Quy Nhơn, thành phố chính của tỉnh, nằm xa hai đầu tàu kinh tế là Hà Nội và TP HCM, không có nền tảng về công nghệ cao và chưa từng là điểm đến của các doanh nghiệp kỹ thuật số.
Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ giữa Giáo sư Trần Thanh Vân, một nhà vật lý người Pháp gốc Việt và Chủ tịch Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam, với nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Vũ Hoàng Hà góp phần làm thay đổi vùng đất này.
Giáo sư Vân chia sẻ rằng ông không có ý định thành lập Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục Liên ngành (ICISE) tại Bình Định nếu không bị thuyết phục bởi lòng nhiệt tình và sự cởi mở chân thành của lãnh đạo tỉnh.
Ông kể lại lời của nguyên Bí thư Vũ Hoàng Hà: "Những điều thầy làm, đất nước Việt Nam này và cả chúng tôi nữa, có tiền cũng không làm được; chúng tôi sẽ ủng hộ hết mình để thầy làm được điều có ích cho Việt Nam, cho người dân Bình Định".
Nhờ đó, hàng triệu USD đã nhanh chóng được đầu tư vào thung lũng Quy Hòa, minh chứng cho quyết tâm xây dựng một đô thị khoa học từ những ngày đầu đầy thử thách.
Đô thị khoa học từ "hạt nhân" ICISE
Thung lũng Quy Hòa, nơi từng gắn với những số phận bị hắt hủi của làng phong, nơi thi sĩ Hàn Mặc Tử mộng "bán trăng" vì những cơn đau hành hạ gần một thế kỷ trước nay đã thay da đổi thịt.
Trung tâm ICISE. Ảnh: ICISE
Chính thức khởi công vào cuối năm 2011 và khánh thành ngày 12 tháng 8 năm 2013, ICISE đặt ra mục tiêu tổ chức từ 10 đến 12 hội nghị khoa học quốc tế chất lượng cao mỗi năm, tập trung vào các lĩnh vực khoa học cơ bản và ứng dụng, đặc biệt trong vật lý, và sau đó mở rộng sang các lĩnh vực khác như sinh học, y học, khoa học xã hội và nhân văn.
Trong năm 2024, hơn 10 hội thảo, hội nghị quốc tế như Pascos - Hạt; Dây và Vũ trụ học, Trường hè SAGI 2024 về các Kỹ thuật Thiên văn; Hội nghị Quốc tế Truy tìm hạt Axion... đã được tổ chức tại trung tâm ICISE.
Từ khi vận hành đến nay, trung tâm đã phối hợp với Hội Gặp gỡ Việt Nam và UBND tỉnh Bình Định tổ chức gần 200 sự kiện khoa học quốc tế chất lượng cao và hơn 45 trường học khoa học chuyên đề, thu hút hơn 12.000 nhà khoa học từ 40 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đặc biệt, trung tâm đã mời được 18 giáo sư đoạt giải Nobel, hai giáo sư đoạt giải Fields, hai giáo sư đoạt giải Kavli, một giáo sư đoạt giải Shaw, ba giáo sư đoạt giải Dirac và nhiều nhà khoa học danh tiếng khác đến tham dự và chia sẻ kiến thức.
Đáng chú ý, trung tâm vào top 10 cơ sở nghiên cứu của Việt Nam, đứng thứ 5 trong bảng xếp hạng của Current Index, một nhánh của Nature Index, trong giai đoạn từ 1/6/2018 đến 31/5/2019.
Giáo sư Trần Thanh Vân (giữa) nói chuyện với các bạn trẻ tại một sự kiện khoa học. Ảnh: ICISE
Nhưng ICISE không chỉ là nơi để "bàn chuyện thế giới", nhờ ICISE, Bình Định được giới nghiên cứu khoa học cũng như các doanh nghiệp công nghệ để mắt đến.
Từ hạt nhân này, tỉnh bắt đầu đề cập đến ý tưởng phát triển Đô thị Khoa học từ năm 2017, khi hợp tác với kiến trúc sư người Pháp Jean François Milou để thiết kế đô thị ở thung lũng Quy Hòa, với diện tích hơn 200 ha.
Nhiều ông lớn công nghệ, trong đó có TMA Solutions, FPT đã chi hàng triệu USD để phát triển hạ tầng tại đây. Cùng với đó, những công trình biểu tượng về khoa học được xây dựng biến Bình Định thành điểm sáng về khoa học công nghệ như: Đại lộ khoa học đầu tiên của cả nước; Nhà vũ trụ - Đài thiên văn, Trung tâm khám phá khoa học...
Đến năm 2020, Bình Định đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển Khu đô thị khoa học Quy Hòa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Đề án này đặt mục tiêu biến Quy Hòa thành khu đô thị đa chức năng với các khu vực nghiên cứu khoa học, sáng tạo, đô thị dịch vụ và không gian sinh thái.
