Thứ năm, 06/05/2021 14:55 GMT+7

Phát triển sản phẩm chủ lực của địa phương: Câu chuyện từ Bắc Giang

Những cuộc trò chuyện ở Bắc Giang đưa người ta đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, không chỉ bởi sự hồ hởi của những hộ nông dân tham gia vào chuỗi phát triển sản phẩm chủ lực mà cả sự tâm huyết và lòng nhiệt thành của nhà quản lý các cấp, đặc biệt là của ngành khoa học và công nghệ.

Ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên, người ta đã có thể cảm nhận được sự nhiệt tình xen lẫn tự hào của chị Dương Thị Luyện, Giám đốc Hợp tác xã măng lục trúc Tân Yên, Bắc Giang. Cũng như bất cứ một doanh nghiệp có mạng lưới tiêu thụ rộng nào, hợp tác xã của chị lúc nào cũng bận rộn, tấp nập người ra vào, đến 12 giờ trưa thì ngay cả giám đốc vẫn còn chưa được ăn, dù cơm nước đã sẵn sàng. Chúng tôi cũng phải ngồi chờ chị gần 20 phút vì chị` còn phải ngược xuôi chạy đôn chạy đáo. “Nếu bạn đến trước đây khoảng 15 phút sẽ thấy tôi giải quyết công việc một lúc của bốn đoàn của bốn tỉnh khác nhau. Tôi chỉ tiếp khách thôi đã mệt rồi, từ sáng đến giờ chưa ăn uống gì”, vừa ngồi xuống bàn làm việc, chị vừa chia sẻ nỗi niềm của một người phải bao quát công việc để đảm bảo đưa củ măng từ đồng đất Tân Yên có thể đến tận tay các nhà hàng ở Hà Nội, Quảng Ninh, Huế… - một chuỗi giá trị mà chị dày công gây dựng mấy năm nay.



Ứng dụng công nghệ và khảo nghiệm trồng dưa lưới. Nguồn ảnh: Báo Bắc Giang

 

Có lẽ, lúc nào người ta cũng nhận thấy sự tự hào về sản phẩm mình làm ra của một người sống chết với công việc như chị. “Nhiều người họ nói với tôi chẳng thấy chị giám đốc nào như chị cả, chân đất, tay vẫn còn đào măng”, chị Dương Thị Luyện không ngại ngần kể về sự gắn bó máu thịt của mình với củ măng, dù đã “lên chức”. Với chị, dù được nhập từ Đài Loan thì cây trúc đã là một phần tài sản của đồng đất ở đây. Do đó, cách quảng bá ‘củ măng ngọt mát như củ đậu, lại có vị thơm phảng phất như ngô nếp’ của chị cũng thật khác biệt với nhiều cách làm khác. “Đi du lịch ở Quảng Ninh cùng mọi người, tôi mang theo chục cân măng, đổi lấy một con tôm hùm rồi nhờ họ nấu cùng. Khi ăn, họ reo lên ‘ôi sao ngon thế nhỉ’ và tìm về đến tận đây để ký hợp đồng”. Dù chị chưa kể hết các “mánh” quảng bá sản phẩm nhưng người ta có thể mường tượng ra cách tiếp cận thị trường hiệu quả của chị ở một xã nhỏ bé có thể cung cấp cả hai tấn măng cho thị trường mỗi ngày.

Những tưởng chỉ có những người sống chết với sản phẩm mình làm ra mới có thể “sôi sục” trong công việc như vậy nhưng ở Bắc Giang thì dường như ai cũng sẵn có điều đó. Trên đường dẫn chúng tôi tới các cơ sở sản xuất các sản phẩm chủ lực của tỉnh, anh Ngô Anh Hoàng, Phó trưởng Phòng Quản lý Khoa học và Công nghệ cơ sở và sở hữu trí tuệ - Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Bắc Giang liên tục gọi và nhận một số cuộc điện thoại mà nội dung cũng chỉ xoay quanh các sản phẩm chủ lực. “Sắp tới có cuộc hội thảo toàn quốc ở Lâm Đồng, chúng tôi muốn nhân cơ hội này để quảng bá thêm với mọi người sản vật của Bắc Giang”. Bắc Giang có nhiều sản phẩm chủ lực, lần này, anh gửi mì Chũ của hợp tác xã Mỳ gạo Chũ Xuân Trường, nơi mới đầu tư gần 100 triệu đồng để thiết kế lại logo, tem nhãn, bao bì đóng gói. Không ai giao việc này cho anh cả nhưng anh cảm thấy trách nhiệm của một người sống ở vùng đất có nhiều sản phẩm đặc trưng mà chưa được người dân ở nhiều địa phương trên cả nước biết đến. Việc gửi vài thùng mì đi giới thiệu ở các hội nghị có nhiều đại diện ở các địa phương khác nhau cũng là một kênh quảng bá tốt, anh cho biết như vậy.

