Nhân dịp Việt Nam có những lô vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang đầu tiên được xuất khẩu sang Nhật Bản với chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ tại thị trường này, một bước tiến trong công tác phát triển tài sản trí tuệ, Báo Khoa học và Phát triển trao đổi với TS Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) xung quanh vấn đề này.
Báo Khoa học và Phát triển: Thưa ông, điều gì khiến bảo hộ chỉ dẫn địa lý trở thành quan trọng trong việc nâng cao giá trị của chuỗi nông sản chủ lực ở Việt Nam?
Ông Đinh Hữu Phí: Nhìn vào bản chất vấn đề thì chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để phân biệt các sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể. Để được bảo hộ chỉ dẫn địa lý thì các sản phẩm phải có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính mà chủ yếu là do điều kiện địa lý mang lại. Chính vì yếu tố này, các sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý sẽ dễ dàng nổi bật hơn, thậm chí có giá trị hơn so với các sản phẩm tương tự trên thị trường. Mặt khác, việc áp dụng bảo hộ chỉ dẫn địa lý còn giúp ngăn ngừa và chống lại các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, làm mất đi giá trị và danh tiếng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.
Chúng ta đều thấy, Việt Nam là một nước nông nghiệp và hầu như địa phương nào cũng có những sản phẩm mang đặc trưng riêng và tạo nên thế mạnh của địa phương. Do hầu hết các sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý là nông sản nên việc bảo hộ còn có ý nghĩa kinh tế quan trọng, góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Hiệu quả của bảo hộ chỉ dẫn địa lý đã được chứng thực trên thực tế, đó là giá trị và uy tín của nhiều sản phẩm gia tăng đáng kể, ví dụ mật ong bạc hà Mèo Vạc sau khi bảo hộ chỉ dẫn địa lý, kiểm soát nguồn gốc, chất lượng, quảng bá sản phẩm đã tăng giá gần gấp đôi, tương tự nước mắm Phú Quốc tăng giá từ 30-50%, bưởi Phúc Trạch tăng từ 30-35%, cam Vinh tăng hơn 50% sau khi được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Đáng chú ý là một số sản phẩm gắn chỉ dẫn địa lý cũng đã được xuất khẩu, được bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài như thanh long Bình Thuận, vải thiều Lục Ngạn... Tôi cho rằng, đây cũng là động lực cho người nông dân thúc đẩy sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô thương mại. Do vậy, chỉ dẫn địa lý là một công cụ hữu hiệu để bảo hộ các đặc sản, nông sản chủ lực của nước ta.
TS Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ
Vậy ông đánh giá như thế nào về việc Việt Nam triển khai thi hành Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA)? Nông sản Việt Nam sẽ được hưởng lợi gì từ cơ chế bảo hộ theo Hiệp định?
Chúng ta có thể thấy là điểm đặc biệt của cam kết về chỉ dẫn địa lý theo Hiệp định EVFTA là ngoài cam kết về các tiêu chí liên quan đến hệ thống đăng ký chỉ dẫn địa lý, các bên còn cam kết bảo hộ cho nhau một danh mục các chỉ dẫn địa lý (169 chỉ dẫn địa lý của EU được bảo hộ tại Việt Nam và 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được bảo hộ tại EU). Mức độ bảo hộ dành cho các chỉ dẫn địa lý này tương ứng với mức độ bảo hộ chỉ dành cho rượu vang và rượu mạnh trong Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPS) cũng như Luật SHTT hiện hành.
Do đó, việc ký kết và thực thi Hiệp định EVFTA sẽ mang lại cơ hội lớn cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam khi 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam (phần lớn là nông sản) được bảo hộ tự động tại EU – thị trường xuất khẩu vô cùng quan trọng với 28 quốc gia thành viên. Việc này không chỉ bảo đảm quyền đối với các chỉ dẫn địa lý dùng cho nông sản của ta vốn đã có mặt trên thị trường này từ lâu như nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Ma Thuột mà còn mở ra cơ hội tiếp cận thị trường cho các đặc sản khác như chè Mộc Châu, vải thiều Thanh Hà, cam Cao Phong, chuối Đại Hoàng...
Vải thiều tươi Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản được thị trường đón nhận. Ảnh: congthuong.vn
Hiện nay Cục SHTT đang phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT. Vậy trong số các sửa đổi này có liên quan đến bảo hộ chỉ dẫn địa lý không, thưa ông?
So với hai lần sửa đổi vào các năm 2009 và 2019 thì lần sửa đổi này của Luật SHTT bao hàm một phạm vi khá rộng, với khoảng 90 điều của 14 chương; trong số này có 10 điều có nội dung liên quan đến chỉ dẫn địa lý. Các sửa đổi về chỉ dẫn địa lý không mang tính chất thay đổi chính sách mà chủ yếu là quy định bổ sung hoặc làm rõ hơn một số vấn đề, ví dụ quy định cụ thể hơn về việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý đồng âm, về quản lý chỉ dẫn địa lý, về quyền của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý...