Tháng 9/2021, Bình Định lập Khu Công viên phần mềm Quang Trung - Bình Định, với diện tích khoảng 54 ha ở phường Ghềnh Ráng, thuộc Đô thị khoa học.
Bốn năm qua, hình hài của một đô thị khoa học thêm rõ nét khi nguồn vốn đổ về ngày một lớn hơn.
Đón đầu trí tuệ nhân tạo
Ông Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TMA, chia sẻ rằng ông và vợ đều là người con của Bình Định và luôn tin tưởng vào sự thông minh, chịu khó của con người miền Trung. Sự ủng hộ từ chính quyền và các trường đại học trong khu vực cũng là yếu tố quan trọng thúc đẩy ông.
Công ty phần mềm Tường Minh (TMA Solutions) đã đầu tư vào Bình Định từ năm 2018, khi khởi công xây dựng Công viên Sáng tạo TMA (TMA Innovation Park - TIP) tại thung lũng Quy Hòa, thành phố Quy Nhơn. Dự án này có tổng vốn đầu tư khoảng 8 triệu USD, trên diện tích 15,7 ha, với mục tiêu tạo ra một công viên phần mềm hiện đại, bao gồm các trung tâm như Trung tâm sản xuất và xuất khẩu phần mềm, Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng, Trung tâm khoa học dữ liệu, Trung tâm trí tuệ nhân tạo và Trung tâm ứng dụng Internet vạn vật.
Dự án này không chỉ tạo ra môi trường làm việc hiện đại cho các kỹ sư phần mềm mà còn góp phần thúc đẩy phát triển công nghệ cao tại Bình Định.
Cùng thời điểm, FPT Software cũng đầu tư vào Quy Nhơn với việc thành lập chi nhánh đầu tiên. Văn phòng khai trương vào tháng 7/2018 tại phường Ngô Mây với khoảng 50 nhân viên. Đến nay FPT Software ở Quy Nhơn đã có khoảng 800 thành viên.
Lãnh đạo tỉnh Bình Định, lãnh đạo tập đoàn FPT và quan khách nhấn nút khởi công dự án, tháng 8/2024. Ảnh: FPT
Năm 2021, Tập đoàn FPT ký thỏa thuận lập quy hoạch tỉnh Bình Định giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, và hợp tác thúc đẩy chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025. Những bước đi này khẳng định mục tiêu đưa Bình Định trở thành trung tâm trí tuệ nhân tạo (AI) hàng đầu khu vực.
FPT đã triển khai nhiều dự án trọng điểm tại đây, trong đó nổi bật là: Trung tâm Trí tuệ Nhân tạo và Đô thị Phụ trợ khởi công tháng 8/2024 với tổng vốn đầu tư 4.362 tỷ đồng trên diện tích hơn 93 ha. Phân hiệu Đại học FPT tại Bình Định thành lập năm 2021 với định hướng đào tạo chuyên sâu về AI, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực.
Chủ tịch HĐQT FPT, ông Trương Gia Bình, nhấn mạnh niềm tin rằng Bình Định sẽ sớm trở thành trung tâm AI, bán dẫn và an ninh mạng hàng đầu khu vực và thế giới. Ông cũng chia sẻ rằng Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng AI tại Bình Định đang thực hiện các dự án giá trị hàng triệu USD cho khách hàng tại Mỹ, Nhật Bản và châu Âu.
Để hiện thực hóa mục tiêu, FPT cam kết đồng hành với tỉnh trong việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực AI và thu hút chuyên gia hàng đầu. Quyết định đầu tư của FPT cũng phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tận dụng lợi thế về vị trí địa lý, nguồn nhân lực dồi dào và chính sách thu hút đầu tư cởi mở của Bình Định.
Ngoài hai ông lớn nêu trên, Bình Định còn có khoảng 186 doanh nghiệp khác trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mang về doanh thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Phối cảnh trung tâm trí tuệ nhân tạo của FPT ở Quy Nhơn. Ảnh: FPT
Đào tạo, thu hút nguồn nhân lực
Chính sách nhất quán cho phát triển khoa học của Bình Định còn thể hiện qua việc chú trọng đến đào tạo nhân lực cho khoa học công nghệ. Các trường đại học, cao đẳng tại Bình Định, đặc biệt là Đại học Quy Nhơn, đã triển khai các chương trình đào tạo chuyên sâu, đồng thời tăng cường liên kết với doanh nghiệp để tạo cơ hội thực tập và việc làm cho sinh viên.
