Thứ năm, 21/11/2024 09:35 GMT+7
Hội thảo về Phần mềm lập mô hình và mô phỏng đánh giá hệ thống bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân và cơ sở hạt nhân
Trong khuôn khổ hợp tác với Cơ quan An ninh hạt nhân quốc gia (NNSA), Bộ Năng lượng Hoa Kỳ (US.DOE), Văn phòng An ninh hạt nhân quốc tế (INS) phối hợp với Cục ATBXHN tổ chức Hội thảo về Phần mềm lập mô hình và mô phỏng đánh giá hệ thống bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân và cơ sở hạt nhân tại Đà Lạt từ ngày 18-21/11/2024.
Tham dự Hội thảo có đại diện của các Chuyên gia an ninh hạt nhân thuộc Phòng Thí nghiệm quốc gia Sandia, đại diện Cục ATBXHN, Viện Nghiên cứu hạt nhân, Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân, các cán bộ quản lý, vận hành, gián tiếp hoặc trực tiếp liên quan đến công tác bảo đảm an ninh tại cơ sở hạt nhân, cơ sở bức xạ sử dụng nguồn phóng xạ hoạt độ cao, cơ sở lưu giữ nhiều nguồn phóng xạ.
Mục đích của Hội thảo nhằm cung cấp cho đại biểu kiến thức và cách sử dụng phần mềm Scribe3D và Pathtrace trong lập mô hình và mô phỏng phân tích đường đi và xác định các khu vực cần bảo đảm an ninh, phục vụ đánh giá hệ thống bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân và cơ sở hạt nhân. Hội thảo này là sự kiện được tổ chức tiếp nối thành công của các Hội thảo trước đó về chủ đề kiểm tra hiệu quả của hệ thống bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân và cơ sở hạt nhân diễn ra tại Đà Lạt vào các năm 2023, 2022, 2019...
Phát biểu tại Hội thảo, bà Bùi Thị Thùy Anh, Phó Trưởng phòng Pháp chế và Hợp tác quốc tế, đại diện Cục ATBXHN nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực bảo vệ thực thể cho vật liệu hạt nhân và cơ sở hạt nhân, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam là thành viên của hầu hết các công ước, điều ước quốc tế có liên quan, như Công ước Bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân và phần sửa đổi (CPPNM/A), Công ước quốc tế về ngăn chặn hành động khủng bố hạt nhân (ICSANT). Cục ATBXHN đánh giá cao sự quan tâm, hỗ trợ của các đối tác quốc tế trong đó có Bộ Năng lượng Hoa Kỳ thông qua các khóa đào tạo, tập huấn, hội thảo. Đây là những hoạt động ý nghĩa, giúp các đơn vị trong nước nâng cao hiểu biết và năng lực trong bảo đảm mục tiêu tăng cường an ninh cho cơ sở bức xạ, hạt nhân của Việt Nam nói chung. Ông Nguyễn Kiên Cường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân bày tỏ sự trân trọng cảm ơn đối với các hoạt động hỗ trợ của phía Hoa Kỳ dành cho đơn vị trong tăng cường năng lực kỹ thuật thực hiện công tác bảo đảm an ninh hạt nhân, duy trì hệ thống bảo vệ thực thể tại cơ sở.
Toàn cảnh Hội thảo.
Hội thảo diễn ra trong 04 ngày, mục đích nhằm cung cấp cho đại biểu kiến thức và cách sử dụng phần mềm Scribe3D và Pathtrace, bao gồm các bài giảng lý thuyết đan xen với các bài tập thực hành.