Thứ năm, 05/01/2023 23:10 GMT+7

Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam

Ngày 27/12/2022, tại Hà Nội, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (NLNTVN) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023.

Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có ông Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN); ông Lê Xuân Định, Bí thư Đảng ủy Bộ, Thứ trưởng Bộ KH&CN; ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa giáo Văn xã, Văn phòng Chính phủ; ông Trần Văn Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ; ông Đỗ Thành Long, Chánh Văn phòng Bộ; ông Nguyễn Tuấn Khải, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân; bà Trần Bích Ngọc, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Năng lượng nguyên tử; ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ TN&MT; Đại diện các vụ chức năng và các đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN; Lãnh đạo Viện NLNTVN; Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Viện; Đại diện cán bộ công chức, viên chức của các đơn vị trực thuộc Viện NLNTVN. Hội nghị cũng vinh dự được đón tiếp Ngài Stanislav Fokin, Tham tán Công sứ, Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam; Các giáo sư và chuyên gia đầu ngành năng lượng nguyên tử như GS.TS. Lê Hồng Khiêm, GS.TS. Mai Trọng Khoa, GS.TS. Phan Đình Tuấn; Đại diện các cơ quan, viện nghiên cứu và các trường đại học đang hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử của Việt Nam.
 


Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị


Những kết quả nổi bật

Trong báo cáo Tổng kết công tác năm 2022, TS. Trần Ngọc Toàn, Phó Viện trưởng Viện NLNTVN cho biết, trong những tháng đầu năm 2022, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn có tác động không nhỏ tới sự phục hồi phát triển kinh tế-xã hội của nước ta nói chung cũng như tác động tới công tác nghiên cứu và triển khai ứng dụng của các đơn vị nghiên cứu nói riêng. Trước tình hình khó khăn chung, Viện NLNTVN đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, thống nhất quan điểm điều hành trong tình hình mới, bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao, phát huy tinh thần đoàn kết, huy động mọi nguồn lực để hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm, bên cạnh nâng cao cảnh giác và đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, ổn định đời sống cho cán bộ, viên chức, người lao động. Quyết tâm thực hiện nghiêm túc chủ đề điều hành năm do Chính phủ đề ra là “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”. Tập trung chỉ đạo, điều hành các đơn vị trực thuộc nghiêm túc thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Gắn kết nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước, trong đó ưu tiên các hướng nghiên cứu, phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ và hạt nhân vì mục đích hòa bình.
 


Toàn cảnh Hội nghị

Năm 2022 toàn thể cán bộ của Viện NLNTVN đã nỗ lực hết mình để hoàn thành tốt các mục tiêu đã đề ra. Các kết quả đạt được của các đơn vị trực thuộc Viện trong công tác nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng kỹ thuật hạt nhân, đồng vị phóng xạ và công nghệ bức xạ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đã tăng lên so với những năm trước.

Cụ thể, tổng số công trình công bố của toàn Viện NLNTVN năm 2022 là 272 công trình (bài báo), trong đó: 77 công trình đăng trên tạp chí quốc tế ISI; 22 công trình trên tạp chí SCOPUS và các tạp chí quốc tế khác; 57 công trình trên tạp chí quốc gia; 46 công trình tham gia hội nghị quốc tế; 66 công trình tham gia hội nghị trong nước; tham gia nội dung chuyên môn trong 03 ấn phẩm nước ngoài; 01 giải pháp hữu ích. Việc tăng các công bố quốc tế qua năm 2022 là do các nhóm nghiên cứu đã chủ động liên kết, phối hợp với các đơn vị trong và ngoài nước để thực hiện các nghiên cứu khoa học. Các đơn vị trực thuộc đã tạo được môi trường học thuật và chú trọng đẩy mạnh công tác nghiên cứu nhằm khẳng định trình độ chuyên môn tầm quốc tế của các cán bộ.

