Thứ năm, 07/10/2021 15:42 GMT+7

Cam Cao Phong: Nâng cao giá trị từ quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý

Ngày 05/11/2014, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý (CDĐL) số 00046 cho các sản phẩm cam của huyện Cao Phong. Sản phẩm này tiếp tục được quản lý và phát triển sau bảo hộ thông qua dự án “Quản lý và phát triển CDĐL cam Cao Phong của tỉnh Hòa Bình” thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020, do Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hệ thống nông nghiệp chủ trì thực hiện.

Thông qua dự án, Ban kiểm soát CDĐL và Hội sản xuất kinh doanh cam huyện Cao Phong đã được thành lập nhằm tăng cường quản lý và kiểm soát, hạn chế việc giả mạo thương hiệu cam Cao Phong; thực hiện dán tem truy xuất nguồn gốc, sử dụng bao bì và logo CDĐL “Cam Cao Phong” để người tiêu dùng dễ nhận biết và phân biệt... Những nỗ lực này đã giúp cam Cao Phong duy trì được niềm tin của người tiêu dùng cũng như tạo được liên kết với các nhà phân phối lớn như Big C, VinMart, Metro, BRG...

Xây dựng và triển khai hệ thống các công cụ quản lý và phát triển CDĐL 

Việc đưa CDĐL “Cao Phong” dùng cho sản phẩm cam quả của huyện Cao Phong vào quản lý, khai thác từ năm 2014 đến nay đã đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, sản xuất và tiêu thụ cam Cao Phong vẫn đang gặp phải một số thách thức. Diện tích trồng cam tăng trưởng nóng, một số diện tích mới phát triển không đáp ứng được các điều kiện địa lý nên có nguy cơ làm suy giảm chất lượng chung của sản phẩm mang CDĐL “Cao Phong”. Trên thị trường, nhiều sản phẩm dán nhãn cam “Cao Phong” có giá rẻ từ 10.000-15.000 đồng/kg, ảnh hưởng đến uy tín của sản phẩm cam mang CDĐL. Sản phẩm mang CDĐL lưu thông trên thị trường chưa có hệ thống truy xuất nguồn gốc để thông tin và thuyết phục tiêu dùng…



Sổ tay sử dụng CDĐL “Cao Phong”

 

Trên cơ sở đánh giá thực trạng quản lý và phát triển CDĐL “Cao Phong”, nghiên cứu kinh nghiệm quản lý và phát triển CDĐL trong và ngoài nước, tổ chức hội thảo, tham vấn ý kiến của các chủ thể kinh tế sản xuất và kinh doanh cam tại huyện Cao Phong, Dự án đã hoàn thành việc xây dựng được hệ thống tổng thể quản lý và phát triển CDĐL “Cao Phong”. Từ đó, tăng cường vai trò kiểm soát CDĐL và chất lượng sản phẩm mang CDĐL cho cộng đồng bằng việc trao quyền cho Hội sản xuất và kinh doanh cam huyện Cao Phong, giảm thiểu các thủ tục hành chính không cần thiết trong việc quản lý sử dụng CDĐL.

Hệ thống quản lý và sử dụng CDĐL “Cao Phong” dùng cho sản phẩm cam quả của huyện Cao Phong qua vận hành thử nghiệm đã mang lại nhiều hiệu quả cao. Thông qua các tài liệu đào tạo và tổ chức tập huấn, nhận thức về vai trò của CDĐL đối với phát triển cây cam nói chung, năng lực quản lý và sử dụng CDĐL “Cao Phong” của các chủ thể kinh tế trong khu vực địa lý đã được cải thiện so với trước khi dự án được triển khai. Các tài liệu của hồ sơ đăng ký sử dụng CDĐL, hồ sơ quản lý CDĐL đã được xây dựng và áp dụng trong thực tiễn quản lý và sử dụng CDĐL “Cao Phong”.

Hiện nay, nguồn cung cam tăng nhanh tại thị trường nội địa, cam “Cao Phong” đang chịu sức ép cạnh tranh rất lớn, đặc biệt là sản phẩm cam của các tỉnh miền Bắc.  Để duy trì giá trị và thị phần của sản phẩm mang CDĐL “Cao Phong” trên thị trường, dự án đã góp phần thúc đẩy quá trình tạo dựng và duy trì hình ảnh của sản phẩm, nâng cao ý thức của người sản xuất, tổ chức chuỗi sản xuất và cung ứng, áp dụng hệ thống kiểm soát, tiến bộ kỹ thuật, quảng bá, xúc tiến thương mại, đa dạng hóa kênh phân phối và thay đổi phương thức bán hàng.

Tổ chức kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sản phẩm mang CDĐL

Thông qua Dự án, việc duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm đã được coi trọng. Đến nay, huyện Cao Phong đã có gần 1.200 ha cam được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Một số HTX như Hà Phong, 3T Farm đang chuyển đổi sản xuất theo hướng hữu cơ. Để đảm bảo uy tín và chất lượng của sản phẩm, tránh hiện tượng hàng giả/hàng nhái..., Dự án đã xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm dưới dạng tem điện tử thông minh mà người tiêu dùng có thể tra cứu dễ dàng bằng các thiết bị di động thông minh. 

Các thông tin truy xuất nguồn gốc bao gồm: Tên sản phẩm, mã số SP, tên nhà vườn; trọng lượng; giá tham khảo; lý lịch, nhật ký sản phẩm; ngày thu hoạch, hạn sử dụng; các chứng chỉ chất lượng (nếu có), thành phần và thành phần định lượng; quy trình sản xuất; hướng dẫn bảo quản; thông tin địa chỉ các cửa hàng bán sản phẩm; hình ảnh và đường link Video của sản phẩm hoặc nhà sản xuất; quy mô sản xuất, sản lượng; thông tin các nguyên vật liệu đầu vào... 

