Ông Lê Ánh Dương, Phó Bí thư tỉnh Ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang
Bằng cách nào Bắc Giang tận dụng những nguồn lực của địa phương để có thể tập trung đầu tư cho chiến lược phát triển sản phẩm chủ lực địa phương, thưa ông?
Trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, chúng tôi đã xác định tỉnh phải có sự bứt phá, tập trung nguồn lực phát triển nông nghiệp theo chiều sâu luôn được coi trọng, bên cạnh việc thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng - dịch vụ. Do đó, chúng tôi cho rằng cần phải tập trung vào một số sản vật địa phương, có kế hoạch cụ thể để thúc đẩy đầu tư khoa học và công nghệ (KH&CN), tổ chức các chuỗi liên kết, xây dựng, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
Để khắc phục hiện trạng trước đây là một nền sản xuất nhỏ lẻ không đủ điều kiện để tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, khó cơ khí hóa, ứng dụng các tiến bộ KH&CN nên tỉnh đã phải quy hoạch các vùng sản xuất. Quy hoạch được đưa ra dựa trên cơ sở đánh giá các nguồn lực đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng, điều kiện canh tác... cũng như nguồn lực con người – luôn có vị trí đặc biệt quan trọng có ý nghĩa quyết định. Suy cho cùng, dù chúng tôi có thực hiện quy hoạch như thế nào đi chăng nữa thì chính những người nông dân, chính các hợp tác xã mới là người làm ra sản phẩm, họ phải am hiểu kỹ thuật, tâm huyết với nông sản, và quan trọng là phải có niềm tin làm sản phẩm đó sẽ thành công.
Do đó, Bắc Giang là một trong những tỉnh đầu tiên chủ động triển khai nghiên cứu xây dựng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng trên toàn tỉnh; làm cơ sở khoa học phục vụ thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và quản lý sử dụng bền vững tài nguyên đất nông nghiệp. Việc đánh giá, lập quy hoạch được thực hiện bài bản tính toán các loại sản phẩm nào phù hợp rồi tỉnh mới đầu tư cho triển khai các dự án. Sau đó, quy trình triển khai đầu tư cũng được tiến hành qua nhiều bước, với bước đầu là tổ chức các dự án thí điểm, đánh giá lại quy trình, xem khâu nào mạnh, yếu, khâu nào có thể đầu tư để làm tăng giá trị gia tăng của nông nghiệp, từ đó mới triển khai ra trên diện rộng.
Yếu tố đầu tiên mà ông nhắc tới trong việc thúc đẩy tổ chức sản xuất hàng hóa cho các nông sản chủ lực là yếu tố KH&CN. Vì sao lãnh đạo tỉnh đặt niềm tin vào KH&CN?
Việc đặt niềm tin vào KH&CN không chỉ bắt nguồn từ chủ trương của Đảng và nhà nước coi KH&CN là quốc sách hàng đầu, mà còn xuất phát từ thực tiễn của Bắc Giang. Nông nghiệp Bắc Giang từ xuất phát điểm thấp, không có sản phẩm chủ lực, không có hàng hóa nông sản vượt ra tầm biên giới quốc gia cho đến ngày nay làm được những điều này đều là nhờ KH&CN.
Thực tiễn cho thấy những minh chứng rõ ràng, ví dụ như ở 800 mô hình nông nghiệp công nghệ cao được chúng tôi tập trung đầu tư vào KH&CN, thu nhập của người nông dân tại những mô hình này tăng gấp chục lần, thậm chí hai chục lần so với khi chưa đưa KH&CN vào. Điển hình trong số đó là quả vải, trước đây sản lượng lớn nhưng giá bán chưa bao giờ quá 10.000 đồng một kg, nhiều năm ế đến mức có một thời kỳ người nông dân còn chặt bỏ vải thiều trồng cây khác. Sau đó chúng tôi nhận ra rằng nếu như không ứng dụng KH&CN vào thì vải thiều sẽ không tồn tại được. Từ khi ứng dụng KH&CN, đầu tiên là áp dụng các tiêu chuẩn về chất lượng, thứ hai là xây dựng quy trình sản xuất đảm bảo an toàn, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe nhất của các nước tiên tiến, lập tức giá bán của vải thiều đã tăng lên gấp 3-4 lần. Trong một vùng vải thiều, địa điểm nào được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu, áp dụng tiêu chuẩn KH&CN càng cao thì giá bán càng tốt, tiêu thụ càng thuận lợi.