Thống kê số lượng các công bố trên các tạp chí thuộc danh mục ISI và tổng số công bố quốc tế của Viện NLNTVN từ năm 2018 đến nay

  Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt được vận hành và khai thác hiệu quả với tổng thời gian hoạt động đạt 4.530 giờ (vượt chỉ tiêu đề ra gần 51%, và số giờ hoạt động trong năm nay là cao nhất kể từ khi lò được vận hành đến nay) để cung cấp các dược chất phóng xạ nhằm phục vụ chẩn đoán và điều trị các bệnh nhân ung thư trên toàn quốc. Nhiều cải tiến kỹ thuật đã được thực hiện và áp dụng trên Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt để tăng năng suất sản xuất thuốc phóng xạ nhằm đáp ứng nhu cầu của các bệnh viện trong bối cảnh cả nước thiếu thuốc do nguồn cung từ nhập khẩu nước ngoài không ổn định.

Mạng quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường, bao gồm 11 trạm quan trắc phóng xạ trong môi trường khí đặt tại các địa phương và 01 trung tâm điều hành đã được đảm bảo vận hành liên tục, cho dù gặp rất nhiều khó khăn về kinh phí để duy trì cũng như bảo dưỡng các thiết bị. Cơ sở dữ liệu phông nền phóng xạ tại các khu vực trọng yếu có thể bị ảnh hưởng sớm từ các sự cố bức xạ hạt nhân xuyên biên giới tiếp tục được bổ sung.
 

Phó Viện trưởng Trần Ngọc Toàn trình bày báo cáo tổng kết

Nổi bật nhất trong hoạt động hợp tác quốc tế năm 2022 là Viện NLNTVN, với vai trò Chủ tịch Điều phối viên quốc gia Hiệp định hợp tác vùng châu Á Thái Bình Dương (RCA), đã tổ chức thành công Hội nghị Điều phối viên quốc gia RCA lần thứ 44 từ ngày 18-21/4/2022 tại Hà Nội theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp tại trụ sở Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và trụ sở Viện. Các dự án và hợp đồng nghiên cứu đã và đang hoạt động hiệu quả, đóng góp đáng kể cho hoạt động của Vùng (cung cấp chuyên gia, đóng góp kết quả nghiên cứu, đăng cai tổ chức các sự kiện, v.v.). Với vai trò Chủ tịch RCA, Việt Nam đã chuẩn bị kỹ lưỡng và tổ chức rất thành công Hội nghị Bộ trưởng RCA vào ngày 26/09/2022 tại Vienna (Áo), được IAEA và các nước thành viên RCA đánh giá xuất sắc. Ngày 26/9/2022, Viện NLNTVN đã nhận giải thưởng Hợp tác khu vực (Regional Cooperation) và Viện NCHN đã vinh dự được nhận giải thưởng phát triển nguồn nhân lực của RCA nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập RCA.
 


Hội nghị Bộ trưởng RCA vào ngày 26/09/2022 tại Vienna (Áo)

 Các đơn vị trực thuộc Viện NLNTVN đã duy trì tốt các hoạt động ứng dụng triển khai và dịch vụ khoa học kỹ thuật, doanh thu đến 15 tháng 12 năm 2022 của toàn Viện đạt 372,51 tỷ đồng, tăng 9,2 % so với cùng kỳ năm 2021 (338,135 tỷ đồng). Hoạt động sản xuất các sản phẩm kẽm tại Trung tâm Triển khai công nghệ (thuộc Viện Công nghệ xạ hiếm) vẫn là hoạt động dẫn đầu với doanh thu 185 tỷ đồng.
 

Tổng doanh thu từ các loại hình dịch vụ của Viện NLNTVN

Tại buổi tổng kết, Viện NLNTVN đã tổ chức Lễ trao Giấy chứng nhận học hàm cho các tân Phó Giáo sư (là các cán bộ của Viện). Trước đây Hội đồng Giáo sư nhà nước tổ chức Lễ trao Giấy chứng nhận cho các Giáo sư và Phó Giáo sư đạt chuẩn. Tuy nhiên năm nay HĐGSNN yêu cầu đại diện của Viện nhận giấy chứng nhận và trao cho các cán bộ đạt chuẩn. Trên cơ sở việc công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư và Phó Giáo sư năm 2022 theo Quyết định số 88/QĐ-HĐGSNN ngày 17/11/2022 của Hội đồng Giáo sư Nhà nước, năm 2022 Viện NLNTVN đã có thêm 03 Phó Giáo sư, gồm: PGS.TS. Trịnh Anh Đức, Giám đốc Trung tâm Đào tạo hạt nhân; PGS.TS. Nguyễn Minh Hiệp, Viện Nghiên cứu hạt nhân và PGS.TS. Hồ Mạnh Dũng, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm hạt nhân Hồ Chí Minh. Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đã trao 03 Giấy chứng nhận học hàm cho các tân Phó Giáo sư của Viện NLNTVN.

