Thứ ba, 21/05/2024 15:44 GMT+7

Nâng cao hoạt động đo lường đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững

Kỷ niệm Ngày Đo lường thế giới, ngày 20/5/2024 tại Thành phố Hải Phòng, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TĐC), Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp Sở KH&CN Thành phố Hải Phòng tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Đo lường hôm nay vì ngày mai bền vững”.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Quyền Tổng cục trưởng TĐC Hà Minh Hiệp nhấn mạnh vai trò của hoạt động đo lường trong đời sống xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực bảo vệ, kiểm soát tài nguyên, khí thải, hướng tới chuyển đổi năng lượng, kiểm soát tiêu chuẩn pin mặt trời... Đồng thời cho biết, 17 mục tiêu phát triển bền vững được Liên hợp quốc thông qua năm 2015 xác định bởi 169 mục tiêu cụ thể và 232 chỉ tiêu, hướng tới xóa đói giảm nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo mọi người dân được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030.
Quyền Tổng cục trưởng Hà Minh Hiệp nhấn mạnh vai trò của hoạt động đo lường trong đời sống xã hội.
Tại Việt Nam, ngày 10/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 622/QĐ-TTg về phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, trong đó đề ra 17 mục tiêu phát triển bền vững với 115 mục tiêu cụ thể. 
Ngày 14/7/2023, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 841/QĐ-TTg ban hành lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng phê duyệt chiến lược phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và mục tiêu đạt được Net zero vào năm 2050. Để đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững thì vai trò của ngành đo lường rất quan trọng, đặc biệt là trong các vấn đề liên quan đến lĩnh vực khoa học công nghệ, kỹ thuật.
Thông qua Hội thảo, từ các góc độ khác nhau, các đại biểu, nhà quản lý, chuyên gia thuộc các ngành khoa học, kỹ thuật... sẽ cùng thảo luận, tìm ra giải pháp hữu hiệu cũng như những đóng góp của ngành đo lường nhằm thực hiện tốt hơn nữa các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam, Quyền Tổng cục trưởng TĐC nhấn mạnh.
Báo cáo về hoạt động đo lường thời gian qua, Vụ trưởng Vụ Đo lường, TĐC Trần Quý Giầu cho biết, năm 2023, Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 1488/QĐ-TTg ngày 24/11/2023 phê duyệt “Kế hoạch phát triển chuẩn đo lường quốc gia đến năm 2030”, đồng thời, Tổng cục TĐC đã trình Thủ tướng Chính phủ Dự thảo đề án “Phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia theo hướng tập trung, thống nhất, đồng bộ và hội nhập quốc tế đến năm 2030, định hướng đến năm 2035”.
Bên cạnh đó, Tổng cục TĐC đã ban hành 04 quyết định để triển khai Quyết định số 996/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án "Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" (Đề án 966); đã có 55/63 tỉnh, thành phố và 03 Bộ có kế hoạch thực hiện Đề án 996; đã tổ chức 14 khóa học về chương trình đảm bảo đo lường, 739 lượt học viên của 63 địa phương và 13 doanh nghiệp (năm 2023); phê duyệt 80 chuyên gia tham vấn chương trình đảm bảo đo lường...
Về định hướng hoạt động đo lường, Vụ trưởng Vụ Đo lường Trần Quý Giầu cho biết, một số nhiệm vụ, giải pháp sẽ được triển khai thời gian tới như: tổ chức chương trình so sánh liên phòng cấp quốc gia, cấp cơ sở; hoàn thành xây dựng, phê duyệt kế hoạch thực hiện chương trình đảm bảo đo lường tại tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; hướng dẫn, tổ chức thực hiện chương trình đảm bảo đo lường cho các tổ chức, doanh nghiệp ngành điện, nước, xăng dầu…
Nhấn mạnh về vai trò của hoạt đo lường trong sản xuất kinh doanh, đặc biệt là đối với doanh nghiệp, Giám đốc Sở KH&CN Thành phố Hải Phòng Trần Quang Tuấn cho rằng, đó là mục tiêu hướng tới sự phát triển xanh, phát triển bền vững bởi đo lường là một ngành khoa học kỹ thuật chính xác và tin cậy, có vai trò quan trọng đối với tất cả các lĩnh vực đời sống của xã hội như: sản xuất, mua bán, giao dịch giữa các bên, quản lý nhà nước, nghiên cứu khoa học...
Theo Giám đốc Trần Quang Tuấn, đo lường giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Ngoài ra, đo lường giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, giảm giá thành sản phẩm, tiết kiệm nguyên vật liệu; xác nhận sản phẩm, dịch vụ phù hợp với tiêu chuẩn hoặc quy định kỹ thuật.
Trong công nghiệp, đo lường đảm bảo chất lượng sản phẩm, tiết kiệm nguyên liệu và vật tư tiêu hao, kiểm soát môi trường sản xuất, đảm bảo an toàn, bảo vệ sức khỏe môi trường trong sản xuất, là công cụ để quản lý quá trình sản xuất và nâng cao hiệu quả sản xuất, thúc đẩy đổi mới công nghệ, tối ưu hóa sản xuất... đặc biệt đo lường cho phép thành phố duy trì tính cạnh tranh, giao thương, cải thiện chất lượng cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.
Theo Giám đốc Trần Quang Tuấn, đo lường tham dự vào toàn bộ các hoạt động của quá trình sản xuất, phát triển sản phẩm, Giám đốc Trần Quang Tuấn kỳ vọng, Hội thảo là dịp để tuyên truyền về vai trò quan trọng của hoạt động đo lường; đề xuất các định hướng, giải pháp phát triển; biểu dương, tôn vinh, động viên khích lệ, tạo động lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác đo lường nhằm thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động đo lường phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước nói chung và thành phố Hải Phòng nói riêng.
Các đại biểu tham dự Hội thảo.
 
Đoàn chủ tịch điều hành phần trao đổi thảo luận tại Hội thảo.
Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu đã trình bày các tham luận liên quan đến hoạt động đo lường của Chi cục TĐC Thành phố Hải Phòng; chương trình so sánh liên phòng cấp quốc gia và cấp cơ sở năm 2024; kế hoạch hoạt động triển khai Thông tư 03/2024/TT-BKHCN về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2; công tác quản lý chất lượng và đo lường tại doanh nghiệp…
 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 526

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)