Ông có thể giải thích rõ hơn về các nội dung sửa đổi này, ví dụ vấn đề bảo hộ chỉ dẫn địa lý đồng âm và quản lý chỉ dẫn địa lý?
Đối với nội dung chỉ dẫn địa lý đồng âm, các chỉ dẫn địa lý này được hiểu là các chỉ dẫn địa lý giống nhau về cách viết hoặc phát âm dùng cho các sản phẩm có nguồn gốc địa lý khác nhau, thường là ở các quốc gia khác nhau (ví dụ “Rioja” là tên một vùng ở Tây Ban Nha và Argentina được sử dụng cho sản phẩm “rượu vang” được sản xuất ở cả hai quốc gia này). Hiệp định TRIPS có quy định về việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý đồng âm dùng cho rượu vang. Luật SHTT hiện hành không loại trừ khả năng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đồng âm tuy nhiên chưa có quy định và hướng dẫn cụ thể. Do đó, việc bổ sung quy định để làm rõ các điều kiện bảo hộ chỉ dẫn địa lý đồng âm là cần thiết để đáp ứng nhu cầu bảo hộ chỉ dẫn địa lý này trong tương lai.
Nếu nhìn rộng ra thì chúng ta có thể thấy, Luật SHTT hiện hành quy định chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý Việt Nam là Nhà nước; quyền quản lý chỉ dẫn địa lý thuộc về UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có chỉ dẫn địa lý hoặc cơ quan, tổ chức được UBND tỉnh trao quyền với những điều kiện nhất định. Tuy nhiên đây chưa hẳn là một sự phân định tối ưu bởi trên thực tế, vẫn còn tồn tại một số vướng mắc trong quản lý chỉ dẫn địa lý ở các địa phương như việc xác định đâu là vai trò quản lý nhà nước, đâu là vai trò quản lý tài sản khi cơ quan quản lý nhà nước là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý; xác định các nội dung cần thực hiện để quản lý việc sử dụng chỉ dẫn địa lý … Để bảo đảm sự thống nhất trong quản lý nhà nước về chỉ dẫn địa lý, bảo đảm quyền lợi của cộng đồng các nhà sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý ở địa phương, thúc đẩy phát triển chỉ dẫn địa lý, các nội dung này cần được hướng dẫn cụ thể ở một văn bản dưới Luật, do vậy Dự thảo Luật bổ sung quy định Chính phủ hướng dẫn chi tiết về việc thực hiện quyền quản lý chỉ dẫn địa lý.
Mặc dù nội dung sửa đổi không nhiều, nhưng tôi tin rằng các quy định sửa đổi, bổ sung liên quan đến chỉ dẫn địa lý sẽ góp phần hoàn thiện hơn nữa hệ thống pháp luật về SHTT, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thuận lợi hơn để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm (chủ yếu là nông sản) mang chỉ dẫn địa lý nói riêng và kinh tế nông nghiệp, nông thôn nói chung.
Để quy định sửa đổi về chỉ dẫn địa lý khả thi và đi vào đời sống, qua đó góp phần nâng cao giá trị nông sản thì chúng ta cần những điều kiện gì?
Theo kế hoạch, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT (Luật sửa đổi) sẽ được trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ II Quốc hội khóa XV (tháng 10/2021). Trên cơ sở Luật sửa đổi, bổ sung được Quốc hội thông qua (dự kiến vào kỳ họp tháng 5/2022), các cơ quan có thẩm quyền sẽ tiếp tục xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật (Nghị định, Thông tư). Bên cạnh đó, để các quy định của Luật SHTT, trong đó có quy định về chỉ dẫn địa lý, thực sự đi vào cuộc sống, công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn về các chính sách, quy định mới sẽ cần được triển khai rộng rãi đến các nhóm chủ thể liên quan, đặc biệt là các cơ quan quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực và ở các địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng.
Tính đến hết năm 2020, Việt Nam có 94 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ trong nước, con số này đã tăng đáng kể so với năm 2012 (31 chỉ dẫn địa lý) khi chúng ta mới bắt đầu đàm phán Hiệp định EVFTA.
Tuy nhiên, điều tôi muốn nhấn mạnh là trong thời gian tới, chúng ta không chỉ gia tăng số lượng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ mà quan trọng hơn, các hoạt động liên quan đến bảo hộ chỉ dẫn địa lý cần đi vào chiều sâu theo hướng nâng cao hiệu quả công tác quản lý, phát triển chỉ dẫn địa lý sau bảo hộ, đặc biệt là việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống kiểm soát chất lượng đối với sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý. Có như vậy thì nông sản Việt Nam mới giữ vững được chất lượng, uy tín ở thị trường trong nước, dần dần vươn ra và có chỗ đứng trên thị trường nước ngoài.
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!