Thứ năm, 07/10/2021 20:31 GMT+7

Hội đồng giao trực tiếp tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ năm 2022 của tỉnh Ninh Bình

Ngày 05/10/2021, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Bình đã tổ chức Hội đồng tư vấn giao trực tiếp nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ năm 2021: “Ứng dụng công nghệ vi sinh sản xuất thức ăn cho vịt nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn, tăng trọng lượng, tăng số lượng trứng tại cơ sở chăn nuôi gia cầm tại Ninh Bình” thuộc chương trình phát triển Nông nghiệp và phát triển Nông thôn bằng hình thức trực tuyến. Nhiệm vụ do Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện. Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Bình là chủ tịch Hội đồng.

Toàn cảnh cuộc họp

Tại buổi làm việc, TS. Tạ Thu Hằng, Trưởng phòng Công nghệ Sinh học Nông nghiệp - đại diện nhóm nghiên cứu trình bày tóm tắt thuyết minh của nhiệm vụ.

Thủy cầm là loài chăn nuôi rất quan trọng ở nhiều nước đang phát triển. Riêng ở châu Á, chiếm 87.26% tổng đàn vịt thế giới, tập trung chủ yếu ở các nước: Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Bangladesh, Ấn Độ, Myanmar, Thái lan. Việt Nam là nước chăn nuôi thủy cầm đứng vị trí thứ 2 thế giới. Đóng góp thành công cho ngành chăn nuôi thủy cầm ở Việt Nam. Vấn đề phát sinh từ quá trình nuôi thủy cầm liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm đang có chiều hướng gia tăng. Để phát triển chăn nuôi thủy cầm bền vững cần có phương pháp chăn nuôi sạch, sử dụng chế phẩm sinh học góp phần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng thịt, trứng.

Ứng dụng công nghệ vi sinh trong sản xuất thức ăn chăn nuôi là giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm đầu ra, tăng hiệu quả chuyển hóa thức ăn, nâng cao sức đề kháng, giảm thiểu tỷ lệ gia cầm mắc bệnh, tiết kiệm chi phí đầu tư cho thức ăn, thuốc điều trị.

Ninh Bình với tài nguyên nước dồi dào, hệ thống nước mặt khá dày thuận lợi cho phát triển kinh tế vùng mặt nước, mang lại hiệu quả kinh tế gia trại, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo cải thiện mức sống cho người dân.

 Một trong những chủ trương phát triển chăn nuôi của Tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2020-2035 là ứng dụng khoa học công nghệ phát triển chăn nuôi theo hướng sạch.

Tuy nhiên, hiệu quả của chế phẩm sinh học phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chủng loại vi sinh vật, khả năng sống của vi sinh vật, khả năng chịu nhiệt, điều kiện bảo quản…

Để có cơ sở khoa học cho việc sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi vịt thịt, vịt đẻ đem lại hiệu quả tốt thì việc nghiên cứu về sản xuất chế phẩm và ứng dụng chăn nuôi cho các mô hình là rất cần thiết. 

Qua xem xét hồ sơ của cá nhân, tổ chức đăng ký chủ trì nhiệm vụ khoa học công nghệ Ứng dụng công nghệ vi sinh sản xuất thức ăn cho vịt nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn, tăng trọng lượng, tăng số lượng trứng tại cơ sở chăn nuôi gia cầm tại Ninh Bình”, Hội đồng đánh giá cao thuyết minh nhiệm vụ. Thuyết minh được xây dựng khá chi tiết, logic, có tính khoa học và tính thực tiễn cao, nêu được khái quát về tình hình nghiên cứu trong và ngoài nước liên quan đến nội dung nghiên cứu của nhiệm vụ, luận giải rõ ràng về tính cấp thiết phải thực hiện nhiệm vụ. Nội dung nghiên cứu bám sát mục tiêu và yêu cầu đặt hàng. Phương pháp nghiên cứu phù hợp với các nội dung đề ra. Sản phẩm khoa học dự kiến đạt được có định lượng cụ thể. Tổ chức và các cá nhân đăng ký tham gia thực hiện có đủ năng lực, kinh nghiệm để triển khai đề tài.

Hội đồng thống nhất phê duyệt thuyết minh và yêu cầu chủ nhiệm và nhóm thực hiện đề tài hoàn thiện thuyết minh theo những ý kiến góp ý của các thành viên hội đồng: chỉnh sửa, rút gọn khối lượng công việc thực hiện, rà soát kinh phí cho phù hợp với nội dung nghiên cứu và phối hợp với cơ quan chủ quản là Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình để tiến hành các thủ tục tiếp theo.

Thay mặt nhóm thực hiện nhiệm vụ, TS. Tạ Thu Hằng đã nghiêm túc tiếp thu các ý kiến góp ý của Hội đồng và chỉnh sửa trong đề cương sắp tới./.

Nguồn: Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng

Lượt xem: 927

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)