Thứ sáu, 16/12/2022 11:12 GMT+7

Lấy doanh nghiệp làm trung tâm đổi mới sáng tạo và ứng dụng KH&CN, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương

Chiều 14/12, tại UBND tỉnh Sóc Trăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Huỳnh Thành Đạt đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Sóc Trăng về hoạt động KH,CN&ĐMST của địa phương.

Tham dự  có Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy; lãnh đạo, đại diện lãnh đạo Tổng cục, cục, vụ, đơn vị liên quan thuộc Bộ KH&CN; đại diện Đại học Cần Thơ, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp. Tiếp và làm việc với Đoàn có đồng chí Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Sóc Trăng; đồng chí Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành, địa phương.
 

Toàn cảnh buổi làm việc

Theo báo cáo của UBND tỉnh Sóc Trăng, thời gian qua, công tác nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công các tiến bộ KH&CN đã có tác động tích cực tới việc nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm, từng bước hoàn thành  vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, phát huy lợi thế sản phẩm chủ lực của địa phương. Phần lớn các đề tài, dự án đã được ứng dụng có hiệu quả vào sản xuất, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh.

Toàn tỉnh có 771 đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, 34 cơ sở sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế, kiểm định được 190.938 lượt phương tiện đo các loại và hiệu chuẩn 2.599 lượt chuẩn đo lường các loại, thành lập 11 điểm kiểm định ở các huyện, thị xã và thành phố. Địa phương cũng thực hiện công bố hệ thống quản lý chất lượng phù hợp tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 900: 2021, triển khai thí điểm áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 bản điện tử tại Sở KH&CN, Sở Thông tin và Truyền thông, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng,…

Tại buổi làm việc, Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng đề xuất Bộ KH&CN hỗ trợ thực hiện các dự án “Đa dạng hóa sản phẩm chế biến và nâng cao hiệu suất thu hồi sản phẩm xay xát lúa gạo, phát triển các sản phẩm tạo giá trị gia tăng từ lúa gạo ST”;  “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ chế biến các sản phẩm từ trái cây”. Hỗ trợ tỉnh xây dựng và quản lý nhãn hiệu chứng nhận “Sóc Trăng” cho sản phẩm gạo thuộc giống lúa ST24 và ST25, đưa nhãn hiệu đã được bảo hộ vào chương trình, kế hoạch hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài. Hoàn thiện quy trình công nghệ bảo quản và chế biến các sản phẩm từ sinh khối Artemia Vĩnh Châu. Tỉnh Sóc Trăng cũng mong muốn được tham gia, thụ hưởng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ do Bộ KH&CN chủ trì,…

Thứ trưởng Bùi Thế Duy và đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng liên quan của Bộ đã gợi mở, đề xuất, đưa ra một số giải pháp nhằm tiếp tục đưa hoạt động KH,CN&ĐMST đóng góp hơn nữa vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
 

Bí thư Lâm Văn Mẫn phát biểu tại buổi làm việc

Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn ghi nhận, đánh giá cao hoạt động KH&CN trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian qua, đồng thời gửi lời cảm ơn đến các đại biểu đã chia sẻ, góp ý, giúp tháo gỡ vướng mắc, hạn chế trong hoạt động KH&CN của tỉnh.

Thông qua buổi làm việc, Bí thư Lâm Văn Mẫn bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Bộ KH&CN trong việc nghiên cứu chuyển giao công nghệ hiện đại, thông minh trong bảo quản, chế biến các sản phẩm nông, thuỷ sản đặc trưng như trái cây, tôm cá, lúa gạo..., góp phần vào góp phần đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, phát triển sản phẩm có lợi thế của địa phương, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.
 

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại buổi làm việc

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phát biểu, ghi nhận các ý kiến của các đồng chí lãnh đạo Tỉnh, ý kiến đóng góp của đại biểu dự họp và các đề xuất của địa phương. Đồng thời đề nghị Tỉnh tiếp tục quan tâm, đầu tư cho hoạt động KH,CN&ĐMST, huy động nguồn lực xã hội, đào tạo nguồn nhân lực, góp phần đưa KH&CN trở thành một trong các trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ngoài ra, tỉnh cũng tiếp tục tập trung các nguồn lực để triển khai các định hướng phát triển KH&CN, chuyển giao ứng dụng công nghệ một số lĩnh vực then chốt, lấy doanh nghiệp làm trung tâm để đổi mới và ứng dụng KH&CN; chú trọng phát triển ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu,…

Bên cạnh đó, tỉnh cần tiếp tục tổ chức có hiệu quả các chương trình hợp tác KH&CN giữa tỉnh và các đơn vị viện, trường, đồng thời triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong khai thác quyền sở hữu trí tuệ, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh. Nâng cao nhận thức và hỗ trợ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các kết quả nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, các sản phẩm được công nhận là sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực quốc gia, đặc thù cấp tỉnh và sản phẩm gắn với Chương trình OCOP,…

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN; Vụ Phát triển KH&CN địa phương

Lượt xem: 1770

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)