Nhằm động viên và khích lệ tinh thần nghiên cứu khoa học, hàng năm Viện NLNTVN đều thành lập Hội đồng xét thưởng các công trình công bố quốc tế của các cán bộ trong Viện. Năm nay, Hội đồng đã xét trao thưởng cho 6 công trình nghiên cứu khoa học đạt giải A, 27 công trình đạt giải B và 14 công trình đạt giải C.
 


Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt chụp ảnh cùng 03 tân Phó Giáo sư

Phương hướng nhiệm vụ nghiên cứu và định hướng ứng dụng năm 2023

Tiếp nối thành công của năm 2022, trong năm 2023 các đơn vị trực thuộc Viện NLNTVN tiếp tục nỗ lực và hướng tới thực hiện tốt mọi nhiệm vụ đề ra và thúc đẩy việc nghiên cứu khoa học gắn liền với ứng dụng thực tiễn trong các lĩnh vực y tế, công nghiệp, nông nghiệp, môi trường, góp phần vào sự phục hồi phát triển kinh tế - xã hội của nước ta sau ảnh hưởng nặng nề gây ra bởi đại dịch Covid-19.

Về hướng nghiên cứu cơ bản truyền thống: Tiếp tục đầu tư thông qua các đề tài/nhiệm vụ KH&CN cho  trung vào các nhóm nghiên cứu đã có uy tín thuộc các lĩnh vực như: vật lý hạt nhân, vật lý nơtron, vật lý lò phản ứng, an toàn hạt nhân, nhiên liệu hạt nhân, quan trắc phóng xạ môi trường, hóa học và sinh học phóng xạ… nhằm duy trì và phấn đấu hàng năm tăng cường các công bố khoa học trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế có uy tín; Tiếp tục đẩy mạnh hướng nghiên cứu và triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (ML) trong các nghiên cứu cấu trúc và phản ứng hạt nhân, lĩnh vực an toàn hạt nhân, lĩnh vực nghiên cứu và phân tích số liệu đo quan trắc môi trường và phân tích chuẩn đoán hình ảnh trong lĩnh vực y học hạt nhân; Tiếp tục đầu tư xây dựng đội ngũ, nhóm nghiên cứu mạnh về mô phỏng tính toán phát tán chất phóng xạ trong môi trường không khí và môi trường nước (biển).

Bên cạnh các hướng nghiên cứu cơ bản trên thì Viện cũng chuẩn bị xây dựng và đào tạo nguồn nhân lực cho việc vận hành và khai thác an toàn hiệu quả cho lò phản ứng mới và  duy trì, củng cố năng lực nghiên cứu về công nghệ an toàn điện hạt nhân. Về các nghiên cứu định hướng ứng dụng và triển khai dịch vụ thì Viện tập trung tăng cường ứng dụng kỹ thuật hạt nhân, công nghệ bức xạ và đồng vị phóng xạ trong lĩnh vực y học hạt nhân, công nghiệp, nông nghiệp, môi trường và đẩy mạnh nghiên cứu phát triển công nghệ xử lý và chế biến quặng phóng xạ và nguyên tố hiếm.

Về triển khai thực hiện các dự án đầu tư, Viện sẽ thúc đẩy triển khai Dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân (CNST), Dự án xây dựng mạng quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường Quốc gia, Đầu tư nâng cấp và tăng cường an toàn lò phản ứng nghiên cứu tại Đà Lạt. Về hoạt động hợp tác thì Viện tiếp tục thúc đẩy các hoạt động hợp tác với IAEA, thực hiện tốt các nội dung hợp tác nhằm tận dụng các kết quả đạt được theo các Dự án hợp tác kỹ thuật (TC). Tiếp tục triển khai các hoạt động hợp tác ba bên Việt Nam-IAEA-Lào và Việt Nam- IAEA-Campuchia. Tích cực chuẩn bị, tham gia các dự án ZODIAC và NUTEC theo sáng kiến của IAEA. Tích cực tham gia vào xây dựng chương trình hoạt động của sáng kiến rác thải nhựa (Nutec plastics initiative) do IAEA đề xuất. Tăng cường hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Hiệp định hợp tác Vùng (RCA) và FNCA. Thúc đẩy hợp tác song phương với Liên bang Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ,….

