Thứ sáu, 03/12/2021 17:24 GMT+7

Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thực hiện mục tiêu phát triển bền vững – Trao đổi kinh nghiệm giữa Ấn Độ và Việt Nam

Trong những năm gần đây vai trò của khoa học công nghệ (KHCN) trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (PTBV) đang ngày càng được thể hiện rõ nét, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Ngày 30/11/2021, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững – Trao đổi kinh nghiệm giữa Ấn Độ và Việt Nam”. Hội thảo được tham dự bằng hình thức trực tiếp tại hội trường và trực tuyến trên nền tảng Webex.



Hội thảo được tham dự bằng hình thức trực tiếp tại hội trường và trực tuyến trên nền tảng Webex

 

Hội thảo đã nhận được rất nhiều chia sẻ, thảo luận từ các diễn giả về kinh nghiệm của Ấn Độ trong tham gia vào Cơ chế xúc tiến công nghệ toàn cầu của Liên hợp quốc, trong xây dựng lộ trình KHCN&ĐMST thực hiện các mục tiêu PTBV và kinh nghiệm của Việt Nam trong thúc đẩy vai trò của KHCN&ĐMST hướng tới các mục tiêu PTBV thuộc Chương trình nghị sự 2030.

Tham dự hội thảo, về phía Ấn Độ có: ông Shachin Chaturvedi- Giám đốc Viện Nghiên cứu và Hệ thống thông tin cho các nước phát triển; ông Bhaskar Balakrishman, Cựu Đại sứ Ấn Độ, chuyên gia ngoại giao về khoa học, Viện Nghiên cứu và Hệ thống thông tin cho các nước đang phát triển; các học giả của Viện Nghiên cứu và Hệ thống thông tin cho các nước đang phát triển; ông Lê Trường Giang, Trưởng Văn phòng KH&CN Việt Nam tại Ấn Độ. Về phía Việt Nam có: ông Hoàng Minh- Giám đốc Học viện KH,CN&ĐMST, thành viên Ủy ban về KH&CN; đại diện lãnh đạo đơn vị thuộc Bộ/ngành là thành viên của Ủy ban về KH&CN.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Hoàng Minh cho biết, ở khu vực châu Á, Ấn Độ là một trong những quốc gia dẫn đầu trong thúc đẩy quan hệ đối tác nhiều bên, đặc biệt là thúc đẩy Cơ chế xúc tiến đầu tư công nghệ toàn cầu của Liên hợp quốc nhằm huy động, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm KH&CN về PTBV. Ấn Độ cũng hoàn thành xây dựng bản đồ công nghệ trong nhiều lĩnh vực nhằm phát triển các mục tiêu PTBV. Ấn Độ cũng là nước chủ nhà của một số tổ chức KH,CN&ĐMST khu vực quốc tế cũng như trung tâm chuyển giao khu vực châu Á- Thái Bình Dương, trung tâm quốc tế di truyền về công nghệ sinh học...

“Những kinh nghiệm của Ấn Độ trong thúc đẩy quan hệ đối tác quốc tế tham gia vào Cơ chế sáng kiến công nghệ toàn cầu của Liên hợp quốc, xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình KH,CN&ĐMST thực hiện các mục tiêu PTBV... sẽ là những bài học quý báu đối với Việt Nam trong thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác quốc tế về KH,CN&ĐMST, nhằm đưa KH,CN&ĐMST là công cụ then chốt trong thực hiện các mục tiêu PTBV tại Việt Nam đến 2030”, ông Hoang Minh cho biết thêm.

Đồng quan điểm trên, ông Shachin Chaturvedi cũng nhấn mạnh vai trò của KH&CN trong đạt được mục tiêu PTBV đối với tất cả mọi lĩnh vực. Ấn Độ luôn nỗ lực trong hợp tác với các quốc gia ASEAN, đặc biệt trong lĩnh vực ưu tiên là KH&CN. Ông Shachin Chaturvedi cũng chia sẻ về kinh nghiệm của Ấn Độ trong thực hiện mục tiêu PTBV trọng tâm vào một số lĩnh vực để đạt hiệu quả tốt nhất như: an ninh dinh dưỡng, y tế, vệ sinh môi trường, nước và năng lượng sạch…, đây là những lĩnh vực cấp bách, quan trọng mà KH&CN đóng vai trò quan trọng. “Tôi hy vọng, Hội thảo hôm nay sẽ đưa ra những sáng kiến để thúc đẩy hợp tác cụ thể trong 17 mục tiêu về PTBV và có thể đạt được nhiều kết quả lớn hơn đến năm 2030”.

