến thăm chính thức và làm việc của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại Nga, Lào, Singapore và Nhật Bản.
Việt Nam tăng hạng Chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu (GII)
Việt Nam có bước tiến nổi bật trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo khi xếp hạng 44/133 trên bảng xếp hạng Chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu (GII) của WIPO, tăng hai bậc so với năm 2023. Đặc biệt, Việt Nam dẫn đầu thế giới ở ba chỉ số: nhập khẩu công nghệ cao, xuất khẩu công nghệ cao và xuất khẩu hàng hóa sáng tạo. Thành tích này tiếp tục khẳng định hiệu quả chiến lược phát triển khoa học công nghệ của Việt Nam, cùng với hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo đang phát triển mạnh mẽ.
Trong hơn một thập kỷ qua, Việt Nam liên tục được WIPO ghi nhận là một trong 8 quốc gia thu nhập trung bình có tiến bộ nhanh nhất về đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, Việt Nam nằm trong nhóm ba quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển suốt 14 năm liền, cùng với Ấn Độ và Moldova.
Để lan tỏa tinh thần sáng tạo và đẩy mạnh phát triển bền vững phù hợp với hiện trạng mô hình phát triển kinh tế, Chính phủ đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) thường niên, công cụ đo lường năng lực sáng tạo của từng tỉnh thành.
Thứ trưởng Hoàng Minh, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt và Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang (từ trái qua) nhấn nút công bố kết quả PII năm 2023, ngày 12/3. Ảnh: Tùng Đinh
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định tại Techfest Việt Nam 2024 rằng đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ là "quốc sách hàng đầu" giúp Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, đồng thời nhấn mạnh sự hợp tác giữa các bộ, ngành và địa phương để hiện thực hóa tiềm năng quốc gia trong các lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng bền vững và chuyển đổi số.
Luật Đất đai sửa đổi và Luật liên quan bất động sản có hiệu lực sớm
Luật Đất đai sửa đổi và các luật liên quan như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản có hiệu lực từ 1/8/2024, sớm hơn kế hoạch 5 tháng với mục tiêu trọng tâm là tháo gỡ nút thắt pháp lý đã và đang kìm hãm sự phát triển của thị trường địa ốc.
Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua luật Đất đai sửa đổi, hôm 18/1. Ảnh: Hoàng Phong
Điểm nhấn là việc bỏ khung giá đất 5 năm, thay bằng bảng giá đất hàng năm sát với thị trường. Bước đi đột phá này nhằm giảm thiểu tình trạng bất công trong đền bù giải phóng mặt bằng và đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân khi đất bị thu hồi. Ngoài ra, quyền sử dụng đất của công dân Việt Nam định cư nước ngoài được mở rộng, giúp thu hút kiều hối và thúc đẩy đầu tư từ người Việt ở nước ngoài.
Luật Kinh doanh Bất động sản cũng có thay đổi quan trọng khi bắt buộc thanh toán qua ngân hàng nhằm triệt tiêu giao dịch hai giá, tăng tính minh bạch.
Đối với người lao động, đặc biệt là những người có thu nhập trung bình và thấp, Luật Nhà ở mới mở ra cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội nhờ bãi bỏ hộ khẩu và nâng tiêu chí thu nhập.
Bên cạnh đó, các luật an sinh xã hội như Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế và Luật Dược đã được sửa đổi nhằm tăng cường lưới an sinh và bảo vệ quyền lợi người dân. Từ 2025, thời gian đóng bảo hiểm xã hội giảm từ 20 xuống 15 năm, mở rộng diện tham gia và bổ sung trợ cấp hưu trí. Luật Bảo hiểm y tế xóa bỏ rào cản địa giới, cho phép người mắc bệnh hiểm nghèo được điều trị toàn quốc. Luật Dược điều chỉnh quy trình cung ứng thuốc, đảm bảo quyền lợi và sức khỏe người dân.
Việt Nam thành điểm đến đầu tư công nghệ
Năm 2024 ghi dấu ấn lớn của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư công nghệ cao, chuyển mình từ một quốc gia gia công sang trung tâm thiết kế, nghiên cứu và phát triển (R&D) của các tập đoàn lớn như Apple, Nvidia và Samsung.
Apple thông qua đối tác đã đầu tư hơn 16 tỷ USD từ năm 2019, tạo 200.000 việc làm, nay cam kết mở rộng hợp tác, tăng cường mua linh kiện từ Việt Nam, hỗ trợ đổi mới sáng tạo. Nvidia khởi động nhà máy AI đầu tiên, góp phần đưa Việt Nam lên bản đồ công nghệ trí tuệ nhân tạo thế giới. Samsung mở rộng trung tâm R&D tại Hà Nội với kỳ vọng thành "trái tim công nghệ" Đông Nam Á, đưa Việt Nam tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành trung tâm công nghệ toàn cầu.
Tối 5/12, sau khi dự lễ ký kết hợp tác thành lập hai trung tâm về AI tại Việt Nam, CEO Nvidia Jensen cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính đã uống bia, ăn nem chua rán khi đi dạo phố Tạ Hiện. Ảnh: Giang Huy
Sự hiện diện của những tập đoàn này không chỉ tạo ra hàng nghìn cơ hội việc làm chất lượng cao mà còn mở ra triển vọng trong nhiều lĩnh vực quan trọng như trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số và công nghệ cao.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam hiện có 174 dự án FDI trong lĩnh vực bán dẫn với tổng vốn đăng ký gần 11,6 tỷ USD. Nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu đang có kế hoạch dịch chuyển chuỗi cung ứng sang Việt Nam, đưa Việt Nam tiến gần hơn tới mục tiêu tự chủ công nghệ và phát triển các nhà máy chế tạo chip với doanh thu kỳ vọng đạt 100 tỷ USD vào năm 2050.

Nguồn: VnExpress

Lượt xem: 4613

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)