Theo đó, nhu cầu hạt giống bông tăng không những về số lượng mà còn cả về chủng loại sao cho phù hợp với từng điều kiện sinh thái, tập quán canh tác, cơ cấu cây trồng cụ thể và tạo tính đa dạng sinh học nhằm phát triển sản xuất bông một cách có hiệu quả và bền vững. Hiện nay, trong công tác chọn tạo giống bông, thành tựu quan trọng nhất là phát triển các giống bông lai F1 từ năm 1995 đến nay. Loại hình giống này có ưu thế lai về sinh trưởng, năng suất, có chất lượng xơ tốt, kháng cao với các loại sâu đục quả, sâu chích hút (như VN15, VN01-2, VN04-4,…). Tuy nhiên, hạn chế trong sử dụng giống lai là giá thành hạt giống cao (200.000 đồng/kg hạt giống) và thời gian sinh trưởng dài (150 - 170 ngày), yêu cầu cao về độ phì nhiêu. Hiện nay tại phía Bắc chủ yếu trồng giống bông lai VN01-2 đây là giống có khả năng kháng sâu miệng nhai, kháng rầy xanh và cho năng suất thu hoạch ổn định. Gần đây do biến động của thời tiết khí hậu, với những năm mưa nhiều kéo dài như năm 2010 và năm 2013 thì giống VN01-2 biểu hiện nhiễm bệnh đốm lá nặng làm giảm năng suất và chất lượng xơ bông.
Trong điều kiện sản xuất bông tại các tỉnh phía Bắc thì ngoài việc trồng thâm canh các giống bông lai thì cần thiết phải có các giống bông thuần chống chịu sâu bệnh, giá hạt giống rẻ (100.000đ/kg) phù hợp với điều kiện trồng bán thâm canh của đồng bào dân tộc miền núi. Gần đây giống bông thuần VN36PKS đã được công nhận cho sản xuất thử ở các vùng trồng bông với tính kháng sâu được cải thiện. Tuy nhiên giống VN36PKS trồng tại các tỉnh phía Bắc bị nhiễm bệnh và cho năng suất chưa cao. Xuất phát từ các lý do trên, nhóm nghiên cứu do KS. Phan Quốc Hiển, Công ty cổ phần Bông miền Bắc tiến hành nghiên cứu đề tài: “Khảo sát, đánh giá một số giống bông có triển vọng và hoàn thiện quy trình kỹ thuật phù hợp cho một số vùng sản xuất bông phía Bắc” nhằm đáp ứng cho sản xuất bông tại các tỉnh phía Bắc, lựa chọn các giống bông thuần cho năng suất và chất lượng tốt phù hợp với điều kiện sản xuất bán thâm canh của đồng bào dân tộc miền núi vừa giảm bớt chi phí sản xuất và giá thành hạt giống từ đó khuyến khích người dân mở rộng thêm diện tích trồng bông.
Sau 24 tháng nghiên cứu (từ tháng 01/2016 đến tháng 12/2017), nhóm nghiên cứu đã thu được các kết quả như sau:
1. Từ kết quả khảo sát đánh giá 5 giống bông thuần tại Lạng Sơn, Điện Biên đã lựa chọn được 2 giống triển vọng là NH1 và NH3 có năng suất cao đạt trên 25 tạ/ha và chất lượng xơ đạt cấp 1, TCVN. Trong đó, giống NH3 cho năng suất cao 26,81-27,8 tạ/ha và khả năng kháng bệnh tốt hơn so với giống NH1.
2. Đã xác định một số biện pháp kỹ thuật để bổ sung hoàn thiện Quy trình kỹ thuật trồng bông thuần NH3 như sau:
- Thời vụ: Thời vụ thích hợp gieo bông NH3 cho năng suất cao và ổn định từ 18/5 đến 8/6 tại vùng Lạng Sơn và từ 5/5 đến 25/5 tại vùng Điện Biên.
- Mật độ: Giống bông thuần NH3tại Lạng Sơn và Điện Biên gieo mật độ 6,7 vạn cây/ha cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao.
- Phân bón: Trồng bông thuần NH3 tại vùng Lạng Sơn và Điện Biên bón phân với lượng 90N: 45P2O5:60K20/ha cho lãi thuần cao nhất.
- Thời kỳ bấm ngọn: Trong điều kiện cây bông NH3 sinh trưởng tốt nên bấm ngọn vào giai đoạn 12-14 cành quả, cây bông quả to, sai quả, năng suất và hiệu quả kinh tế cao.
- Phun Ethrel: Phun Ethrel với nồng độ 0,09% vào giai đoạn quả nở đầu tiên rút ngắn thời gian sinh trưởng của bông NH3 từ 7-9 ngày, giúp bông chín tập trung và giảm từ 8-10 công thu hoạch/ha.
3. Đã xây dựng 2 mô hình thâm canh giống bông NH3 tại Lạng Sơn đạt năng suất 22,13 tạ/ha và tại Điện Biên đạt 22,79 tạ/ha, cho lãi thuần đạt 5,552 - 6,288 triệu đồng/ha, cao gấp 2,4 -3,4 lần so với lãi thuần của đối chứng sản xuất bông VN01-2.
Các kết quả đã được công bố trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Nông nghiệp Việt Nam.
*Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 14652/2018) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.