Trong Báo cáo tiến độ 5 năm thực hiện các mục tiêu PTBV, trên cơ sở đánh giá tiến độ của 17 mục tiêu chung và 115 mục tiêu cụ thể Việt Nam đạt được đến 2030; dựa trên phân tích tác động trực tiếp, tức thì của đại dịch Covid-19 đến kết quả thực hiện một số mục tiêu như: xóa nghèo, xóa đói, sức khỏe tốt và cuộc sống hạnh phúc, giáo dục có chất lượng, bình đẳng giới, tăng trưởng kinh tế và việc làm bền vững, giảm bất bình đẳng trong xã hội cho thấy chỉ có 5 mục tiêu có khả năng đặt được vào năm 2030; 10 mục tiêu gặp khó khăn thách thức để đặt được và 2 mục tiêu rất khó để hoàn thành.

Để giải quyết những khó khăn, thách thức, Báo cáo cũng chỉ rõ, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế chính sách, rất cần sự phối hợp giữa các bên liên quan thực hiện đồng bộ có hiệu quả các mục tiêu PTBV. Đặc biệt, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh ĐMST, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ KH&CN để tăng cường khả năng chống chịu trước các rủi ro bất định do biến đổi khí hậu, thiên tai và dịch bệnh.

Tại hội thảo, các chuyên gia và diễn giả đã nghe 8 tham luận, thảo luận về các vấn đề: KH,CN&ĐMST trong thực hiện mục tiêu PTBV; kinh nghiệm của Ấn Độ trong việc thúc đẩy KH,CN&ĐMST thực hiện mục tiêu PTBV; kinh nghiệm của Việt Nam trong thúc đẩy KH,CN&ĐMST trong thực hiện mục tiêu PTBV…

Tham luận của các chuyên gia và diễn giả Ấn Độ và Việt Nam đã phân tích các thuận lợi, khó khăn cũng như chia sẻ bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện chính sách, chương trình, nhiệm vụ và giải pháp về KH,CN&ĐMST nhằm thực hiện hiệu quả Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự PTBV. Nhiều giải pháp, kế hoạch hoạt động ĐMST trong thời gian tới được đề cập, cụ thể như: tập trung nguồn lực rà soát, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về PTBV; tích cực triển khai hơn nữa các giải pháp KH&CN để ứng phó với biến đổi khí hậu, các vấn đề dịch bệnh, thiên tai; làm rõ, đánh giá tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đối với PTBV; xây dựng được bản đồ số về chỉ tiêu PTBV; quan tâm hơn nữa đến cơ chế, chương trình để thúc đẩy chuyển giao kết quả KH&CN, đặc biệt đến các vùng sâu vùng xa trên diện rộng; hỗ trợ, đầu tư tài chính giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa khôi phục sản xuất sau đại dịch Covid; thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực theo hướng ĐMST…

Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh được kiện toàn dựa trên Quyết định số 419/QĐ-TTg ngày 18 tháng 4 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ gồm 6 ủy ban chuyên môn là Ủy ban về PTBV, cải thiện môi trường kinh doanh; Ủy ban về xã hội; Ủy ban về môi trường; Ủy ban về giáo dục và phát triển nhân lực; Ủy ban về quan hệ đối tác công tư và Ủy ban về KH&CN.

Với vai trò là Chủ tịch của Ủy ban, Bộ KH&CN đã phối hợp với các bên liên quan triển khai xây dựng Chương trình công tác của Ủy ban; góp ý các chính sách về PTBV; tổ chức và tham gia trình bày tại các hội nghị, hội thảo quốc gia về PTBV. Đồng thời tổ chức nghiên cứu, xây dựng các báo cáo chuyên đề gửi Hội đồng quốc gia về PTBV và Nâng cao năng lực cạnh tranh: báo cáo hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ hoạt động ĐMST; nâng cao năng lực hấp thụ và phát triển công nghệ; thu hút nguồn lực cho hoạt động KHCN&ĐMST; báo cáo hướng dẫn của Liên hợp quốc về đánh giá chính sách KHCN&ĐMST nhằm tăng cường vai trò của KHCN&ĐMST trong thực hiện các mục tiêu PTBV; báo cáo hướng dẫn của Liên hợp quốc về gắn kết KH,CN&ĐMST vào lộ trình PTBV của quốc gia, đề xuất, khuyến nghị gắn kết KHCN&ĐMST vào lộ trình PTBV của Việt Nam.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 1028

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)