Cũng vẫn quả vải đó, nếu không xây dựng thành vùng có mã số, chỉ dẫn địa lý, không đầu tư vào KH&CN người dân phải tự mang vải ra chợ bán, còn những vùng nào được cấp mã vùng trồng, được áp dụng các tiêu chuẩn cao thì các doanh nghiệp xuất khẩu tìm đến tận vườn. Từ tổng kết thực tiễn đó chúng tôi thấy rằng con đường của KH&CN là con đường duy nhất đúng để nâng cao giá trị, thương hiệu của sản phẩm, qua đó đem lại nguồn thu cho người nông dân tốt hơn. Đó là lý do mà tỉnh đặt niềm tin rất cao vào KH&CN.
Và khi sản phẩm vải thiều Lục Ngạn được bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở thị trường Nhật Bản, vai trò của KH&CN càng lớn?
Chúng tôi nghĩ rằng tới đây càng ngày việc ứng dụng KH&CN càng trở nên bức thiết hơn trong cuộc đua về chất lượng, cuộc đua về uy tín thương hiệu của sản phẩm. Nếu chúng ta đã xác định sản xuất để xuất khẩu cạnh tranh với hàng hóa cùng loại trên thế giới thì việc thắng hay bại là ở ứng dụng KH&CN, từ khâu trồng trọt cho tới chế biến, bảo quản đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường quốc tế.
Tiếp đó, chúng tôi cho rằng không thể lơ là coi nhẹ việc quản lý tài sản trí tuệ bởi nếu chỉ lo sản phẩm tốt nhưng không lo khâu bảo hộ thì sẽ mất quyền của người chủ sản phẩm. Ngành may mặc cũng đã có những bài học khi nhiều doanh nghiệp không bảo hộ được quyền sở hữu công nghiệp, phải xuất sản phẩm ra nước ngoài với nhãn hiệu thương hiệu của người khác, mà phần lợi nhuận tốt nhất không rơi vào những người trực tiếp lao động mà rơi vào chủ nhãn hiệu. Với nông sản cũng vậy, nếu không làm tốt việc quản lý quyền sở hữu trí tuệ thì chúng ta sẽ rơi vào lỗi tương tự.
Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ mới mà lãnh đạo tỉnh đặt ra cho ngành KH&CN tới đây để tiếp tục thúc đẩy ngành nông nghiệp của tỉnh?
Ngành KH&CN luôn có nhiệm vụ rất quan trọng là nâng cao giá trị cho các sản phẩm chủ lực, cũng như trở thành nguồn lực trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Đứng trước yêu cầu mới, không chỉ ứng dụng KH&CN vào thúc đẩy năng suất cao nữa mà phải để tạo giá trị thu nhập cao thì yêu cầu đặt ra cho ngành KH&CN sẽ nặng nề hơn. Vì một điểm yếu rõ nét nhất của sản xuất nông nghiệp Việt Nam là luôn trong tình trạng “được mùa giải cứu”. Đã đến lúc chúng ta phải suy nghĩ lại, là thay vì đẩy mạnh ứng dụng KH&CN để tăng năng suất thì phải cân đối giữa năng suất với chất lượng và với thị trường.
Để làm được điều đó, tôi cho rằng ngành KH&CN phải tìm ra hướng đi mới, đó là góp phần tạo ra những sản phẩm đặc biệt mà thị trường có nhu cầu và có khả năng mang lại thu nhập cao cho người nông dân. Nhiều năm qua, tôi rất trăn trở việc chúng ta có thể làm tăng năng suất một số sản phẩm nông nghiệp nhưng thu nhập thực tế cho người lao động lại không tăng lên. Giải quyết được mâu thuẫn này, chúng ta sẽ còn có cơ hội thoát ra khỏi một suy nghĩ đã trở thành lối mòn cố hữu trước đây là KH&CN chỉ được ứng dụng để tăng năng suất. Tôi nghĩ KH&CN có thể còn làm được nhiều việc hơn thế và đó cũng chính là cách KH&CN có thể giúp địa phương chúng tôi giải quyết được mâu thuẫn đó. Ví dụ, toàn bộ vùng cây ăn quả của Bắc Giang nếu muốn thoát khỏi cảnh được mùa mất giá, thì chỉ còn một cách là phải lên một đẳng cấp mới: từ sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn phải lên mức theo hướng hữu cơ mà thị trường đang rất cần. Chúng ta phải lựa chọn giữa cách thúc cho cây ra nhiều trái, với cách chuyển sang sản phẩm hữu cơ kết hợp với ứng dụng KH&CN – chính là quy trình, tiêu chuẩn, bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp thì sẽ duy trì được sản xuất bền vững, mang lại thu nhập cao.