Có thể nói rằng, những thành quả về nhiều mặt của năm 2022 đã trở thành cơ sở để Viện NLNTVN hướng đến năm 2023, năm quan trọng để thúc đẩy “Hợp tác quốc tế”.

Hiện nay, nhân lực ngành hạt nhân là quan trọng và hiện đang có nguy cơ ngày càng suy yếu, nên trong thời gian tới Viện sẽ tập trung đào tạo nguồn nhân lực và tiếp tục nâng cao hơn nữa năng lực khoa học. Một trong những cơ hội để các các bộ của Viện học hỏi là thông qua hợp tác quốc tế. GS.TS. Lê Hồng Khiêm, nguyên Đại diện toàn quyền của Chính phủ Việt Nam tại Viện liên hợp hạt nhân Dubna (JINR), Nga đã chia sẻ, Dubna là phòng thí nghiệm vô cùng tiềm năng cho nghiên cứu hạt nhân cơ bản và ứng dụng, có rất nhiều nhà khoa học giỏi của Nga và thế giới. Nếu chúng ta khai thác tốt thì đây sẽ là bước tiến về đào tạo nguồn nhân lực của Việt Nam. Hiện nay, chúng ta đang khai thác chưa đúng với tầm của Dubna. GS.TS. Lê Hồng Khiêm hy vọng đây sẽ là cơ hội tốt để có thể phát triển mạnh mẽ hơn nữa hoạt động đào tạo phát triển nguồn nhân lực tại Dubna trong thời gian tới, đặc biệt là hợp tác về máy gia tốc Cyclotron. Năm 2022, có 7 cán bộ của Viện NLNTVN đã nộp hồ sơ đề xuất sang làm việc tại Dubna. GS.TS. Lê Hồng Khiêm hy vọng các cán bộ này sẽ trở thành các chuyên gia, là cầu nối giữa Dubna với các cán bộ làm việc tại Trung tâm CNST của Việt Nam trong tương lai.

 Tham tán Công sứ Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam, Ngài Stanislav Fokin phát biểu bày tỏ sự vui mừng trước những thành tựu mà Viện NLNTVN đạt được trong năm qua, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất dược chất phóng xạ. Ngài Stanislav Fokin chia sẻ: trước đây (khoảng 6 năm về trước) nhiều nước ở Châu Âu và Châu Á có quan điểm chưa đúng về Chương trình năng lượng hạt nhân. Họ cho rằng năng lượng hạt nhân không phải là nguồn năng lượng hoàn toàn sạch và đáng tin cậy. Nhưng hiện nay thế giới đã khẳng định rằng năng lượng hạt nhân là nguồn năng lượng sạch, hiệu quả và chính nguồn năng lượng này đã tạo nên sự đảm bảo an ninh năng lượng cho các nước phát triển nhất thế giới như: Hoa Kỳ, Pháp, Trung Quốc. Vì vậy, Ngài Stanislav Fokin mong muốn Viện NLNTVN tiếp tục đầu tư và phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp quan trọng này. Hiện nay, tình hình xung đột giữa Nga – Ukraina gây ảnh hưởng đến sự hợp tác giữa Nga và một số nước. Do đó các Viện nghiên cứu, các nhà máy, tập đoàn năng lượng của Nga đang làm việc ngày đêm để nghiên cứu, xây dựng các công nghệ mới với mục đích bảo đảm độc lập về công nghệ và an ninh năng lượng quốc gia. Tập đoàn năng lượng nguyên tử Quốc gia Nga Rosatom hiện đang nghiên cứu thiết kế các nhà máy điện hạt nhân công suất lớn và nhỏ. Ngài Stanislav Fokin mong muốn phía Việt Nam sẽ hợp tác chặt chẽ hơn nữa với Liên bang Nga để phát triển ngành năng lượng nguyên tử. Ngài Stanislav Fokin đã chia sẻ tin vui với Hội nghị rằng ngày 27 tháng 12 vừa qua, Đại sứ quán Liên bang Nga đã gửi thư đến Thứ trưởng Lê Xuân Định đề xuất mở rộng sự hợp tác giữa hai bên trong nhiều ngành nghề, lịch vực khác. Ngài Stanislav Fokin gửi lời Chúc mừng năm mới đến toàn thể Hội nghị và bày tỏ mong muốn trong năm 2023, sự hợp tác giữa Việt Nam và Liên bang Nga nói chung, Viện NLNTVN với Liên bang Nga nói riêng ngày càng phát triển với nhiều dự án mới.
 