Đại học Quy Nhơn là một trong những đơn vị tiên phong trong đào tạo công nghệ thông tin và khoa học dữ liệu. Nhà trường cung cấp các chương trình đào tạo cử nhân và thạc sĩ về Công nghệ Thông tin, Kỹ thuật Phần mềm và Khoa học Máy tính, nhằm trang bị cho sinh viên các kỹ năng và kiến thức cần thiết trong các lĩnh vực công nghệ cao; phối hợp với FPT, TMA...để thiết kế chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp.
Giáo dục STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) còn ở các cấp học nhỏ hơn. STEM và STEM Robotics được đưa vào các trường tiểu học và trung học phổ thông, giúp học sinh tiếp cận công nghệ và phát triển kỹ năng lập trình, thiết kế và chế tạo robot.
Một minh chứng là thành công của đội tuyển ExploraScience QN1 ( thuộc Trung tâm Khám phá Khoa học và Đổi mới Sáng tạo Bình Định) trong các cuộc thi quốc gia và quốc tế. Tại vòng chung kết miền Trung và miền Nam diễn ra vào tháng 8, đội đã xuất sắc giành giải khuyến khích bảng B0 và đứng thứ 7/68 đội tham gia. Đặc biệt, đội ExploraScience QN1 đã giành vé tham dự cuộc thi robot quốc tế GRG 2024 tại Singapore, ghi dấu một bước tiến quan trọng trong giáo dục STEM robotics của tỉnh.
Các hoạt động ngoại khóa, ngày hội STEM, ngày hội STEM Robotics và các cuộc thi sáng tạo do Trung tâm Khám phá Khoa học và Đổi mới Sáng tạo tổ chức đã giúp học sinh tiếp cận công nghệ một cách trực quan và thực hành, đồng thời khơi gợi đam mê khoa học.
Công nghệ bao phủ đời sống xã hội
Với nền tảng khoa học công nghệ sẵn có, Bình Định đang chứng tỏ mình là một trong những địa phương tiên phong trong việc ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào thực tiễn đời sống, đặc biệt là trong các lĩnh vực chính quyền điện tử, nông nghiệp thông minh và các chỉ số đổi mới sáng tạo.
Máy T-Pest khám bệnh cho lúa ở Bình Định. Ảnh: Thảo Chi
Năm nay, Bình Ðịnh là một trong 31 địa phương hoàn thành việc xây dựng, kết nối, tích hợp Kho dữ liệu điện tử trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh với Kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng dịch vụ công quốc gia để chia sẻ, tái sử dụng dữ liệu số hóa phục vụ giải quyết thủ tục hành chính.
Năm 2023, Bình Định xếp hạng 23/63 tỉnh, thành trên toàn quốc và đứng thứ 4/14 trong khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ về chỉ số Chỉ số Đổi mới sáng tạo cấp địa phương (Provincial Innovation Index - PII),theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ).
Ở góc độ dân sinh, nhiều sáng kiến ứng dụng khoa học được áp dụng vào đời sống như giải pháp T-Pet, tích hợp AI, IoT và hệ thống thông tin địa lý (GIS) để nhận diện được 7 loại bệnh và cảnh báo sâu hại lúa, vừa được các kỹ sư TMA đưa vào ứng dụng.
Còn trong lĩnh vực đầu tư, tỉnh cũng chào hàng các nhà đầu tư công nghệ mới như bán dẫn, AI và những xu hướng tương lai như giao thông xanh (Vinfast), điện gió (PNE của Đức)...
Bình Định còn có những ý tưởng bị đánh giá là xa vời như dự tính đầu tư xây dựng Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ vũ trụ tại thung lũng Quy Hòa, gần Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo Quy Nhơn.
Ông Nguyễn Hữu Hà, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bình Định nói, Bình Định đã chọn hướng đi khác biệt trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung để tạo sự bứt phá. Lãnh đạo tỉnh Bình Định đã xác định việc đầu tư cho khoa học, công nghệ là đầu tư cho lâu dài và nó cũng là đòn bẩy để đưa nền kinh tế của tỉnh đột phá.
Phát triển khoa học, du lịch khoa học là một hướng đi đặc biệt của Bình Định dựa trên nền tảng và tiềm năng của ICISE cùng Khu đô thị khoa học và giáo dục Quy Hòa mang lại. Đây là một lợi thế và đặc trưng mà khó có một địa phương nào trên cả nước có được. Quy Nhơn đang dần trở thành điểm đến của các doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Trong tương lai, thành phố này sẽ đi đầu trong sản xuất, xuất khẩu sản phẩm trí tuệ nhân tạo và công nghệ phần mềm ở Việt Nam. Trong thời gian tới, tỉnh Bình Định đặt mục tiêu bảo đảm chi tối thiểu cho khoa học công nghệ đạt 2% tổng chi ngân sách địa phương, tăng cường huy động kinh phí ngoài ngân sách nhà nước, đối ứng của doanh nghiệp trong triển khai các nhiệm vụ khoa công nghệ.