Hội nghị có sự tham dự của ông Daren Tang- Tổng Giám đốc WIPO, ông Hasan Kleib- Phó Tổng Giám đốc phụ trách các vấn đề phát triển quốc gia và khu vực của WIPO, bà Sylvie Forbin- Phó Tổng Giám đốc phụ trách các vấn đề về quyền tác giả và các ngành công nghiệp sáng tạo, bà Wang Binying- Phó Tổng Giám đốc phụ trách các vấn đề về nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp và hơn 70 điểm cầu trực tuyến của cơ quan SHTT các nước khu vực châu Á, châu Đại Dương.
Phó Cục trưởng Trần Lê Hồng tham dự Hội nghị từ đầu cầu Hà Nội
Tổng Giám đốc WIPO Daren Tang đã trực tiếp chủ trì Hội nghị và có bài trình bày giới thiệu khái quát về bản Kế hoạch chiến lược trung hạn của WIPO giai đoạn 2022-2026. Đây được xem như văn bản phác thảo định hướng chiến lược của WIPO cho giai đoạn 5 năm tới, được xây dựng gồm 04 phần - Tầm nhìn (Vision), Nhiệm vụ (Mission), Trụ cột chiến lược (Strategic Pillars) và Nền tảng (Foundation), cụ thể:
- Tầm nhìn: Hoạt động đổi mới sáng tạo ở bất kỳ nơi nào trên thế giới đều nhận được sự hỗ trợ từ SHTT vì lợi ích của tất cả mọi người.
- Nhiệm vụ: Xây dựng một hệ sinh thái SHTT cân bằng và hiệu quả để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo vì một tương lai tốt đẹp và bền vững hơn.
- Trụ cột chiến lược (SP): (i) Tiếp cận ở phương diện toàn cầu để giới thiệu ý nghĩa tiềm năng của SHTT trong việc thúc đẩy cuộc sống của con người và ở bất cứ nơi nào trên thế giới; (ii) Thúc đẩy sự gắn kết và quan hệ hợp tác với các đối tượng liên quan để xây dựng tương lai của hệ sinh thái SHTT toàn cầu; (iii) Cung cấp các dịch vụ, kiến thức và dữ liệu chất lượng cao về SHTT cho người dùng trên toàn thế giới; (iv) Hỗ trợ các chính phủ, các doanh nghiệp, các cộng đồng và cá nhân trong việc sử dụng SHTT như một công cụ để tăng trưởng và phát triển bền vững.
- Nền tảng: Cung cấp nguồn lực, đào tạo và môi trường phù hợp để đội ngũ WIPO làm việc một cách hiệu quả, sáng tạo, hợp tác chặt chẽ.
Mô hình Strategic House mô phỏng Kế hoạch chiến lược trung hạn của WIPO giai đoạn 2022-2026 (Nguồn: WIPO)
Trong khuôn khổ Hội nghị, Tổng Giám đốc Daren Tang cũng đã giới thiệu một số điểm đáng chú ý của dự thảo Chương trình và Ngân sách giai đoạn 2022-2023.
Theo đó, tổng thu của WIPO giai đoạn 2022-2023 dự kiến đạt khoảng 951,8 triệu franc Thụy Sỹ (CHF), tăng 7,8% so với giai đoạn trước, trong đó nguồn thu từ phí đăng ký quốc tế dự kiến đạt 909,3 triệu CHF (phí PCT 736,9 triệu CHF, phí Madrid 160 triệu CHF, phí La Hay 12,2 triệu CHF), ước tính tăng 8,2%.
Tổng chi dự kiến khoảng 790,8 triệu CHF, tăng 3% so với giai đoạn trước, trong đó chi phí cho các trụ cột chiến lược dự kiến lần lượt là: SP1 17 triệu CHF, SP2 48,9 triệu CHF, SP3 340,4 triệu CHF, SP4 124,4 triệu CHF; chi phí cho Nền tảng dự kiến là 248,4 triệu CHF.
Lãnh đạo Cơ quan SHTT Úc phát biểu
Tại Hội nghị, đại biểu các nước châu Á, châu Đại Dương đều bày tỏ sự ủng hộ đối với bản Kế hoạch chiến lược trung hạn của WIPO giai đoạn 2022-2026, đặc biệt là trụ cột chiến lược về phát triển hệ sinh thái SHTT toàn cầu nơi mà cộng đồng đổi mới sáng tạo trên toàn thế giới đều có thể tham gia và hưởng lợi. Bên cạnh đó, các đại biểu đề xuất WIPO tiếp tục dành sự quan tâm trong giai đoạn tới như SHTT và sức khỏe cộng đồng, SHTT và biến đổi khí hậu, tri thức truyền thống...
Các nước sẽ tiếp tục thảo luận, cho ý kiến đối với bản Kế hoạch chiến lược trung hạn của WIPO giai đoạn 2022-2026 và Chương trình và Ngân sách giai đoạn 2022-2023 của WIPO trong khuôn khổ các phiên họp của Ủy ban Chương trình và Ngân sách, sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 7 và tháng 9/2021, trước khi trình lên Đại hội đồng WIPO 2021 diễn ra vào cuối tháng 9/2021./.