Việt Nam hiện có gần 7.450 hồ đập trong đó phần lớn là đập đất. Đặc biệt, các tỉnh khu vực BTB có gần 105 hồ chứa lớn và 1.812 hồ chứa loại vừa và nhỏ và đang bị cảnh báo nguy cơ mất an toàn. Hiện nay, tại hạ lưu các hồ chứa, công tác cảnh báo ngập lụt còn chưa được quan tâm đúng mức. Việc thiết lập hệ thống cảnh báo ngập lụt hạ lưu không những giúp cho người dân chủ động di dời khi có lũ lớn mà còn cảnh báo người dân không được xây dựng các cơ sở hạ tầng lớn trong vùng ngập.
Nghiên cứu cảnh báo ngập lụt hạ lưu hồ chứa nước và giải pháp ứng phó cho các hồ, đập và vùng hạ du Bắc Trung Bộ.
Đề tài đã thu được các kết quả nổi bật như sau:
Thứ nhất, đánh giá hiện trạng một số hồ đập tại các tỉnh khu vực BTB. Hầu hết các hồ chứa có đập dâng là đập đất và phần lớn được xây dựng trong thời gian chiến tranh với điều kiện vật tư khó khăn, thi công bằng thủ công, gấp rút nên chất lượng đập chưa đảm bảo, vì vậy hầu hết đập của hồ chứa đều có hiện tượng thấm nghiêm trọng, đe dọa đến an toàn của đập. Các công trình liên quan như cống lấy nước, tràn xả lũ do sử dụng lâu ngày nên chất lượng bê tông, kết cấu xây đều bị xuống cấp, không đảm bảo an toàn. Rất nhiều hồ chứa chưa có quy trình vận hành điều tiết, cũng chưa có kế hoạch phòng chống lụt bão và ứng cứu đập. Công tác quản lý còn mang tính hành chính. Do vậy nguy cơ rủi ro và mất an toàn cao. Chất lượng công trình xuống cấp do được đưa vào vận hành tương đối dài.
Thứ hai, xây dựng khung pháp lý chung đối với công tác cảnh báo ngập lụt hạ du hồ chứa nước. Khung pháp lý đối với từng hoạt động cụ thể của công tác cảnh báo ngập lụt hạ du hồ chứa nước được quy định chủ yếu theo 114/2018/NĐ-CP và được hướng dẫn chi tiết hơn tại các thông tư và tiêu chuẩn kỹ thuật. Tuy nhiên, các hoạt động khác trong quy trình cảnh báo ngập lụt như xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu và xây dựng, cập nhật bộ công cụ hỗ trợ lập cảnh báo ngập lụt vẫn chưa được quy định.
Thứ ba, xây dựng được Quy trình cảnh báo ngập lụt hạ du các hồ, đập khu vực BTB, gồm các bước (i) xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu, (ii) xây dựng các kịch bản tính toán lũ đến hồ chứa và các tình huống xả lũ, vỡ đập, (iii) xây dựng, cập nhật bộ công cụ hỗ trợ lập cảnh báo ngập lụt, (iv) xây dựng, câp nhật bản đồ ngập lụt hạ lưu ứng với các kịch bản mưa lũ và kịch bản xả lũ vỡ đập, (v) thống kê các đối tượng bị ảnh hưởng vùng hạ lưu ứng với các kịch bản mưa lũ và kịch bản xả lũ, vỡ đập. Đề tài đã áp dụng thành công “Quy trình cảnh báo ngập lụt cho vùng hạ du các hồ, đập khu vực BTB” cho hồ chứa nước Thượng Sông Trí và hồ chứa nước Vực Tròn. Quy trình này cũng được vận dụng cho các hồ đập khác tại lãnh thổ Việt Nam.
Toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19360/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.