Ngược trở lại quãng thời gian vài ba năm trước đây, khi mọi việc, mọi sản phẩm còn “chưa ra ngô ra khoai” như bây giờ, chính sự nhiệt tình với công việc và sẵn sàng kết nối như vậy đã đưa những con người ở đây đến việc giải bài toán sản phẩm chủ lực. “Công việc thì giao cho Sở Công thương tỉnh nhưng thật ra nhiều nơi cùng xúm vào làm. Ban đầu họ hỏi tôi xem bên Sở KH&CN có tiêu chí nào để lựa chọn và đánh giá không, thế rồi Sở KH&CN, Sở NN&PTNT… cùng tham gia tư vấn. Trên cơ sở đó, Bắc Giang có thể phân loại dựa trên một số tiêu chí nhất định như quy mô, sản lượng, chỉ tiêu chất lượng, thị trường…”, ông Ngô Chí Vinh, Phó Giám đốc Sở KH&CN, cho biết.

Theo cách đó, câu chuyện sản phẩm chủ lực của Bắc Giang không đơn thuần là của một vài hợp tác xã hay của một ngành, một lĩnh vực mà là câu chuyện chung với đích đến là tạo điều kiện cho sản lượng mùa vụ cao hơn, sản phẩm có sức cạnh tranh cao hơn và người dân có thu nhập bền vững hơn. Không phải ngẫu nhiên mà suốt mấy năm vừa rồi, gần như cả hệ thống chính trị của Bắc Giang nhập cuộc chỉ để giải quyết vấn đề chỉ dẫn địa lý ở Nhật của quả vải thiều Lục Ngạn. Chủ đề này chi phối mọi mối quan tâm từ người dân cho đến các nhà quản lý, khiến cho ở nơi đây miếng trầu không còn là đầu câu chuyện nữa mà là “quả vải là đầu câu chuyện”. Sức ép của việc gìn giữ chất lượng sản phẩm chủ lực và cách để sản phẩm chủ lực ấy có thể đường hoàng tung tẩy ở thị trường quốc tế còn lớn hơn cả việc tạo dựng ra nó. Và như vậy không ai có thể làm việc một cách đơn lẻ được. “Nếu xác định nông nghiệp chỉ làm nông nghiệp, KH&CN chỉ làm KH&CN thì không bao giờ có thể hợp tác với nhau được cả. Trong tất cả các công việc, chẳng hạn như tham gia vào các nhiệm vụ KH&CN có liên quan ngành nông nghiệp thì thế nào cũng phải có người ngành nông nghiệp, thường là phó giám đốc sở, ngồi hội đồng cùng với bọn mình”, ông Ngô Chí Vinh nói.

Trong câu chuyện sản phẩm chủ lực quy tụ các ngành cùng tham gia đó, không phải bao giờ cũng toàn chuyện thành công. Chỉ vỏn vẹn vài chữ “công nghệ bảo quản” và “chế biến sâu” để sản phẩm không còn là chuyện xuất tươi, không là nỗi lo “chạy cho kịp mùa vụ” nhưng sao khó vô cùng. Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở KH&CN thừa nhận, “dù Sở KH&CN muốn có được những cách thức, công nghệ tốt để hỗ trợ người nông dân sản phẩm đầu ra tốt hơn, thu nhập cao hơn, song thực tế thì chưa được như vậy. Dĩ nhiên, chúng tôi sẽ không chịu bỏ cuộc”.

Hiện nay, Sở KH&CN Bắc Giang đang cùng với Trường Đại học Nông lâm Bắc Giang thử nghiệm một chế phẩm sinh học làm từ trà xanh và chitosan để bảo quản vú sữa Tân Yên, dự báo có thể bảo quản trong điều kiện thường đc khoảng 15 ngày. Ông Ngô Chí Vinh dường như rất háo hức với thử nghiệm mới này bởi “nếu thành công thì tới đây, có thể tiến tới làm các chế phẩm dành cho những thứ cây quả khó bảo quản, chín rộ trong thời gian ngắn hoặc dễ bị hư hỏng, như vải, vú sữa, na...”.

Dù thế nào, lòng nhiệt thành và quyết tâm không bỏ cuộc đã tạo cơ hội cho những giải pháp ứng dụng tiến bộ KH&CN, để từ đó niềm hi vọng hướng về phía trước luôn bền bỉ với những người Bắc Giang.

Nguồn: Bài viết hợp tác giữa Cục Sở hữu trí tuệ và Báo Khoa học và Phát triển

Lượt xem: 970

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)