Đã đến lúc chúng ta thay đổi tư duy, từ chỗ chạy theo sản lượng sang tạo ra bước đột phá về chất lượng, tạo ra sản phẩm mới bền vững. Đó là yêu cầu mới đặt ra với ngành KH&CN.
Không có KH&CN nào có thể thành công nếu thiếu những chủ nhân của ruộng đồng, vậy Bắc Giang phải làm thế nào để phát huy nguồn lực con người của địa phương?
Ngày nay, người nông dân phải trở thành người nông dân thông minh. Trước hết, người nông dân phải được trang bị kiến thức về KH&CN, hiểu sâu sắc quy trình sản xuất, cơ chế để tạo ra sản phẩm tốt, phải làm chủ được cái mảnh vườn của mình, đồng thời phải nắm bắt được tín hiệu của thị trường, từ bỏ thói quen làm theo phong trào. Họ phải có khả năng trả lời được câu hỏi sản phẩm này mình làm có tiêu thụ được không? nếu tiêu thụ thì có thuận lợi hay không? thuận lợi rồi thì có mang lại giá trị bền vững hay không?
Với những tiêu chuẩn như vậy, hẳn rất khó để tự người nông dân trở thành nông dân thông minh?
Chúng tôi cũng thấy là có quá nhiều kiến thức mà họ không thể tiếp cận tới, nhất là kiến thức về khoa học và công nghệ liên tục thay đổi, thị trường lại luôn biến động đòi hỏi phải có tầm nhìn dài hạn chứ không thể ngắn hạn vài vụ mùa. Do đó cần tới vai trò của nhà nước, trước hết là của ngành nông nghiệp, cụ thể là của hệ thống khuyến nông, hai là vai trò của ngành KH&CN trong việc chuyển giao KH&CN cho nông dân, triển khai các mô hình điểm, tập huấn.
Để phát huy được yếu tố con người, việc đầu tiên là phải xây dựng đội ngũ khuyến nông, khuyến lâm để làm nhiệm vụ tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, thậm chí là ở miền núi thì không chỉ dừng lại ở tập huấn mà còn phải cầm tay chỉ việc, giúp cho người dân, cùng làm với người dân. Chú trọng chuyển giao khoa học, kỹ thuật nên ngoài cơ chế của trung ương, tỉnh đã đầu tư thêm cho mỗi xã một cán bộ khuyến nông và thú y để chuyên làm việc đưa ứng dụng KH&CN đến với người nông dân. Ở những vùng trọng điểm, tổ chức hệ thống các trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp tổng hợp tập trung lực lượng khoa học kỹ thuật của ngành nông nghiệp ở vùng đó vào trung tâm, từ đó lan tỏa và hỗ trợ cho người nông dân. Nhưng để có người nông dân thông minh thì tri thức về KH&CN, kỹ thuật trong việc sản xuất các sản phẩm vẫn còn chưa đủ mà cũng phải hỗ trợ họ hiểu biết về thị trường, khắc phục tư duy làm theo phong trào, năm nay bán gì được giá thì sang năm lại ào ào trồng theo, dẫn tới được mùa mất giá.
Đó chính là quá trình chúng tôi đi từ đánh giá cơ bản, lấy đó làm cơ sở phát huy các nguồn lực của địa phương, từ đất đai, cơ chế chính sách, tài chính, nhân lực KH&CN…, để cuối cùng mới hình thành được những sản phẩm chủ lực mang hàm lượng KH&CN cao, đảm bảo chuỗi liên kết, có thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường trong nước, quốc tế. Hiện nay tất cả cây ăn quả sản xuất ở vùng này đều có giá trị thương hiệu cao, có uy tín, tiêu thụ thuận lợi, điển hình là các sản phẩm như vải thiều Lục Ngạn đã xuất khẩu trên 30 nước, đã được bảo hộ ở các thị trường rất khó tính như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu, Úc, gà đồi Yên Thế đã cũng được bảo hộ ở rất nhiều nước Đông Nam Á, chất lượng và sản lượng ổn định qua nhiều năm, mang lại nguồn thu lớn cho người nông dân.
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!