Kết quả, trên bao bì của sản phẩm mang CDĐL “Cam Cao Phong” có dán tem truy xuất nguồn gốc điện tử Qr-code. Người tiêu dùng có thể sử dụng phần mềm Zalo hoặc các phần mềm khác trên điện thoại Smartphone để tra cứu mọi thông tin liên quan đến sản phẩm và cơ sở sản xuất.



Tem truy xuất nguồn gốc Cam Cao Phong được sử dụng trong thương mại

 

Bên cạnh đó, Dự án đã hỗ trợ Ban kiểm soát CDĐL “Cao Phong” thẩm định hồ sơ, điều kiện sản xuất kinh doanh và chất lượng sản phẩm của các chủ thể đăng ký sử dụng CDĐL. Đến nay, đã có 5 tổ chức kinh tế tập thể (04 HTX, 01 Doanh nghiệp) và 01 Cơ sở kinh doanh của khu vực địa lý được cấp quyền sử dụng CDĐL “Cao Phong”, tương ứng với trên 2.000 hộ sản xuất cam được hưởng lợi. Trên 4.000 tấn cam (12,5% sản lượng vùng sản xuất), tương đương với 800.000 đơn vị sản phẩm sử dụng CDĐL (bao bì 5kg/hộp, logo, tem Qr-code) đã tham gia thị trường trong khuôn khổ dự án.

Thực hiện việc kiểm soát chất lượng sản phẩm của 04 chủ thể được cấp quyền sử dụng theo quy định kiểm soát CDĐL. Kết quả, tỷ lệ sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng CDĐL cao (trên 80% khối lượng sản phẩm của chủ thể), tỷ lệ sản phẩm sử dụng CDĐL trong thương mại đạt khá cao (trên 60% khối lượng sản phẩm).

Phát triển sản phẩm cam mang CDĐL theo chuỗi giá trị

Trong bối cảnh nguồn cung cam tươi đang dư thừa, giá bán có xu hướng giảm, các hộ gia đình trồng cam “Cao Phong” ít có khả năng tiếp cận với các kênh thị trường xa, các HTX hình thành và phát triển, hệ thống phân phối đa dạng..., việc giá trị hóa tài sản CDĐL chỉ có thể thực hiện thông qua thị trường bằng cách liên kết các tác nhân với nhau theo chuỗi giá trị. 

Vì vậy, Dự án đã hỗ trợ nâng cao năng lực phát triển chuỗi giá trị sản phẩm mang CDĐL bằng việc biên soạn các tài liệu và tổ chức tập huấn cho các chủ thể kinh tế trong khu vực địa lý về vai trò của liên kết theo chuỗi giá trị; các chính sách liên quan đến hỗ trợ HTX, lập kế hoạch sản xuất kinh doanh, quản lý tài chính, liên kết chuỗi, marketing, xây dựng và quản lý thương hiệu; hỗ trợ xây dựng hồ sơ năng lực, xác định các hình thức liên kết, thương thảo hợp đồng cung ứng sản phẩm cho các HTX đã được cấp quyền sử dụng CDĐL...

Dự án đã tiến hành nghiên cứu thị trường tiêu thụ sản phẩm cam: xác định đối thủ cạnh tranh; xác định thị hiếu tiêu dùng sản phẩm; nghiên cứu một số kênh hàng chính tiêu thụ sản phẩm cam tại Hà Nội (chợ đầu mối nông sản, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ dân sinh và bán hàng rong, bán hàng online), xác định được các cơ hội và thách thức thị trường đối với cam mang CDĐL “Cao Phong”.



Cam Cao Phong tại AGROVIET lần thứ 20

 

Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch thương mại hóa sản phẩm bao gồm: mục tiêu phát triển thị trường, chiến lược phát triển thị trường, giải pháp thực hiện kế hoạch thương mại hóa sản phẩm. Dựa trên kế hoạch này, dự án đã tổ chức phát triển sản phẩm cam mang CDĐL theo chuỗi giá trị, bao gồm: hỗ trợ thử nghiệm kênh phân phối (siêu thị, cửa hàng tiện ích và bán hàng online); xác định kênh phân phối tiềm năng; và tham gia hội chợ giới thiệu sản phẩm Cam Cao Phong tại Hà Nội.

Kết quả của các hoạt động trên đã giúp cam “Cao Phong” vẫn duy trì được mức giá bán của người sản xuất cao hơn từ 2-2,5 lần so với các sản phẩm cùng loại của các vùng sản xuất khác. Trong bối cảnh thị trường cam khủng hoảng, người sản xuất cam mang CDĐL “Cao Phong” vẫn có thu nhập từ 250-350 triệu đồng/ha.

Có thể nói, thành công lớn nhất của Dự án là duy trì và nâng cao được năng lực cạnh tranh của sản phẩm mang CDĐL trong bối cảnh kinh tế thị trường trước thực trạng nguồn cung dư thừa. Trong cơn khủng hoảng nhưng giá bán cam “Cao Phong” vẫn cao hơn các sản phẩm thông thường từ 2-2,5 lần và người sản xuất vẫn có lợi nhuận từ 250-350 triệu đồng/ha. Đây chính là cơ sở để khẳng định lại rằng, 1 sản phẩm mang CDĐL nếu thực sự có chất lượng đặc thù và quản lý tốt vẫn phát huy được hiệu quả kinh tế-xã hội trước những thách thức cạnh tranh.

 

Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ

Lượt xem: 1601

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)