Tham tán Công sứ Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam Ngài Stanislav Fokin phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội nghị, nhiều đại biểu đã trình bày tham luận chia sẻ những thuận lợi cũng như khó khăn trong hoạt động nghiên cứu khoa học và tổ chức bộ máy, nhiều ý kiến đánh giá cao những kết quả mà Viện NLNTVN đã đạt được trong năm 2022 và đưa ra góp ý, đề xuất một số nội dung hợp tác với Viện NLNTVN trong thời gian tới.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đã ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà Viện NLNTVN đạt được trong năm 2022. Viện NLNTVN là một trong số các đơn vị lớn nhất của Bộ KH&CN, với số lượng cán bộ đứng thứ 2 sau Tổng Cục Đo lường chất lượng. Trong 2 năm vừa qua, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, Viện NLNTVN vẫn có những đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bộ trưởng nhất trí với phương hướng hoạt động năm 2023 của Viện NLNTVN qua báo cáo tổng kết. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề nghị Viện NLNTVN quan tâm thực hiện một số công việc trong thời gian tới để ngày càng phát huy những thành tích đã đạt được, đồng thời khắc phục những hạn chế còn tồn tại. Trong năm 2023, Viện cần chú trọng: Tập trung hoàn thiện cơ cấu tổ chức, phương án tự chủ của Viện và các đơn vị trực thuộc vì đây là vấn đề sống còn của Viện và các đơn vị trực thuộc; Cần có cơ chế tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị hoạt động, phát huy tối đa thế mạnh, chuyên môn để phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Để làm tốt điều này, Viện cần phối hợp chặt chẽ với các Vụ chức năng thuộc Bộ. Trong năm tới Viện tham gia phối hợp xây dựng Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Nghiên cứu, xây dựng Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhân lực đến năm 2025 cho 03 đơn vị năng lượng nguyên tử trực thuộc Bộ; Đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông về ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ các ngành kinh tế xã hội; Đẩy mạnh hơn nữa việc đưa kết quả nghiên cứu vào ứng dụng triển khai; Tăng cường các dự án quan trọng có tầm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế, xã hội đất nước, như: Dự án Mạng Quan trắc và Cảnh báo phóng xạ môi trường, Dự án xây dựng tòa nhà hỗ trợ kỹ thuật, Dự án nâng cấp, bổ sung nhiên liệu lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt và đặc biệt là dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân (CNST).

Trong thời gian tới, khi Trung tâm CNST đi vào hoạt động thì nguồn nhân lực càng trở nên cấp bách vì các chuyên gia ngành NLNT đều sắp đến tuổi nghỉ hưu. Vì vậy, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đề nghị Viện NLNTVN cần chuẩn bị báo cáo chuyên đề về đào tạo nhân lực trong lĩnh vực NLNT để Bộ KH&CN trình lên Quốc hội và cơ quan thuộc Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ngành NLNT.
 

Viện trưởng Viện NLNTVN Trần Chí Thành phát biểu tại Hội nghị

Thay mặt tập thể Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Viện trưởng Trần Chí Thành chân thành cảm ơn Lãnh đạo Bộ KH&CN, đặc biệt là Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt và Thứ trưởng Lê Xuân Định đã quan tâm, chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi cho Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ được giao. Viện trưởng Trần Chí Thành cũng gửi lời cảm ơn về sự hợp tác của các cơ quan liên quan trong năm qua và bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, sự hợp tác thường xuyên của các chuyên gia, đơn vị liên quan để Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam hoàn thành tốt nhiệm vụ trong giai đoạn tới./.

 

Nguồn: Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam

Lượt xem: 2166

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)